Thứ Sáu, 9 tháng 8, 2013

“Tôi chỉ là một đạo diễn không chuyên”!

VĂN VIỆT Thực hiện
Sinh năm 1959 tại Đà Lạt. Tốt nghiệp đại học văn hóa Hà Nội về quản lý văn hóa từ năm 1982 đến nay chỉ làm “một chỗ” ngành văn hóa tỉnh Lâm Đồng, Nguyễn Vũ Hoàng chưa một lần được “cấp thẻ” nhạc sĩ, nghệ sĩ, diễn viên….nhưng luôn được “chỉ định” làm tổng đạo diễn những lễ hội lớn ở Đà Lạt. Sau thành công Festival hoa 2005 mang “tầm quốc gia, màu quốc tế”, lần nữa Nguyễn Vũ Hoàng nói “Tôi chỉ là một đạo diễn không chuyên” !

*Anh tóm tắt điều gì khi chương trình lễ  hội Festival hoa 2005 mà anh làm Tổng đạo diễn đã kết thúc ?
*Tổng đạo diễn Nguyễn Vũ Hoàng: Tổng thể đề án Festival hoa Đà Lạt năm 2005 được chính phủ, các bộ ngành và của tỉnh mình duyệt. Trong quá trình tổ chức thực hiện theo mình nhận định về cơ bản là hoàn thành tốt các chương trình. Trong đề án có tất cả 18 chương trình. Có 6 chương trình trọng tâm,  6 chương trình trọng điểm và 6 chương trình du lịch tiêu biểu. Mình làm được 17 chương trình.  Trừ đường hoa Hồ Tùng Mậu Đà Lạt làm không được vì kinh phí có hạn.
*Chương trình bế mạc và khai mạc vẫn còn “bóng dáng” sân khấu hóa như lễ hội sắc hoa năm ngoái ?   
*Tổng đạo diễn Nguyễn Vũ Hoàng: Là người viết kịch bản và tổng đạo diễn chương trình khai mạc và bế mạc, mình vẫn trăn muốn thể hiện được phong cách riêng của lễ hội Festival hoa Đà Lạt, dạng kịch bản mở. Những năm trước mình hay làm cái dạng là sân khấu hóa hoặc cảnh diễn hóa. Lần này các lực lượng khác như các tổ chức, các đơn vị, các tỉnh thành bạn, các nước tham gia với mình nhiều hơn. Chứ nó không đóng khung trong một không gian nhất định. Và tiêu chí của mình là càng rộng rãi, càng đông đảo các đối tượng tham gia lễ hội thì thắng lợi của Festival càng lớn. Và sắp tới mình vẫn suy nghĩ rằng hướng càng mở rộng để đông đảo lực lượng tham gia thì Festival càng ngày càng có tiếng vang và nó thực sự là của mọi người. Và nó sẽ bớt đi cái “hành chính hóa” trong lễ hội..
*   Kịch bản anh viết với những ý tưởng đã hình thành hay chỉ từ ngẫu hứng ?
***Tổng đạo diễn Nguyễn Vũ Hoàng: Có lẽ là sau lễ hội sắc hoa Đà Lạt cũng có nhiều lời khen nhưng có nhiều lời góp ý. Thậm chí có những điều phê bình và có nhiều lời chê trách. Từ khen, từ chê, từ nhiều niềm hạnh phúc…khiến mình nhiều trăn trở. Đặc biệt với chuyến đi Hà Lan của mình rất quan trọng để bổ sung thêm những tiêu chí kịch bản của mình. Chân lý của lễ hội là phải hết sức bình dị, hết sức tự nhiên. Festival hoa thành công là nơi người ta bày tỏ, thể hiện những gì mình yêu thích. Không nên gò bó.
*Trước khi anh đi Hà Lan, anh có tìm đến những nhà nghệ sĩ, đạo diễn, nhạc sĩ…đã  thành danh trong nước để “thọ giáo” cho kịch bản ?
*Tổng đạo diễn Nguyễn Vũ Hoàng: Những người nghiên cứu, những đạo diễn ở thể loại kịch bản lễ hội này không nhiều ở trong nước. Bởi vậy nhiều chương trình trong nước thường bị phê bình là “sân khấu hóa”. Chính mình đang cố gắng thể hiện cái của mình gắn với những điều mà mình học tập từ các lễ hội nước ngoài. Tức là mình nghiên cứu các lễ hội hoa truyền thống gần 100 năm của Hà Lan, của các nước Nam Mỹ và các nước châu Âu; nghiên cứu các lễ hội dân gian của Việt Nam, để tìm ra một kịch bản màu sắc riêng mình. Trong quá trình thể hiện có những điều mình đạt được, những điều chưa đạt được.  
Đạt được là lực lượng tham gia xe hoa thành công với trên 170 chiếc xe hoa. Phải nói rằng đây là lực lượng xe hoa lớn nhất nước trong các lễ hội từ trước đến nay. Rồi có đủ loại nhóm nhạc dân gian; nữ hoàng Kimono của Nhật; các nhóm múa của TPHCM…tương đối phong phú. Nước ngoài đánh giá lễ hội đường phố trong Festival hoa Đà Lạt lớn nhất Việt Nam từ trước đến nay.
*Có người nói rằng, những chủ đề trình diễn có hình ảnh đoàn xe hoa bị “cắt ngang” bởi những nghệ nhân xiếc xe đạp một bánh, trượt patin, đội kèn…trôngất “nghiệp dư” ?
 *Tổng đạo diễn Nguyễn Vũ Hoàng: Đó là phong cách hiện đại mà mình đang thể nghiệm. Không chỉ duy nhất diễu hành bằng xe hoa. Giữa xe hoa và nhóm nghệ thuật đường phố bổ sung cho nhau, tôn vinh thêm sắc màu của xe hoa. Và với một chiếc xe đạp một bánh cũng có gắn hoa lên. Có bao giờ biểu diễn xe hoa lại không có người đâu. Có điều ở đây mình làm chưa thật nhuần nhuyễn lắm. 
*Lại có người nói lễ khai mạc thật rực rỡ, mang nhiều màu sắc hiện đại. Trong khi lễ bế mạc ngắn quá, thậm chí có những trích đoạn nhàm buồn, rời rạc ?
***Tổng đạo diễn Nguyễn Vũ Hoàng: Mình không thể nào thể hiện nó giống nhau được. Khai mạc và bế mạc là hai phong cách. Trong bài hát phải có những nốt lặng. Nếu như khai mạc mình làm đậm những nét hiện đại thì bế mạc là một lời chia tay rất riêng của Đà Lạt là rất đầm ấm, lời hẹn tạm biệt đầy lưu luyến  được thể hiện bằng nghệ thuật. Chương trình bế mạc một tiếng đồng hồ thật ra không phải là ngắn.
*Nhưng chương trinh khai mạc dự kiến 90 phút nhưng lại kéo dài đến hơn 2 giờ đồng hồ ?
*Tổng đạo diễn Nguyễn Vũ Hoàng: Chương trình khai mạc phải “thêm” 30 phút vì nó là một dạng kịch bản mở nên mình không nắm chắc về mặt thời gian. Thí dụ như mình tính là 40 chiếc Vespa cổ chẳng hạn nhưng khi đi diễu hành lại lên đến hơn 60 chiếc. Những chiếc xe hoa các tỉnh bạn cũng vượt nhiều hơn dự kiến. Ở nước ngoài lễ hội thời gian kéo dài như vậy là vui. Nó kết thúc sớm hơn dự kiến là buồn !
*Nhưng ( lại nhưng…) với mùa đông Đà Lạt mà đến 20 giờ mới khai mạc là chưa thích hợp?
*Tổng đạo diễn Nguyễn Vũ Hoàng: May mắn cho lễ hội hôm đó là truyền hình trực tiếp qua VTV2 nên thời gian vẫn được kéo dài thêm. Do khí hậu hôm đó không thuận lợi, lạnh quá, làm trễ giờ nên ai cũng có cảm giác chương trình dài ra. Bản thân mình làm chương trình cũng chung cảm nhận như vậy. Việc chuyển bè hoa trong lễ khai mạc không thực hiện được do sóng nước hồ lớn, gió không “căng buồm” được bè hoa sân khấu di chuyển đi.     
*Kịch bản của anh khi viết có gặp khó khăn gì trong khi biên tập, duyệt thông qua ?
*Tổng đạo diễn Nguyễn Vũ Hoàng: Hoàn toàn không. Vì đây là dạng kịch bản mở. Nhiều ý kiến góp ý đều được bổ sung…
*Và quá trình dàn dựng…
**Tổng đạo diễn Nguyễn Vũ Hoàng: Mình chia mảng. Ê kíp của mình gồm 3 phó tổng đạo diễn; gần 20 biên đạo; 5 đạo diễn; 10 nhạc sĩ; gần 1.000 diễn viên chuyên nghiệp và gần 6.000 diễn viên quần chúng. Có 25 đơn vị trong và ngoài tỉnh tham gia.
*Nhiều người nói rằng sân khấu nổi trên hồ Xuân Hương thiết kế bất hợp lý, quá xa khoảng cách với khán đài…
*Tổng đạo diễn Nguyễn Vũ Hoàng: Do địa thế của nơi diễn ra lễ hội khai mạc, bế mạc là một không gian rộng lớn; nếu không thiết kế ở tầm xa như vậy thì không thể nào đáp ứng được 15 ngàn người ngồi xem. Bởi vì chương trình khai mạc và bế mạc của mình với hàng ngàn diễn viên. Phải thiết kế đến 4 sân khấu như vậy mới đồng diễn thành công theo một chủ đề lớn của kịch bản được. Thậm chí có cảnh ông già chèo đò hiện ra ở phía bên kia hồ nữa…
*Nếu cụ thể về tỉ lệ thành công trong các chương trình lễ hội Festival vừa qua thì theo anh những con số là…
*Tổng đạo diễn Nguyễn Vũ Hoàng: Thành công lễ hội đường phố là 80%; lễ khai mạc chỉ đạt 60%; nhưng bế mạc lại bảo đảm khoảng 95%. Mình vẫn trăn trở nhất là lễ khai mạc; có những cái mình chưa thể hiện được. Ngay cả những loại hình đưa ra thể nghiệm cần phải rút kinh nghiệm cho các chương trình lần sau. Dẫu vậy, mừng là mình không hủy bỏ một chương trình nào trong kịch bản. Và hạnh phúc nhất là sự tham gia đông đảo của nhân dân. Dù trời mưa nhưng đêm nào ít nhất cũng chục ngàn người xem.      
*Và những phần chưa thành công như dự kiến đó là…
*Tổng đạo diễn Nguyễn Vũ Hoàng: Thực tình thì có những ý tưởng trong kịch bản mình rất là “tham”; trong khi năng lực làm Tổng đạo diễn của mình có giới hạn. Những đội ngũ cùng mình thực hiện vẫn chưa “làm quen” với kịch bản lễ hội này.
*Trong chương trình lễ hội người ta chỉ nghe giới thiệu Tổng đạo diễn Nguyễn Vũ Hoàng; chứ không nghe Tổng đạo diễn-nghệ sĩ hoặc Tổng đạo diễn-diễn viên hoặc…
*Tổng đạo diễn Nguyễn Vũ Hoàng: Lễ hội Đà Lạt 100 năm là lễ hội đầu tiên quy mô lớn nhất của Việt Nam mà tôi được làm Tổng đạo diễn. Sau những thành công nhất định này, các lễ hội Đồng Nai 300 năm, TPHCM 300 năm và nhiều tỉnh, thành trong cả nước lần lượt tổ chức…Sau này đa số Tổng đạo diễn các lễ hội là các nghệ sĩ. Nhưng Đà Lạt mình là sử dụng người địa phương. Bởi vậy người ta vẫn nghĩ mình là “không chuyên”! Nhưng thực sự mình học chuyên ngành về quản lý văn hóa nên phải học tất cả các loại hình nghệ thuật. Mình là người đưa ra ý tưởng trong kịch bản. Các biên đạo, nhạc sĩ, dạo diễn…dựa theo chủ đề mà làm. Mình không sửa từng động tác múa, từng nốt nhạc…mà chỉ sửa từng nội dung chủ đề, ý tưởng bao quát chung. Lễ hội quần chúng là mang tính lễ hội mở. Sự tham gia, sự đồng cảm của quần chúng, của những người dự khán nhiều chừng nào là thành công chừng đó. Người ta tới lễ hội không chỉ để xem mà người ta còn chia xẻ, đồng cảm…cùng với mình nữa.  
* Anh cho cho rằng mình có chút ít năng khiếu làm đạo diễn lễ  hội quần chúng ? 
*Tổng đạo diễn Nguyễn Vũ Hoàng: Có đòi hỏi năng khiếu bẩm sinh nhưng không nhiều. Chính sự cộng tác của đội ngũ của mình là yếu tố quyết định. Tổng đạo diễn là người biết kết nối tất cả những tài năng nghệ thuật làm nên một lễ hội lớn.
*Đà Lạt là nơi sinh ra anh. Và chính những lễ hội Đà Lạt đã làm Nguyễn Vũ Hoàng trở nên nổi tiếng. Anh suy nghĩ như thế nào ?
*Tổng đạo diễn Nguyễn Vũ Hoàng: Mình còn phải đầu tư nhiều nữa, học hỏi nhiều hơn cho những kịch bản chương trình lễ hội của thành phố quê hương mình. Chưa khi nào mình nghĩ làm tổng đạo diễn chỉ vì muốn nổi danh…Mình đã viết kịch bản thứ mấy trăm cho chương trình lễ hội quần chúng của Đà Lạt, của Lâm Đồng từ hơn hai chục năm nay rồi . Nhiều tỉnh, thành trong nước có mời mình làm tổng đạo diễn nhưng mình không nhận lời vì thời gian dành cho chương trình lễ hội quần chúng Đà Lạt đã lấp đầy.
*Kịch bản Festival hoa lần thứ 2 của Đà Lạt-năm 2007, nếu được phân công làm tổng đạo diễn, làm thế nào để anh không lặp lại chính mình ?
*Tổng đạo diễn Nguyễn Vũ Hoàng: Theo tôi Đà Lạt nên phát động cuộc thi viết kịch bản lễ hội ngay từ bây giờ. Nói chính xác hơn là cuộc thi viết về đề án Pestival hoa 2007. Từ đó tận dụng tối đa những ý tưởng, những suy nghĩ, những phong cách mới trong từng kịch bản…Và người tổng đạo diễn sẽ không lặp lại chính mình. Hơn nữa với Festival hoa đặc trưng riêng của Đà Lạt, tổ chức hai năm một lần thì cần phải hình thành một bộ máy tổ chức chuyên nghiệp về lễ hội mới tránh đi những hạn chế vụng về như đã diễn ra…


**Xin cám ơn anh về cuộc trò chuyện này.

Tháng 01/2006