Thứ Bảy, 3 tháng 8, 2013

Thâm cung của “đệ nhất phu nhân”

VĂN VIỆT
Ở lưng chừng đồi thông Đà Lạt có biệt điện “đệ nhất phu nhân” Trần Lệ Xuân được xây dựng vào năm 1958. Biệt điện vừa phối cảnh hữu tình để chủ nhân “thưởng hoa vọng nguyệt”, vừa là một thế giới của xa hoa đài các. Sau một thời gian dài được nhà nước trùng tu, giữ lại gần như nguyên trạng…với tổng kinh phí hơn bốn tỷ đồng; biệt điện chính thức mở cửa cho khách tham quan vào cuối năm 2007.  

Chuyện Xuân nhỏ hơn Nhu 14 tuổi
Cứ loanh quanh theo triền con suối hạ lưu Thác Cam Ly là gặp được biệt điện Trần Lệ Xuân – gặp được một phần đời hưởng lạc của một “đệ nhất phu nhân” thời chính quyền gia đình trị Ngô Đình Diệm. Trần Lệ Xuân sinh năm 1924 trong một gia đình học thức tầm tầm bậc trung của chế độ phong kiến Việt Nam. Năm 1943 khi Lệ Xuân “qua cầu” kỳ thi tú tài I thì người cha ( luật sư Trần Văn Chương) hứa gả cho Ngô Đình Nhu, cố vấn chính trị của Tổng thống anh trai Ngô Đình Diệm. Ngô Đình Nhu lớn hơn Trần Lệ Xuân 14 tuổi; là con trai của Ngô Đình Khả, Thượng thư bộ Lễ dưới triều vua Thành Thái. Theo tài liệu lưu trữ, Ngô Đình Nhu du học ở Pháp ở các trường Đại học văn khoa và Trường Ngôn ngữ phương Đông. Nhu là người Việt Nam đầu tiên thi đỗ vào trường Cỗ tự Quốc gia của Pháp vào năm 1935. Năm 1938, Nhu ra trường và về làm việc ở Sở Lưu trữ và Thư viện Đông Dương tại Hà Nội. Một trong những công trạng của Ngô Đình Nhu bấy giờ là đã sưu tầm một cuốn sách vàng ( kim sách) viết bằng chữ Hán của Hoàng Triều ở Huế nên đã được chính quyền thuộc địa tặng Kim Khánh bội tinh. 
Cách mạng tháng Tám thành công, Ngô Đình Nhu được Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bổ nhiệm giữ chức Giám đốc Nha Lưu trữ công văn và Thư viện toàn quốc. Đáng tiếc khi chính quyền Ngô Đình Diệm được dựng lên, Ngô Đình Nhu từ một người xuất sắc trên lĩnh vực khoa học lưu trữ trở thành một người cố vấn chính trị phản động. Còn vị phu nhân của Nhu - Trần Lệ Xuân lại được thời để bùng lên những cuồng vọng chính trị. Đầu tiên người cha - luật sư Trần Văn Chương được chính phủ Diệm bổ nhiệm chức Quốc vụ Khanh và đến ngày 06/8/1954, tiếp tục được cử làm đại sứ tại Hoa Kỳ. Người con gái Trần Lệ Xuân tự nhào nặn ra và làm thủ lĩnh các tổ chức Thanh nữ cộng hòa, Phụ nữ bán quân sự, phong trào liên đới phụ nữ…Trong quần thể biệt thự ở Đà Lạt, Trần Lệ Xuân đã xây riêng cho người cha của mình một biệt thự “phẩm cấp” quý tộc mang tên biệt thự Hồng Ngọc.  
*Quần thể biệt thự xa hoa
Thời kỳ Đệ nhất Cộng hòa cực thịnh do Mỹ dựng lên ở miền Nam Việt Nam kéo dài trong 9 năm ( 1954- 1963), Trần Lệ Xuân với uy thế “đệ nhất phu nhân” đã cho xây dựng khu biệt điện 13 ngàn mét vuông thư giãn xa xỉ bậc đế vương. Đó là những ngày Trần Lệ Xuân cùng với chồng ( ông cố vấn Ngô Đình Nhu) và con rời khỏi dinh Tổng thống ở Sài Gòn lên đổi gió. Và đó còn là những ngày “đệ nhất phu nhân” Trần Lệ Xuân gặp gỡ các sĩ quan tướng tá trong chính quyền Diệm và của quân đội Mỹ. Rồi gắn những chuyện “quốc sự” lại là những phút “thưởng hoa vọng nguyệt” khi Đà Lạt đêm xuống, thực và mơ giao hòa…
Vào biệt điện du khách được hình dung lối sống tận hưởng của Trần Lệ Xuân. Đó là quần thể biệt thự Hồng Ngọc, Lam Ngọc, Bạch Ngọc với những tiện nghi hiện đại bậc nhất một thời như hệ thống lò sưởi, hệ thống phòng nhảy, phòng trang điểm …Đó là đường hầm thoát hiểm ra ngoài giành riêng cho Ngô Đình Nhu và Trần Lệ Xuân trong biệt thự Lam Ngọc. Nắp hầm ở đây bằng chất liệu thép đặc biệt, đạn bắn không thủng. Sau biệt thự là vườn hoa Nhật Bản ( kỹ sư Nhật Bản thiết kế) với những bố cục cầu kỳ vừa phô diễn quyền uy; vừa cho Trần Lệ Xuân chọn làm nơi dạo chơi cùng với cánh sĩ quan cao cấp của chính phủ Diệm và quân đội Mỹ. Còn trước cửa biệt thự Bạch Ngọc vẫn còn như cũ bể bơi nước nóng rộng hàng chục mét vuông cho Trần Lệ Xuân thỏa thuê ngụp lặn…
Nhưng rồi ngày 01/11/1963 là ngày tàn của chính quyền Ngô Đình Diệm. Phe đảo chính huy động quân lính tiến chiếm Dinh Độc Lập, giết chết anh em Diệm – Nhu. Từ đó Trần Lệ Xuân sống kiếp lưu vong tận trời Au. Khối tài sản do buôn lậu, do hoạt động tài phiệt của vợ chồng Nhu - Xuân bị “Đệ Nhị Cộng hòa” tịch thu ước giá trị lên đến 18 tỷ USD, trong đó bao gồm khu biệt điện Trần Lệ Xuân nơi triền đồi Lam Sơn, Đà Lạt.
*Khám phá Mộc bản triều Nguyễn
Ngày nay Khu biệt điện Trần Lệ Xuân có tên gọi là Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV ( Bộ Nội vụ). Một trong những tài liệu quý hiếm của trung tâm đang lưu trữ là 30 ngàn tấm Mộc bản triều Nguyễn. Đây là những bản gỗ quý,  được những người thợ tài hoa đất Việt khắc chữ Hán và chữ Nôm ngược rồi in thành sách. Trước khi in ra phổ biến cho thần dân tuân theo đều được Hoàng Đế “ngự lãm” phê duyệt. Sách Đại Nam nhất thống chí miêu tả gỗ Mộc bản : “ gỗ cây nha đồng, tục danh là sống mật, sớ gỗ trắng, sáng ngời như ngà voi… ”
Trung tâm xây dựng 2 tầng chìm dưới lòng đất và 3 tầng trên mặt đất của nhà kho với sức chứa khoảng năm ngàn mét tài liệu; lắp đặt các hệ thống điều hòa bảo quản Mộc bản còn giá trị mãi đến muôn đời sau. Hiện tài liệu Mộc bản đặc biệt này đã được nhà nước đề nghị đưa vào chương trình “ký ức thế giới” của UNESCO.
Còn nhiều nhiều chuyên đề lưu trữ khác trưng bày trong khu biệt điện như: Lưu trữ Việt Nam ( từ năm 1962 đến nay); Miền Trung- Tây Nguyên trong đấu tranh giải phóng dân tộc ( 1954- 1975); Lâm Đồng xưa và nay…Đây là một địa chỉ du lịch mới để du khách trong và ngoài nước có cơ hội khám phá, tận mắt trông thấy, cầm nắm, tra cứu những dòng tư liệu gốc của lịch sử. /. 
Tháng 01.2008