Chủ Nhật, 11 tháng 8, 2013

Uống trà nhà cổ trên cao nguyên B’Lao

VĂN VIỆT
Bây giờ cao nguyên B’Lao đã “nhập cư”những mái ngói âm dương nhà cổ Hội An, nếp nhà sàn Tây Nguyên thu nhỏ trong không gian yên ả. Dừng chân nơi đây, quan khách được thưởng thức Trà Tiên, tĩnh tâm ngắm đất trời vời vợi xanh….Đó là điểm uống trà nhà cổ của Hãng cà phê Trung Nguyên nổi tiếng trên Quốc lộ 20, cách thị xã Bảo Lộc hơn mười cây số đi theo hướng Đà Lạt.

Gần ba năm về trước, Hãng cà phê Trung Nguyên từ “Buôn Mê” đến Bảo Lộc “định vị” được khoảng 2 ha giữa không gian khoáng đãng bên Quốc lộ 20 thuộc xã Lộc An để mở xưởng sản xuất Trà Tiên. Giữa “thủ đô chè” Bảo Lộc, sản phẩm chè xanh mang hiệu Trà Tiên nhanh chóng được hòa nhập, cùng đồng hành phát triển trên thị trường từ Bắc chí Nam. Nhà máy vận hành ổn định, Trà Tiên bắt tay vào thực hiện ý tưởng: khôi phục thú uống trà nhà cổ trên cao nguyên. Những khung sườn nhà cổ ở nhiều vùng ngoại vi Hội An được “sưu tập” thành “từng bộ” đưa về xứ núi Lâm Đồng. “Chiêu mộ” những nghệ nhân từ đất Quảng lên để phục chế đúng nguyên bản từng chi tiết của căn nhà. Sự chăm chút, tỉ mẩn từ bàn tay khéo léo, điêu luyện của người thợ miệt mài suốt gần năm trời đã dựng lên một góc phố cổ Hội An gồm 6 căn nhà quây quần bên chập chùng núi đồi cao nguyên. 
Trong đó có 4 căn nhà diện tích từ 100-400mét vuông; 2 căn nhà mỗi căn rộng 50 mét vuông. Bên trong vòm mái nhà cong vút là những bộ bàn ghế chạm trỗ những họa tiết, hoa văn, hình loan phượng…uốn lượn mềm mại, uyển chuyển. Nổi bật trong từng gian nhà là các bức hoành phi câu đối, bật lên từng lời văn thấm đẫm triết lý nhân sinh của người Việt ngàn đời.
Nhưng hiện lên một nét nhấn đậm đà của khuôn viên uống trà nhà cổ này là 2 căn nhà sàn bản địa Tây Nguyên. Dẫu là “sao chép” nhưng tất cả những vật liệu dựng nên 2 căn nhà này như tranh, tre nứa, thang gỗ…đều thuần loại như thiết kế, kết cấu…nguyên bản của nó. Ngay cả độ dài của từng căn nhà phải chọn đúng là số lẻ theo quan niệm tín ngưỡng của đồng bào thiểu số: một căn nhà dài 39m, căn nhà kia dài 29m. Uống Trà Tiên vọng nguyệt từ trong nhà sàn phối cảnh với “phiên bản” phố cổ Hội An nơi này cũng chính là một phương cách mới trong nghệ thuật kinh doanh, đưa thương hiệu của Trung Nguyên tiếp tục thâm nhập vào đời sống văn hóa của cộng đồng dân cư từ phố thị đến làng buôn.
Anh Nguyễn Văn Đông, Giám đốc Trà Tiên nói rằng, uống trà là một nét văn hóa tao nhã trong truyền thống người Việt. Mong được mạo muội góp phần gợi lại lịch sử về phong cách uống trà nơi làng quê cổ, Trung Nguyên mở quán trà đón khách gần xa. Vào khuôn viên ngập đầy hương trà, hoa, bóng mát cây xanh, nhìn “hoa nước” chảy quanh những đỉnh hòn non bộ…quan khách sẽ nhọ nhõm hơn khi ngồi vào bàn trà trong từng gian căn nhà cổ. Sẽ có những chương trình uống trà “vọng nguyệt” đặc biệt về đêm. Chiếc bếp kiềng 3 chân, lò thang rực hồng, những bộ ấm chén làng gốm Bát Tràng… được bày biện thể tất trên sàn nhà, trên từng bộ bàn ghế gỗ cổ, phục vụ là các cô thiếu nữ trong bộ áo dài truyền thống, áo tứ thân…Đội ngũ lễ tân, phục vụ được huấn luyện, tập dợt kỹ từ cách pha chế, rót trà đến lối ứng xử, lời chào….phải tuyệt đối giữ lịch thiệp, tao nhã với khách. 
Bên cạnh nhân sự đã tuyển chọn khoảng 100 người, đến thời điểm này thì hệ thống nhà cổ, vườn hoa cây cảnh, cổng vào và các hạng mục xây dựng khác…đang triển khai các công đoạn “trang điểm” cuối cùng. Trong tháng 12/2004, quán uống trà nhà cổ của Trung Nguyên sẽ chính thức “tân gia”, mang một các tên quán như: Trà Tiên Phong Quán, Vọng Nguyệt Trà Quán, Tĩnh Tâm Trà Quán…Quan khách sẽ “cảm” được sự tinh hoa của đất trời hội trụ trong từng chén trà. Vâng, lúc đó hy vọng khách  du vào đây uống trà nhà cổ được thăng hoa tâm hồn mình hơn lên;  và chủ nhân của quán được thêm tiếng thơm về thương hiệu Trung Nguyên trên đất B’Lao-Lâm Đồng./.
Tháng 10/2004