Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2013

Thanh Trị “trình làng” máy gieo mạ

VĂN VIỆT
Ngày 25/10/2012, Công ty TNHH Cơ khí nông nghiệp Thanh Trị, số 495, Quốc Lộ 20, thị trấn Liên Nghĩa, Đức Trọng, chính thức xuất xưởng 01 chiếc máy gieo mạ trên khay để đưa về thành phố Hồ Chí Minh tham gia Hội chợ Nông nghiệp công nghệ cao và công nghiệp thực phẩm khu vực phía Nam.

Anh Lê Thanh Trị, Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí nông nghiệp Thanh Trị cho biết, chiếc máy gieo mạ trên khay được công ty của anh chế tạo hoàn thành trong vòng khoảng một tháng rưỡi. Tiền thân là một cơ sở sáng chế các loại máy gieo hạt, máy xay giá thể…cung cấp cho vùng nông nghiệp Lâm Đồng, đến đầu tháng 10/2012, anh Trị mở rộng quy mô, thành lập công ty. Chiếc máy gieo mạ trên khay ra đời từ một “gợi ý” đặt hàng của 2 doanh nghiệp cung ứng các loại máy nông nghiệp ở vùng đồng bằng phía Bắc. Theo đó, vào vụ lúa đông- xuân hàng năm, thời tiết phía Bắc khá lạnh, nên phần lớn những cánh đồng phải gieo mạ trên khay bằng tay rồi đưa vào cấy bằng máy- thay vì gieo sạ hàng loạt xuống thửa ruộng như 2 vụ lúa trồng trước đó. Bởi lúa cấy từ mạ sẽ rút ngắn thời gian canh tác trên đồng, cây lúa sẽ tạo rễ nhanh, có khả năng chống chịu với thời tiết lạnh giá, phát triển với năng suất và hiệu quả cao hơn phương pháp gieo sạ xuống giống, chăm sóc trên đồng bắt từ mầm hạt lúa.
Nghiên cứu các nguyên lý vận hành của các chiếc máy cấy nhập mua về từ Nhật Bản, anh Trị thấy rằng, người nông dân phía Bắc vẫn đang vất vả gieo từng hạt lúa bằng tay trên từng khay đất. Sau 15 ngày chăm sóc từng hạt lúa giống nẩy mầm, vươn lá lên xanh tốt trên từng khay đất, sau đó mới “xếp hàng” chuyển lên máy cấy. Với nhiều kinh nghiệm sáng chế thành công các loại máy gieo hạt giống rau, hoa và máy xay trộn giá thể để gieo trồng cây giống, anh Trị đã trực tiếp vẽ thiết kế rồi nhanh chóng triển khai sản xuất thành một chiếc máy gieo mạ trên khay hoàn chỉnh chỉ trong thời gian khoảng một tháng rưỡi như đã nêu.
Ngày 23/10/2012, trước khi đưa về thành phố Hồ Chí Minh tham gia hội chợ, anh Trị nói đã chạy thử máy gieo mạ trên khay một lần nữa và đã đạt công suất đúng như thiết kế- gieo 650 khay mạ mỗi giờ. Anh Trị giới thiệu tóm tắt 6 công đoạn nối thành một dây chuyền đồng bộ của máy gốm: Bộ phận tách khay, tách từng chiếc khay một trong chồng khay khoảng 20 chiếc mỗi lần đưa vào máy. Tiếp theo là các bộ phận tự động đổ đất vào từng khay với độ dày theo quy định; ban đất đều và tưới nước ướt nhão trên từng khay đất; rải lúa giống trên khay với mật độ theo các mức điều chỉnh mỗi khay từ 100- 200 gam lúa. Hai bộ phận cuối cùng của máy là xoa lấp thêm một lớp đất mỏng trên từng khay đất; nâng xếp thành từng chồng khay đất ra ngoài để vận chuyển ra vườn ươm.
Ước tính máy gieo mạ trên khay của anh Trị hoạt động chỉ 2 công lao động vận hành, kết quả ban đầu bằng 8-10 công lao động gieo mạ thủ công. Máy nặng trên dưới 2 tạ. Nguyên liệu chế tạo chủ yếu gồm sắt chống rỉ sét và inox. Kích thước của máy gồm chiều rộng gần 0,75m, chiều dài 7m, chiều cao 1,4mét.  Dự kiến sau ngày 28/10/2012 - ngày kết thúc hội chợ triển lãm tại thành phố Hồ Chí Minh, anh Trị bán mỗi chiếc máy gieo mạ trên khay theo đơn đặt hàng từ phía doanh nghiệp cung ứng máy nông nghiệp ở đồng bằng phía Bắc là 120 triệu đồng. Trong khi máy gieo mạ trên khay được nhập về từ nước ngoài, có cùng công suất với máy chế tạo của anh Trị, hiện nông dân miền Bắc phải đầu tư trên dưới 400 triệu đồng mới mua được. 
Từ một cơ sở chế tạo các loại máy nông nghiệp, anh Lê Thanh Trị đã nâng cấp thành quy mô công ty với 2 nhà xưởng với diện tích hàng trăm mét vuông, tọa lạc trên đường Quốc lộ 20 và trên đường Phạm Ngũ Lão, thị trấn Liên Nghĩa, Đức Trọng, hiện tại có đủ năng lực sản xuất riêng chiếc máy gieo mạ trên khay sẽ đạt trên dưới 10 máy mỗi tháng./.

Tháng 10/2012