Thứ Bảy, 10 tháng 8, 2013

Vang Đà Lạt với "Vang làng giềng"

VŨ VĂN

Sau hồi kết giữa “Vang Đà Lạt” và “Vang đỏ Đà Lạt”, từ cuối tháng 10-2004 đến nay lại “căng” lên một cuộc chiến mới giữa “Vang Đà Lạt” với những sản phẩm rượu sử dụng địa danh “Đà Lạt” của Công ty Cổ phần Rượu-Bia-Nước giải khát Đà Lạt. Đây là hai người làng giềng sát vách với nhau: Số 4 và số 4B, đường Bùi Thị Xuân, Đà Lạt.

Có khác biệt ?
Sản phẩm mang nhãn hiệu “Vang Đà Lạt” do Công ty Thực phẩm Lâm Đồng ( nay là Công ty Cổ phần Thực phẩm Lâm Đồng) bắt đầu xuất hiện trên thị trường từ năm 1997. Loại rượu này được sản xuất từ trái dâu tằm Đà Lạt pha trộn tỷ lệ nhỏ trái dâu Phan Rang. Với một kỷ thuật lên men khá đặc trưng, “Vang Đà Lạt” nhanh chóng nổi tiếng, được người tiêu dùng ví là “hồn Bordeaux Pháp trong dáng Việt”. Ngày 05-9-2002, công ty này được UBND TP Đà Lạt cho phép sử dụng địa danh “Đà Lạt” cho nhãn hiệu sản phẩm của mình. Đến ngày 10-02-2003 được Cục Sở hữu công nghiệp ( nay là Cục Sở hữu trí tuệ) cấp Giấy Chứng nhận đăng ký nhãn hiệu độc quyền “Vang Đà Lạt”.
Những tháng cuối năm 2004 trên thị trường trong nước bày bán những sản phẩm rượu vang của Công ty Cổ phần Rượu-Bia-Nước giải khát Đà Lạt như: “T.B. Da lat Beco”, “DA LAT SPAROW”, “DALAT LAFARO”…Công ty Cổ phần Thực phẩm Lâm Đồng cho rằng những sản phẩm này đã vi phạm về quyền bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa “Vang Đà Lạt” và phát đơn khiếu nại.
Công ty Cổ phần Rượu-Bia-Nước giải khát Đà Lạt phản ứng: Nguyên là Phân xưởng bia của Công ty Cổ phần Thực phẩm Lâm Đồng; hiện có tên thương mại, trụ sở tại Đà Lạt nên việc thiết kế có thành phần “Đà Lạt” trong các sản phẩm rượu của công ty là hợp lý. Bên cạnh đó, các nhãn hiệu “Da Lat Beco”, “Da Lat Sparow”, “DaLat Lafaro”…hoàn toàn khác biệt với nhãn hiệu “Vang Đà Lạt”.
Bảo hộ cho ai ?
“Khiếu” lên “nại” xuống hàng chục văn bản gay gắt, ngày 07/6/2005, Bộ Khoa học và Công nghệ ra Quyết định số 1492 bác khiếu nại của Công ty Cổ phần Rượu-Bia-Nước giải khát Đà Lạt. Theo đó, các nhãn hiệu “T.B Dalat Beco”, “DALAT SPAROW”, “DALAT BECO”, “T.B DALAT BECO”, “DALAT LAFARO” trên sản phẩm rượu đóng chai của Công ty Rượu-Bia-Nước giải khát Đà Lạt là xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp nhãn hiệu “Vang Đà Lạt” của Công ty Cổ phần thực phẩm Lâm Đồng. Bởi lẽ, Công ty Rượu-Bia-Nước giải khát Đà Lạt sử dụng từ “Đà Lạt” trong nhãn hiệu rượu vang của mình với sự trình bày tách biệt và nổi bật về màu sắc, kích cỡ chữ, nét chư.. so với thành phần khác dễ làm tăng khả năng gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng với nhãn hiệu “Vang Đà Lạt”. 
Hơn nữa, rượu vang Đà Lạt mới sản xuất năm 1997 từ Công ty Cổ phần thực phẩm Lâm Đồng; các đơn vị, cơ sở khác đi vào sản xuất sau này nên “Đà Lạt” không thể là tên gọi xuất xứ, cũng như không phải là chỉ dẫn địa lý được bảo hộ cho rượu vang (Nghị định 63/CP, Nghị Định 54/2000/NĐ-CP ) để mọi người có quyền cùng sử dụng. Và thành phần “Đà Lạt” trong nhãn hiệu “Vang Đà Lạt” là để phân biệt với nhãn hiệu khác cùng nhóm sản phẩm rượu vang.
Quyết định trên là quyết định cuối cùng, có giá trị thi hành ngay. “Vang Đà Lạt” thắng kiện sau một cuộc chiến nhãn hiệu với người láng giềng nhưng không “nhẹ nhàng” chút nào. Quy luật thị trường bao giờ cũng có sự loại trừ sòng phẳng, quyết liệt. Và bởi vậy, ông Lê Văn Kiều, Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ đã “khuyên”: Công ty Cổ phần thực phâm Lâm Đồng và Công ty Cổ phần Rượu-Bia-Nước giải khát Đà Lạt nên cùng trao đổi, thống nhất giải quyết những tồn tại, tránh những thiệt hại cho cả đôi bên./.
Tháng 7/2005