Thứ Bảy, 10 tháng 8, 2013

Vui tết giữa trang trại dế

VĂN VIỆT
Tết Kỷ Sửu “hai lẻ chín”, chàng thanh niên chủ trang trại dế đầu tiên ở Lâm Đồng đón chào “xuân xanh” thứ hai mươi sáu. Hỏi sao lại chọn con dế để lập nghiệp, chàng cười mỉm : “Thấy đồng bằng người nuôi dế bán được, mình ở miền núi cũng bắt chước làm thử…Đâu biết dế sinh nở nhanh thật nên  tôi nuôi luôn thành trang trại…”

 Chàng thanh niên ấy là Nguyễn Quang Huy, học đại học ngoại ngữ hết năm thứ hai phải nghỉ ngang để về cùng gia đình làm vườn vượt nghèo khó. Rồi Huy lấy vợ sinh con trong năm hai mươi bốn tuổi, được gia đình hai bên cho ra riêng ở thôn 2, xã Mê Linh, huyện Lâm Hà với một khoảnh vườn cà phê nho nhỏ. Định cư trên vùng đất Lâm Hà - vùng đất đỏ phì nhiêu của tỉnh Lâm Đồng, Huy gắng sức làm lụng để nuôi ước mơ sở hữu một khu vườn cà phê ngày càng rộng lớn hơn. Một chiều nọ ngồi gác cuốc nghỉ mệt dưới gốc cà phê thì tự nhiên chàng trai Huy gặp những chú dế than tung nhảy lạo xạo bên chân mình. Chợt nhớ lại mấy đêm trước xem truyền hình thấy ở vùng đồng bằng Nam Bộ có hộ gia đình kiếm tiền kha khá nhờ nuôi loài dế than như thế này. Vậy là Huy “bí mật” bắt mấy con dế than khỏe mạnh trong vườn lên nuôi bên góc hiên nhà. 
Tất cả trên dưới 30 con dế hoang dại đưa từ vườn về nhốt vào chiếc xô nhựa đã cũ, bên trong đã lót sẵn những cuộn cỏ khô. Xô nhựa đậy nắp có đục những lỗ nhỏ để thông luồng không khí vào ra. Qua bên hàng xóm xin mấy vốc cám nuôi gà rải đều trong “chuồng dế”. Đặt thêm chai nước nhỏ cho dế uống nữa. Sáng sáng Huy mở nắp xô thăm thấy dế lanh lợi khác hẳn. Huy kể lại tuần tự : “Qua tuần đầu, dế búng nhảy nhanh nhẹn thấy rõ. Tuần thứ hai, dế túm tụm theo đàn bầy trông thật lạ mắt. Và tuần thứ ba, thứ tư, những hạt trắng li ti bám dày trên cọng cỏ trong xô nhựa. Mới hay đó là trứng dế đẻ… ”  
Lại một mình bấm đốt ngón tay theo dõi đến hơn ba tuần sau, những dây trứng đồng loạt nở ra những đàn dế con nhỏ bằng đầu tăm mà đã nhảy lách cách trong xô. Huy tách đàn dế con ra khỏi đàn dế bố mẹ để nuôi riêng trong từng ô nhỏ, thưng kín ny lông bốn bề. Cũng với thức ăn cho dế là cám gà trộn với cỏ khô, nước uống là nước giếng múc lên đựng trong chai nhựa …Dế lớn mây mẩy từng ngày rồi nhân lên cả ngàn con dế thịt trong mấy tháng sau đó. Nhẩm tính cứ nuôi đà sinh sôi như vầy thì chừng hơn một năm nữa sẽ tăng đàn dế hơn trăm ngàn con. Nhưng bất ngờ một ngày mưa từ vườn chạy vào hiên nhà thăm dế thì Huy gặp thảm cảnh…dế nằm chết la liệt. Các thùng nuôi khác thì…trống trơn dế. Có phải vì chất đất, môi trường khí hậu ở vùng xã Mê Linh, huyện Lâm Hà của tỉnh Lâm Đồng không thể nuôi được dế than trong nhà ? Câu hỏi xoay xoáy trong đầu Huy nhưng bình tâm sau đó thì rốt cuộc đây cũng không phải là câu khó trả lời. Qua mấy ngày “điều tra” Huy đã “nhận diện” thủ phạm giết chết đến phân nửa đàn dế than trong nhà là lũ thạch sùng, lũ chuột nhắt, chuột chù, đàn kiến đen, kiến lửa và cả những làn mưa tạt nghiêng vào góc hiên nhà. 
Quả là dế cũng là con vật nuôi phải cần có quy mô chuồng trại, phải có các biện pháp phòng chống bệnh tật chuyển mùa, phòng chống dịch hại. Bởi vậy chàng trai trẻ Nguyễn Quang Huy mạnh dạn lên “thiết kế, quy hoạch” mô hình nuôi dế than trang trại từ đây.
Thoáng chốc thời gian từ khi bắt dế từ vườn đem vào nuôi trong góc hiên nhà rồi lập thành trang trại dế đến nay thanh niên Nguyễn Quang Huy đã qua ba năm. Ba năm Huy mới gom góp được số vốn gần trăm triệu đồng dựng chuồng trại nuôi được hơn trăm thùng dế. Tổng diện tích xây dựng hơn 250 mét vuông với quy trình nuôi kinh doanh mấy tháng cuối năm 2008, Huy “xuất chuồng” bán khoảng nửa tạ dế thịt, thu được hơn 10 triệu đồng. Huy đang tìm nguồn vốn vay trong năm mới Kỷ Sửu khoảng 200 triệu đồng để mở rộng trang trại nuôi dế lên 1.500 thùng. Được vậy đến cuối năm sau nữa, trang trại của Huy sẽ cam kết ổn định đầu ra ít nhất 10 ký dế thịt mỗi ngày. Với mặt bằng giá hiện tại, mỗi ngày trừ mọi chi phí, Huy chắc chắn thu khoản lãi hơn một triệu đồng. Huy nói: “Rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh ăn uống trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng đặt vấn đề hợp đồng mua dế thịt dài hạn, nhưng hộ gia đình Huy chưa giám đặt bút ký. Huy chỉ mới bán dế thịt trong phạm vi địa phương xã Mê Linh và một số khách  qua đường đã cung ứng không kịp rồi…”

Dế than hiện giờ là món ăn khoái khẩu từ khắp miền thôn quê đến nhiều nơi phố thị. Trang trại nuôi dế than của chàng trai trẻ Nguyễn Quang Huy vừa mới đặt tên giao dịch là “Trang trại Thiện An- chuyên cung cấp dế thịt - dế giống”. Ông Lê Minh Khải, Chủ tịch UBND xã Mê Linh cho biết, chính quyền xã Mê Linh đang vận động nông dân phát triển mới đàn dế than – gọi nôm na đây là loài vật nuôi -  đang mở ra mô hình khả thi về xóa đói giảm nghèo, vươn lên cuộc sống sung túc cho kinh tế hộ gia đình. Vậy là tết này giữa trang trại dế than Thiện An - trang trại của chàng trai trẻ Nguyễn Quang Huy đang nhân lên niềm vui, niềm hy vọng về con vật nuôi mau “phát tài” đến với thật nhiều số hộ nông dân nơi vùng đất đỏ Nam Tây Nguyên ! ./.     
   Tháng 01/2009