Thứ Tư, 14 tháng 8, 2013

Thổ cẩm Hiệp An

 VĂN VIỆT
Từ lâu trên bản đồ lữ hành du lịch Việt Nam đã xuất hiện một “điểm son”: Làng gà Đarahoa ( gà chín cựa, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng). Nằm dưới chân Núi Voi lịch sử, làng Đarahoa còn có sức hấp dẫn đặc biệt đối với du khách, nhất là khách ngoại quốc trước những khung cửi cần mẫn dệt thành từng tấm thổ cẩm đặc sắc. Để gắn sản xuất hàng hóa với phát triển du lịch một cách lâu bền hơn, chính quyền huyện Đức Trọng và xã Hiệp An đang quy hoạch mở rộng làng nghề này. 

Làng Đarahoa nằm trên Quốc lộ 20 tiếp giáp với thành phố Đà Lạt, gồm 321 hộ ( 1859 khẩu) người Cơ ho và người Chill bản địa sinh sống lâu đời. Trước đây có tên gọi là K’Long, sau cuộc định canh định cư năm 1978, đã ra đời tên thôn Đarahoa thuộc xã Hiệp An, huyện Đức Trọng đế bây giờ. Theo những tuor du lịch Đà Lạt cuốn hút mạnh mẽ, khách du đến Đarahoa ngày một đông thêm. Họ đến chủ yếu để tìm hiểu về khu căn cứ địa cách mạng Núi Voi và thích thú xem công trình “gà trống chín cựa” được xây dựng từ thời Pháp. Từ đó thôn Đarahoa bắt đầu hình thành tự phát hoạt động thương mại-dịch vụ nhỏ lẻ trong nhân dân, trong đó có các “shop” hàng thổ cẩm chào bán khách du lịch. Nhưng tiếc rằng, người dân ở đây chưa biết ngồi bên khung cửi bao giờ nên hàng thổ cẩm phải mua từ người Chăm ở Phan Rang và người Cơ ho, Chill, Lạch.. ở nơi khác trong tỉnh Lâm Đồng về tiêu thụ. Cung chưa đáp ứng cầu. Năm 1999, Linh mục Nguyễn Đình Phúc (nhà thờ K’Long) tự bỏ tiền ra thuê nghệ nhân từ Phan Rang về Đarahoa dạy nghề cho người dân trong làng. Cái “tên kép” làng nghề dệt thổ cẩm: Đarahoa-K’Long mới dần dần được biết đến.
Từ cơ sở “tiên phong” của Linh mục Nguyễn Đình Phúc đến nay đã có thêm 4 cơ sở nữa. Bên cạnh “giáo viên” dạy nghề là người Chăm ở Phan Rang còn có người Cơ ho ở Bảo Lộc lên. Quy mô cả làng dệt phát triển tất cả 47 khung dệt thủ công, 24 máy may và 90 lao động vừa sản xuất vừa bán hàng tại chỗ. Bề thế nhất vẫn là cơ sở dạy nghề, sản xuất của Linh mục Nguyễn Đình Phúc với 4.000mét vuông nhà xưởng, 1 quầy bán thổ cẩm xây dựng khang trang diện tích 50mét vuông, doanh thu trung bình hàng tháng khoảng 10triệu đồng. Được nhà nước cấp giấy phép kinh doanh, Linh mục Phúc đã đầu tư 300 triệu đồng vốn cố định và thường xuyên với 40 triệu đồng vốn lưu động, duy trì việc làm quanh năm cho 72 lao động quanh vùng. 4 cơ sở còn lại quy mô nhỏ hơn, mang tính nội bộ gia đình (từ 2-7 lao động), thu nhập hàng tháng ở mức từ 1 triệu đồng-7 triệu đồng/1cơ sở. 
Dẫu tự phát nhưng làng dệt thổ cẩm Đarahoa-K’Long đã biết dựa vào thế mạnh du lịch để tồn tại, chuyển bước. Để theo đà phát triển một cách vững chắc hơn, đòi hỏi vai trò điều chỉnh theo quỹ đạo chung của nhà nước trong lúc này là hết sức cần thiết! 
Theo các cơ quan chức năng của huyện Đức Trọng, thổ cẩm Đarahoa nhìn chung chỉ mới xây dựng những nền móng đầu tiên, tron chừng mực vẫn gặp nhiều khiếm khuyết về hình thức, mẫu mã. Nguyên liệu sợi mua từ nhà máy sợi ở TPHCM, sản phẩm dệt chủ yếu theo nghệ thuật duy nhất của người Chăm; rất ít chủng loại mang đậm nét dệt đặc trưng truyền thống của người bản địa Tây Nguyên. Thị trường sản phẩm đang hết sức bị động, chưa được quảng bá rộng rãi. Bởi vậy, điều quan trọng để tạo bước đột phá đi lên là sớm đưa làng nghề Đarahoa hòa nhập nhanh vào các làng nghề trong tỉnh, trong nước; tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh ở thị trường trong nước và nước ngoài.
Ngoài việc tiếp tục duy trì những cơ sở hiện có, trong lúc này làng thổ cẩm đang đặt ra 3 vấn đề chính là mở rộng khu sản xuất, dạy nghề; quy hoạch hệ thống “shop” hàng lưu niệm và nâng cấp hạ tầng giao thông. 
Ông Hoàng Bá, Chủ tịch UBND xã Hiệp An cho biết: xã hiện có khoảng 6 ha đất công tại khu vực Trung Hiệp có thể hình thành khu trưng bày sản phẩm, sản xuất, dạy nghề, hàng năm từ 100-150 lao động thời gian đầu và từ 250-400 lao động thời gian tiếp theo (mỗi lao động thời gian học nghề khoảng 16 tháng). Ở diện tích đất quanh “con gà chín cựa” nên thực hiện việc quy hoạch khu bán hàng thổ cẩm gắn với sản xuất hoa, cây cảnh, tôn tạo cảnh quan cho du lịch. Cuối cùng là con đường cấp phối dài 1,8km từ ngã ba K’Long vào thôn Đarahoa đến chân Núi Voi cần được nâng cấp thành đường bê tông nhựa nóng theo tiêu chuẩn cấp 4 miền núi. 
Chủ trương chung là đa dạng hóa các hình thức sở hữu tổ chức lại làng nghề. Nhưng muốn thu hút nguồn vốn nội lực, nguồn vốn đầu tư từ trong và ngoài nước vào làm ăn, xây dựng thương hiệu thổ cẩm Đarahoa-K’Long thì trước hết phải cần gần 7 tỷ đồng để xây dựng “3 vấn đề” hạ tầng nêu trên. Số vốn này nếu nhà nước sớm cân đối ngân sách đầu tư, chắc chắn sẽ mở ra những triển vọng lớn về bước tiến một làng nghề thổ cẩm của Hiệp An nói riêng, của Lâm Đồng nói chung./.

Tháng 02/2004