Thứ Ba, 13 tháng 8, 2013

Tự học làm khoa học

Ghi chép VĂN VIỆT

Qua cầu nối của những cựu chiến binh quen biết ở Đà Lạt, tôi được giới thiệu “kết bạn lính” với anh Nguyễn Đăng Hiến ở Thái Phiên, người tự học làm khoa học khá thành công. Khi nhận ra cùng lò lửa quân ngũ, anh kể chuyện với tôi sôi nổi hơn, chất lính cứ hiện rõ ra mồn một. “Lính mà! Vượt khó là chuyện thường ngày, tụi mình biết nhau quá còn gì ?!” Anh nói vậy thôi, chứ cái mặt trận chống đói nghèo của anh và gia đình  đã lan nhanh khắp thành phố này, ai nghe cũng mến phục, huống hồ chi tôi.

Anh Hiến cũng như tôi không phải dân chính gốc Đà Lạt nhưng “tình sử” với phố hoa thì thật đẹp. Sinh ra ở đất Quảng Nam, anh theo ba mẹ vào định cư nơi miền quê Tánh Linh, Bình Thuận ngập đầy nắng gió lúc còn đi lẫm chẫm. Tuổi trai tráng vươn vai lớn nhanh qua những mùa bão cát. Năm 1982 vừa tròn mười chín tuổi, anh “bén duyên” với xứ hoa đào khi làm anh bộ đội Cụ Hồ ở Học Viện Lục Quân Đà Lạt. Lên đèo Krông Pha rồi đèo Prenn vào đơn vị mới, qua ô cửa trập trùng phố núi, trong anh dâng lên những cảm xúc lạ kỳ. Hoa giăng khắp nẻo, muôn sắc, muôn loài rực rỡ. Những thửa rau bậc thang tít tắp kết liền nhau, lượn vòng như những con rồng xanh tung quẫy giữa lồng lộng cao nguyên.  Đất, trời và người Đà Lạt đã tạo ấn tượng mạnh mẽ trong anh ngay lúc chạm bước đến ban đầu!
Được biên chế vào phòng kỷ thuật huấn luyện thông tin vô tuyến và hữu tuyến của học viện, anh được dịp ở giữa lòng thành phố hoa suốt cả quãng đời quân ngũ. Trước khi vào lính, anh đã làm một người thợ sửa chữa vô tuyến điện ở quê. Nhà có 11 anh em, toàn là con trai cả. Sau anh đến 7 người em. Đi học phổ thông ở trường vừa học, vừa làm cách xa nhà hơn 30 cây số. Mới lên lớp 7, anh phải buổi học chữ buổi tự học sửa chữa vô tuyến và đến năm lớp 10 đã làm ra tiền, góp thêm với ba mẹ. Học hết lớp 11 nghỉ hẳn, đi sửa điện tử dạo, đỡ đần thêm tiền gạo gia đình nuôi em cho đến ngày được gọi nhập ngũ. Vào môi trường “kỷ luật thép” nhờ bản tính ham học hỏi, anh nắm bắt nhanh khoa học kỷ thuật truyền tin hiện đại trang bị cho quân sự, hoàn thành tốt những khóa huấn luyện tân binh. Cấp trên tin tưởng, đồng đội cảm phục. Chẳng vì thế mà những thanh niên khác đi ba năm hoàn thành nghĩa vụ về lại quê, nhưng anh phải ở lại làm một trung sĩ  thâm niên đến năm năm, bởi chọn một lính mới thay thế anh phải cần thêm thời gian đào tạo. Mà, cũng nhờ được “nán” lại thêm hai năm ở Đà Lạt, anh đã gặp được “một nửa của mình” nơi vùng rau Thái Phiên này. Cứ như cái duyên ai đó sắp đặt trước từ lâu rồi!
“Tâm sự thật lòng với anh nhen! Được lấy vợ Đà Lạt, Đà Lạt cho mình chọn làm quê hương thứ hai là ước muốn của mình lúc vừa đặt chân đến!”-Hiến nói. Kỳ thực là nếu không được đi bộ đội thì chẳng biết bao giờ anh có dịp lên tới thành phố Đà Lạt, nói chi đến việc định cư lâu dài. Từ một người xa lạ với thiên đường du lịch, một ngày tháng 7/1987, anh chính thức được thừa nhận làm người con rể của một gia đình vùng rau Thái Phiên, Đà Lạt. Đám cưới diễn ra nồng ấm, “họ hàng” đàng trai đông vui sắc lính áo xanh; “họ hàng” đàng gái hội tụ những nông dân quanh năm miệt mài cho đất đơm hoa, kết nụ. Ra quân, tài sản của anh không ngoài chất lính được đào luyện trưởng thành. Vợ anh sinh ra ở Đà Lạt, cuộc sống gia đình ba mẹ đang lúc khó khăn vẫn ráng dành 20 mét vuông đất để xây mái ấm và 600 mét vuông đất để cùng chồng sản xuất, kiếm sống qua ngày. Thế là đêm nhận ti vi, radio của khách về nhà sửa chữa kiếm thêm năm, mười ngàn; ngày cùng vợ cần mẫn trên diện tích trồng sú, bắp cải, atiso luân phiên quay vòng ba lứa mỗi năm. Tình đất, tình người thuỷ chung, gắn chặt bền lâu. Ba năm sau tích góp, vợ chồng anh dần dần có dư, gom được 3 cây vàng mua thêm 1,4 sào đất nữa. Vườn rau xanh trải dài liền thửa, sát cánh cả một vùng chuyên canh rau trọng điểm của Đà Lạt.
Nhưng mãi đến mười năm sau, từ một người lính về làm nông dân xứ rau, hoa công nghệ cao, anh và vợ mới tìm ra một bước đi đột phá bằng khoa học. Đó là vào năm 1997, một công ty của Đài Loan đến Đà Lạt trồng hoa cúc vàng xuất khẩu. Giống hoa từ nước ngoài nhập về, gặp đất Đà Lạt tốt quá nên tha hồ khoe sắc, tỏa hương, giá bán cứ tăng lên mỗi ngày theo nhu cầu của người tiêu thụ. Anh tìm mọi cách tiếp cận tìm hiểu công nghệ trồng hoa này. Bên cạnh các loại cây truyền thống như atiso, sú, bắp cải Đà Lạt, anh mạnh dạn chuyển đổi 210 mét vuông đất xây dựng nhà vòm, mua 2ngàn cây giống hoa mới về trồng. Giá cây giống lúc này không rẻ, đến 1.200 đồng mỗi cây, bởi vậy anh quyết định sản xuất giống tại chỗ trước khi sản xuất ra sản phẩm. Tự học trong mọi điều kiện, từ học kinh nghiệm trong thực tế đến lục tìm mua sách về tự nghiên cứu, ứng dụng.  Từ 2ngàn cây giống ban đầu, anh nhân lên thành 20 ngàn cây chỉ hơn một tháng rưỡi sau. Chăm sóc kỹ lưỡng, đúng quy trình kỷ thuật, lứa hoa “đầu tay” (kéo dài khoảng bốn tháng rưỡi), anh thu hoạch bán được 65 triệu đồng. Phải được ba năm liên tục, cứ sau 7-8 tháng trồng hoa cúc, vợ chồng anh thu lãi về từ 100 triệu đồng trở lên.
Lùi xa đói, nghèo, anh có thêm cơ hội hòa nhập với cơ chế thị trường sôi động ở “cấp cao” hơn. Là người đi tiên phong của vùng Thái Phiên trồng hoa cúc vàng nhập ngoại, anh dự báo trước rồi có một ngày, cây giống anh đang sản xuất bằng phương pháp hữu tính (chiết cành, bằng hạt) sẽ lão hóa đi, thị trường hoặc quay lưng hoặc hạ giá, nông dân sẽ phải chịu thiệt hại lớn nhất. Ý tưởng xây dựng phòng thí nghiệm sản xuất giống bằng phương pháp cấy mô của anh lóe lên từ đây. Nếu xây dựng một phòng cấy mô với quy mô 80 mét vuông phải có tối thiểu khoảng 300 triệu đồng, khả năng nguồn vốn dốc hết của anh vừa đủ. Nhưng còn việc “vận hành” phòng cấy mô, liệu một nông dân “tay ngang” như anh có quá liều lĩnh không? “Có đấy! Dù không bàn ra, song nhiều lần vợ tôi đã nơm nớp lo như thế!”  Vậy, để thực hiện chắc anh có niềm tin nội tâm? “Cái hụt hẫng của tôi là không được học qua trường lớp bài bản nào. Bù lại, tôi có rất nhiều “người thầy” viết sách để tôi tìm thấy mua về tra cứu, thực nghiệm…”Anh đưa tôi xem những cuốn sách mà anh tự nhận đó là “người thầy” của mình. Nào là “ứng dụng nuôi cấy mô thực vật”; nào là “tra cứu tóm tắt về sinh lý thực vật”…của tác giả gồm những nhà khoa học trong và ngoài nước. Theo anh, với những “cẩm nang” này, bất kỳ nông dân nào chịu khó đọc kỹ đều có thể làm “nhà khoa học” nuôi cấy mô được. Riêng tôi, chỉ mở ra trang đầu trong sách của anh đã thấy choáng ngợp bởi những thuật ngữ khoa học, đọc đi đọc lại nhiều lần vẫn không hiểu được. Người “ngoại đạo” như tôi khó tiếp thu thì phải?!
Thấy tôi cứ lóng ngóng mãi bên những cuốn sách-người thầy ấy, anh dẫn tôi đi một vòng khuôn viên làm khoa học của anh, hy vọng giúp tôi được “trực quan, sinh động” hơn . Quy trình sản xuất khép kín của anh gồm ba công đoạn: Phòng cấy mô (diện tích 75 mét vuông) cung cấp cây giống cho vườn ươm (diện tích 210 mét vuông) và cuối cùng là khu vực sản xuất cây giống thương phẩm (diện tích 1.400 mét vuông). Phòng cấy mô được xây nhiều gian như: phòng sáng, phòng vô trùng, máy bốc cấy vô trùng, nồi hấp; hệ thống những máy sấy, đo môi trường, điều hòa; các loại cân phân tích; phòng kỷ thuật, hóa chất; hũ tam giác, ống nghiệm…Anh nói rằng, rất có nhiều cách nuôi cấy mô. Mẫu cấy mô tự lấy như: đỉnh sinh trưởng (mầm cây), mô sẹo, tế bào (lấy bất cứ chỗ nào trên thân cây). Những ngày đầu “vào trận” cấy mô, anh bị thua liên miên. “Nhưng không sao, được thêm nhiều kinh nghiệm quý gấp bội lần so với thiệt hại vật chất …”Anh kể “mẻ” cấy mô đầu tiên, anh làm thử 100 ống nghiệm, chế vào 1 lít dung dịch môi trường. Cứ 1 tuần thử 4 lần. Từ thất bại này đến thất bại khác, kéo dài đến hơn 8 tháng sau, anh mới thành công. Anh cười thật tươi và nói: “Chẳng phải nhờ tài sản của lính để lại rằng, thắng không kiêu, bại không nản đó sao?!”
Đến nay hơn ba năm tự học làm khoa học thành công, anh thu “lãi ròng” trung bình hàng tháng từ 15-20 triệu đồng. Anh “làm thầy” lại vợ anh (cũng “dân tay ngang”) cùng 3 đứa con  (đứa lớn nhất học lớp 10; nhỏ nhất học lớp 4) đều đã thành thạo, thay đổi nhau vào “vận hành” phòng hóa nghiệm cấy mô có kết quả. Dây chuyền kỷ thuật cấy mô của gia đình anh đều thay thế hoặc trang bị mới, hiện đại hơn với trị giá khoảng hơn 400 triệu đồng, công suất mỗi ngày cho “thành phẩm” từ 2.000 cây cấy mô trở lên, gồm các loại phong lan, địa lan, hoa cúc nhập ngoại, khoai tây và nhiều giống hoa Đà Lạt khác theo đặt hàng. Khách hàng của anh không chỉ là nông dân Thái Phiên, Đà Lạt mà còn ở các tỉnh Tây Nguyên lân cận và ven biển miền Trung tìm đến, anh mới đáp ứng được 40% nhu cầu. Anh thừa khả năng mở rộng phòng hóa nghiệm, khu nhà mái che. Băn khoăn bây giờ là phải có thêm người làm kỷ thuật ngoài anh và vợ con anh; thuê một người có “nghề” hoặc nhận người về học việc bây giờ là cả một vấn đề!
Trở lại câu chuyện “cựu binh” với nhau, anh “khoe”: “Mình sinh hoạt tại Hội Cựu chiến binh phường 12 đều đặn lắm đấy! Hai năm nay mình góp 15 triệu đồng cho quỹ “giúp nhau làm kinh tế” của Hội”. Dĩ nhiên đồng đội với nhau, tính lãi coi sao được!” Và với “tình quân dân” thì sao? “Mình nhận 10 lao động địa phương đến nhà làm việc, bao cơm hàng ngày, lương tháng từ 400-600 ngàn đồng. Hiện nay, mình “dư nợ” trong nông dân khoảng 300 triệu đồng cũng không hề tính lãi!” Có nghĩa khoản “dư nợ” này, anh bán cây giống cấy mô cho nông dân “gối đầu” theo từng lứa hoa, rau thu hoạch, vẫn giá bán theo thị trường, không cộng lãi suất. Phải đến từ 150-200 hộ nông dân ở Đà Lạt được nghĩa tình quanh năm với anh như thế…
“Nhà khoa học” Nguyễn Đăng Hiến năm nay sang cuối tuổi bốn mươi, đang ấp ủ nhiều dự định mới táo bạo hơn nữa. Anh chưa tiện nói ra vì đó là “bí mật của người lính”, khi nào mở “mặt trận” hãy biết. Nghe vậy, chất lính trong tôi trỗi dậy. Ra về, tôi đọc hai câu thơ quen thuộc thời lính: “Vinh gì hơn làm người lính đi đầu. Trong đêm tối tim ta làm ngọn lửa.” Anh Hiến choàng vai tôi, cười hiền: “Tụi mình gốc lính với nhau ở phố hoa cả mà!”./.
Tháng 10/2003