Chủ Nhật, 4 tháng 8, 2013

Vững bước hành trang mới

Phóng sự VĂN VIỆT 
Đến đầu tháng 6/2013, đường lên quê mới Đơn Dương với những điểm sáng gồm xã Lạc Lâm và xã Quảng Lập đạt 16- 17 tiêu chí; xã Ka Đơn và xã Ka Đô cùng đạt 14 tiêu chí; xã Lạc Xuân đạt 12 tiêu chí; xã Tu Tra và xã Próh cùng đạt 9 tiêu chí; xã Đạ Ròn đạt 8 tiêu chí. Vững tin với hành trang mới, tất cả 8 xã cùng đặt mục tiêu lần lượt hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới từ cuối năm 2013 đến đầu năm 2018.

Có được thành quả “chặng đầu” hôm nay, ông Đinh Ngọc Hùng, Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương đánh giá: “ Đi vào triển khai, Nghị quyết Đảng bộ huyện Đơn Dương đã xác định xây dựng nông thôn mới là một trong những chương trình trọng tâm. Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới và toàn bộ hệ thống chính trị từ huyện đến 8/8 xã đã kịp thời thành lập, phân công trách nhiệm cho từng nhóm phụ trách, cho từng thành viên. Ngoài ra trên 8 xã đều kiện toàn các Ban Quản lý, Ban Giám sát, Ban Vận động và đặc biệt đã thành lập Ban Phát triển nông thôn mới trên 78 thôn, hoạt động cùng với các tổ công tác, các ban giúp việc ở thôn; tổ chức tập huấn đào tạo cán bộ; lập quy hoạch, lập đề án phát triển sản xuất; nâng cao tính tự chủ sản xuất, xác định đúng hướng chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để tạo bước đột phá, nâng cao đời sống cho nhân dân…” Qua đó, 8 Đảng bộ xã với 439 đảng viên, năm 2012 có 97% đảng viên hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Và với tổng số cán bộ 185 cấp xã có đó trình độ từ trung cấp trở lên đạt tỷ lệ 70% đối với cán bộ chuyên trách giữ chức vụ bầu cử và đạt tỷ lệ 98,9% đối với công chức…là nguồn lực quan trọng nhất đã và đang sát cánh cùng với nhân dân vươn lên trên đường quê huyện mới.
Kỹ sư Lê Thị Bé, Trưởng Phòng Nông nghiệp, cơ quan thường trực xây dựng nông dân mới huyện Đơn Dương cung cấp: Hàng năm Đơn Dương gieo trồng 21 ngàn ha rau các loại, sản lượng 700 ngàn tấn/năm, thu nhập bình quân 120 triệu đồng/ha/năm, nông nghiệp chiếm tỷ trọng 56% kinh tế toàn huyện. Chăn nuôi đáng kể với 46 ngàn con bò sữa, chiếm tỷ lệ 60% quy mô chăn nuôi hộ gia đình.
Tính chung toàn huyện với 98 ngàn dân, trong đó dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 30%. Với 37 trang trại, 92 doanh nghiệp thu hút dưới 20 lao động và 33 doanh nghiệp thu hút hơn 20 lao động, cùng với 7 Hợp tác xã và 7 Tổ Hợp tác sản xuất nông nghiệp đang năng động trong thương trường, đưa về thu nhập tính riêng của xã viên, tổ viên đã đạt trên 35 triệu đồng/người/năm, góp phần nâng cao thu nhập bình quân đầu người năm 2012 trong huyện là 28 triệu đồng, trong đó xã Próh đạt ít nhất đã lên được 17 triệu đồng, xã Lạc Lâm đạt nhiều nhất lên đến 30,4 triệu đồng.
Số liệu 3 năm qua, ngân sách nhà nước đầu tư trên 8 xã xây dựng nông thôn mới của huyện Đơn Dương gần 98 tỷ đồng cùng với đóng góp của nhân dân gần 55 tỷ đồng để làm đường giao thông nông thôn, thắp sáng điện thôn xóm, xây nhà văn hóa, xây hội trường thôn, xây cầu treo bắc qua sông Đa Nhim. Số tiền huy động sức dân đóng góp đang dẫn đầu là xã Lạc Lâm ( hơn 17,3 tỷ đồng), kế đến xã Ka Đô (gần 12,9 tỷ đồng), Quảng Lập ( hơn 12,3 tỷ đồng), Lạc Xuân ( 11,6 tỷ đồng); còn lại là xã Ka Đơn ( 4,24 tỷ đồng), Tu Tra 9 74 triệu đồng), Đạ Ròn ( 72 triệu đồng).
Những mô hình Ban Chỉ đạo hoạt động, Ban Phát triển thôn hoạt động hữu hiệu ở xã Lạc Lâm, xã Quảng Lập với việc huy động sức dân xây dựng đường bê tông thôn, xóm, xây dựng hệ thống điện thắp sáng. Ở xã Quảng Lập, xã Ka Đô, nhân dân mỗi xã đóng góp xây chợ mới trên dưới 10 tỷ đồng; ở xã Ka Đơn, nhân dân các thôn Ka Rái và Ka Đơn góp tiền kéo điện ra đồng bơm tưới 20 ha đất nông nghiệp, nhân dân thôn Sao Mai “tự quản” bảo nhau chỉnh trang mỹ quan nhà ở gia đình.
Trên 8 xã đến nay, điện lưới quốc gia đã về 100% số thôn, trong đó có 98% số hộ sử dụng điện an toàn; 4 chợ xã đạt chuẩn nông thôn mới gồm Lạc Xuân, Quảng Lập, Lạc Lâm, Ka Đô và 2 chợ Tu Tra, Próh đang nâng cấp;  14 trường học đạt chuẩn quốc gia; 5 trường học có cơ sở vật chất đạt xã nông thôn mới; 8 xã cũng đang lập thủ tục đầu tư 5 tỷ đồng xây dựng hạ tầng thể thao trong năm 2013 và tăng lên 15 tỷ đồng vào năm 2015. Trung tâm Y tế huyện Đơn Dương đang được mở rộng;  8/8 trạm xá xã đều nâng cấp và xây dựng mới, trang bị cơ bản các thiết bị y tế thiết yếu, đảm bảo biên chế các chức danh chuyên môn, thực hiện tốt các chương trình y tế quốc gia về phòng chống dịch bệnh, chăm sóc tốt sức khỏe nhân dân…
Để đạt mục tiêu từ cuối năm 2013 đến đầu năm 2018, tất cả 8/8 xã của huyện Đơn Dương đạt tiêu chí nông thôn mới, trước hết cần nguồn kinh phí nhà nước và nhân dân đóng góp 9,45 tỷ đồng để xóa 315 nhà tạm; tổ chức các hình thức sản xuất tăng năng suất và tăng hiệu quả kinh tế ( đạt từ 130 triệu đồng/ha/năm trở lên) để giảm số hộ nghèo từ 5,94% xuống còn 2% ( trong đó số hộ nghèo đồng bào thiểu số giảm từ 14,76% xuống còn 6%), trong đó ở 4 xã Đạ Ròn, Tu Tra, Ka Đơn, Próh phải áp dụng nhiều giải pháp đồng bộ để giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 7% số dân số trở xuống. Đồng thời những nhóm giải pháp cùng “tiến bước” như điều chỉnh bổ sung quy họach phát triển kinh tế- xã hội phù hợp hàng năm trên từng xã; lồng ghép các chương trình dự án để bê tông hóa giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương nội đồng; giao chỉ tiêu đào tạo nghề, xuất khẩu lao động đến từng xã; vận động già làng, trưởng bản, các chức sắc tôn giáo và những người uy tín trong cộng đồng cùng tích cực tham gia trong Ban Chỉ đạo xây dựng thôn mới ở thôn, xóm…
      Những giải pháp trên thể hiện quyết tâm của huyện Đơn Dương vững bước đi lên nông thôn mới, hành trang mới với “mục tiêu của mọi mục tiêu” là “Nâng cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của mọi tổ chức, cá nhân trên toàn huyện Đơn Dương để đưa chương trình xây dựng nông thôn mới đi vào thực chất là chương trình của dân, do dân và vì dân…” như lời của ông Đinh Ngọc Hùng, Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương đã nhấn mạnh./.
Tháng 6/2013