Thứ Bảy, 10 tháng 8, 2013

Suối Vàng...băn khoăn

VŨ VĂN
Được mệnh danh là “Đà Lạt thứ 2 của Việt Nam”,  DanKia-Suối Vàng từ năm 1998 được Quốc hội, Chính phủ cho phép Lâm Đồng liên doanh với các tập đoàn kinh tế của Singapore đầu tư xây dựng phát triển du lịch. Nhưng đến nay do nhiều nguyên nhân khách quan từ phía đối tác, dự án vẫn chưa triển khai được. Lợi dụng cơ hội này, những “ông thần đất” địa phương liên tục “bật đèn xanh” cho tình trạng “”gây thương tích” rừng, đất rừng ngày một nghiêm trọng. 

CHO RỪNG ĐỂ…LẬP VƯỜN RẪY (!)

Khu du lịch DanKia-Suối Vàng có tổng diện tích tự nhiên là 4.913ha. Sau khi hoàn chỉnh bản đồ hiện trạng và quy hoạch, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có Nghị Quyết số 33/NQ-QH ngày 14-01-1998; Chính phủ có công văn số 61/CP-QHCT ngày 17-01-1998 đồng ý và Bộ Kế hoạch đầu tư đã cấp phép đầu tư liên doanh số 2031/GP ngày 26-01-1998 cho phép Công ty Du lịch Lâm Đồng liên doanh với 3 tập đoàn kinh tế của Singapore đầu tư kinh doanh du lịch. Trong thời gian dài dự án chưa khởi động được thì trên phần đất lâm nghiệp liên tục bị tấn công, gây “thương tích” nghiêm trọng.
Con số mà chúng tôi thu thập được đã khiến nhiều người không khỏi giật mình: gần 500 trường hợp bao chiếm rừng, đất rừng với gần 280ha. Họ trồng hoa màu, cà phê và rào chắn, khoanh vùng để…yêu sách đền bù khi trả lại nguyên trạng cho du lịch. Không chỉ có người dân mà khá nhiều cán bộ nhà nước cũng đua chen vào đây “cát cứ”. Hàng loạt chòi trại, nhà tạm ung dung mọc lên; hàng trăm cây thông bị “giết” vô tội vạ. Tại khu rừng lô a, khoảnh 12, tiểu khu 112  do một cơ quan nhà nước  huyện Lạc Dương nhận quản lý, bảo vệ nhưng vào tháng 6-2003 bị đốn hạ 251 cây thông. Nhiều khu vực khác, người xâm chiếm còn “hiên ngang” đưa cả cơ giới vào san ủi sườn đồi thành từng băng để sản xuất, hy vọng thành…tỷ phú (!).
Thay vì giải tỏa, xử lý những trường hợp vi phạm trên thì từ năm 1995 đến nay, UBND huyện Lạc Dương đã cấp “sổ đỏ” nông nghiệp cho 286 trường hợp trên gần 144 ha đất lâm nghiệp. 210 trường hợp còn lại lấn chiếm hơn 135,6ha đã được Phòng Nông nghiệp -Địa chính đo đạc, giải thửa và sắp sửa cấp “sổ đỏ”. Chưa hết, trên thực địa 41,5 ha đất trống, cỏ mọc, không ai lấn chiếm sử dụng, kê khai đăng ký, vậy mà tại bản đồ địa chính của huyện Lạc Dương lại thể hiện là… đất trồng cà phê(?!)  Một sự “sốt sắng” không bình thường đối với những “thần đất” huyện Lạc Dương.

XÔN XAO KẺ BÁN, NGƯỜI MUA…RỪNG!

Một ngày đầu tháng 12-2003, chúng tôi vào DanKia-Suối Vàng trong vai là người…mua đất. Đường từ Đà Lạt đến đây dài trên 20 km đã trải bê tông nhựa nóng, khiến cho khu du lịch càng “sang trọng” hơn.  Bà T, một chủ vườn ở gần đó nói chúng tôi rằng, hãy mua nhanh lên chứ mai mốt nữa giá sẽ vọt lên không ai mua nổi nữa đâu. Rất nhiều người, cán bộ có, dân có vào đây “khai phá” rồi được cấp “sổ đỏ” mẫu này, mẫu nọ nay đã có “cơ nghiệp” bạc tỷ. Như ông TT, nguyên Giám đốc Lâm trường... giờ đây đã có 1 trang trại cà phê “hoành tráng” chừng 4 hay 5 mẫu gì đó, thoải mái “rung đùi” ở tuổi hưu. Nghe đâu, khách Sài Gòn lên trả giá vài trăm triệu mỗi mẫu nhưng còn lâu ông T mới bán. Hay mới tháng trước đây, một doanh nghiệp du lịch có cỡ ở Đà Lạt vào đây rảo giá nhưng chỉ mua được 1 mẫu giá 150 triệu đồng nằm khuất sau mặt đường chính của khu du lịch.
Tại khu đất gần 1 mẫu sát mặt đường đối diện với hồ DanKia, ông V chủ vườn này nói: “Đất tôi đã đo đạc xong xuôi hết rồi. Bán ngay giá 450 triệu đồng-chắc giá không thể bớt được!” Còn bán có “sổ đỏ” thì sao? “Phải 1 tỷ rưỡi. Đặt cọc trước tôi trăm triệu đi. Tôi lo “sổ đỏ” cho(?!)” Thấy chúng tôi ra vẻ lo lo,  ông V trấn an rằng, nếu giải tỏa phải đền bù thỏa đáng chứ còn lâu ông mới chịu đi. Rồi ông chỉ sang một sào đất rừng đang cuốc nham nhở dưới những gốc thông bên cạnh, nói thêm: “Đất này tôi vừa cho ông B là Phó thủ trưởng.. !” Vậy là nay mai đây, ông B bỗng dưng được “trời cho” cả sào đất ngay trung tâm “Đà Lạt thứ hai”, tha hồ mà hốt bạc (?!)…

TRÁCH NHIÊM THUỘC VỀ AI?!

Theo nhận định của cơ quan thẩm quyền ở Lâm Đồng, trách nhiệm cấp “sổ đỏ” nông nghiệp trong rừng DanKia-Suối Vàng để xảy ra tình trạng mua bán, làm giàu bất chính của nhiều người là thuộc về Phòng Nông nghiệp-Địa chính huyện Lạc Dương. Lên trên nữa là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đã không thẩm tra kỹ những đề xuất của huyện Lạc Dương trước khi trình UBND tỉnh Lâm Đồng “duyệt” phân định sai hơn 700 ha đất lâm nghiệp thành đất nông nghiệp. Trách nhiệm cụ thể ở đây cần phải kiểm điểm trách nhiệm để xảy ra tình trạng chặt phá rừng số lượng lớn với những hình thức xử lý kỷ luật nghiêm minh.
Rõ ràng hậu quả những người có quyền chức gây ra nêu trên khiến cho khu dự án du lịch ĐanKia-Suối Vàng đang lâm vào những thách thức lớn khi thu hồi lại nguyên trạng rừng và đất rừng. Thiết nghĩ, đây không thể loại trừ những tiêu cực lẩn khuất bên trong cần phải sớm đưa ra ánh sáng, tạo lòng tin cho nhân dân Lâm Đồng-ĐàLạt đối với pháp luật và hiệu lực quản lý nhà nước địa phương.
Ông Phạm Ngọc Thưởng, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương thừa nhận, đây là bài học quá đắt về quản lý nhà nước về đất đai tại khu du lịch ĐanKia-Suối Vàng. Sai sót từ địa chính xã Lát đến Phòng Địa chính huyện Lạc Dương. Trước mắt cách “gỡ” của huyện là thu hồi toàn bộ “sổ đỏ” cấp sai từ năm 1999 đến nay. Những cá nhân vi phạm theo từng mức độ, sẽ xem xét xử lý nghiêm túc theo quy định. Riêng tình trạng mua bán đất, UBND huyện cương quyết không ký cho phép bất cứ trường hợp nào dù đã được cấp “sổ đỏ”…/.
Tháng 7/2003