Thứ Năm, 8 tháng 8, 2013

Quỳnh Hương kể chuyện

VŨ VĂN
Một ngày rằm lại đến. Nghĩa trang Liệt sĩ Đà Lạt thiên địa vời vợi, thăm thẳm như giao hòa, thủ thỉ. Một chút tâm nhan, một bó hoa cao nguyên dịu ngát,  cô gái Lâm Trịnh Quỳnh Hương 20 tuổi, lặng lẽ bên ngôi mộ của cha mình-Anh hùng Liệt sĩ Lâm Văn Thạnh, thỏ thẻ thật lâu. Gặp nhau, âm-dương dịu vợi mà chuyện phu-tử cứ đầy vơi mãi khôn nguôi…

 “Ba ơi, mới đầu hè năm nay, con tranh thủ chạy một mạch về quê thăm Nội rồi đó. Cánh đồng An Nhơn, Bình Định quê mình đẹp thật Ba nhỉ. Nội cũng đã yếu rồi. Con nhận ra trên đôi vai cằn cỗi của Bà là bóng dáng của Ba thời thơ ấu ở quê. Nghe nói ngày xưa quê mình khổ lắm. Đạn bom địch cày xới mỗi ngày. Tuổi thơ của Ba sao có thể bình yên được khi tận mắt thấy thảm cảnh địch càn quét, sát hại dân làng. Rồi hòa bình đến, vết thương chiến tranh bên mình đau buốt, kiếm hạt gạo ở quê sực nức mùi rơm rạ, nồng nàn mặn chát những giọt mồ hôi từ đôi vai của Bà, từ tấm lưng trần cháy nắng của Ông. Người ở quê bảo vậy. Họ thật chân chất như hạt lúa trên đồng cạn, dưới đồng sâu. Họ còn mắng yêu con rằng, con gái Đà Lạt có giọng nói nhẹ nhàng mà bảng lảng vút cao, nghe như gió thoảng trong sương sớm. Nhưng nguyên quán của con là An Nhơn- Bình Định cơ mà ! Chắc thế nên họ cứ trầm trồ khen con lại có thấp thoáng những khí chất mạnh mẽ giống hệt như Ba thời trẻ. Ba ơi, con ngượng đến đỏ chín bừng mặt đi mất…
 Lần về này, bà con ở quê còn nói con lớn gần bằng Ba hồi nhận nhiệm vụ làm chuyên án F101. Con không chịu, con mới 20 tuổi; lúc ấy Ba đã 23 tuổi rồi mà. Thì cũng trạc trạc bằng đó thôi-Họ khéo léo chống chế. Mà thôi, con hiểu, bà con quê mình  rất muốn khoe chiến công của Ba, ngay cả với con nữa đó!. Này Ba nhé, họ như thuộc làu làu 6 chuyến vào sào huyệt FulRo câu nhử của Ba. Ba thật quả cảm. Trong 68 FulRo bị bắt sống lại có đến 12 sĩ quan cao cấp của Trung ương FulRo, đặc biệt có cả Đệ nhất Phó Thủ tướng YaDuc nữa đó. Họ còn biết rõ Ba đã cài cắm trở lại vào rừng 12 sĩ quan FulRo khi bắt được…À! Ba ơi! Bà con mình còn rất ưng ý bộ phim F101 vì đã tái hiện gần như đầy đủ cuộc chiến chống FulRo của Ba và những người đồng đội. Thương Tín- ngôi sao điện ảnh thành phố HCM đóng khá đạt, nhưng chỉ một điều họ chưa chịu là người đạo diễn đưa những thế võ chưa đạt lắm, một số quyền thế còn vụng về. Như cảnh quay những thước phim tại đèo Prenn Đà Lạt trong ngày chiến đấu cuối cùng của Ba, không gian, thời gian dựng lại rất chân thực, nhưng lúc Ba “tả xung hữu đột” thì thế võ trong phim mà Ba giải cứu 2 đồng đội của Ba chạy thoát, không phải võ Bình Định như Ba đã sử dụng đâu !
Nửa tháng con ở quê Nội, bà con lúc nào cũng nhắc đến tên Ba. Họ bình luận từ chi tiết từng trận đánh của Ba. Họ nói, khó mà hình dung được lúc Ba mang tấm thẻ “hội viên hội Karitas” vào với trung ương FulRo, sự mưu trí, gan dạ của Ba khi đi lại trong rừng sâu đến 5 tháng trời. Rồi cuộc đấu trí khôn khéo, mềm mỏng, bí mật an toàn của Ba nữa. Nhưng Ba ơi! Khi biết con xúc động quá mạnh, bà con cũng đồng cảm lắm trước nỗi đau gợi lại trong con. Làm sao con có thể nuốt được nước mắt đã trào ra lúc bà con nhắc lại lần Ba bị FulRo bắt trói vào sáng sớm tại đèo Prenn Đà Lạt vào ngày 23/12/1980, giải đi giết Ba…Trời ơi, không biết con đã chết lặng người đến bao nhiêu lần, Ba ơi!…
…Ba nè, biết con là sinh viên năm thứ 2 khoa lịch sử trường Đại học Đà Lạt, nhiều nhà báo đã đến tìm hiểu viết bài nhân ngày Thương binh Liệt sĩ. Họ hỏi cảm nghĩ thế nào khi mình là con của một Anh hùng lực lượng vũ trang. Con thật lòng nói như thế này, kể lại Ba nghe có được không nghen: Ba đã hy sinh từ ngày 23/12/1980, lúc đó con chỉ mới là cái phôi 3 tháng trong bụng mẹ. Còn ngày Ba nhận lệnh lên đường-ngày 04/8/1980 khi vừa làm đám cưới với mẹ thì con đang còn là hạt bụi. Điều thiệt thòi lớn nhất của con là khi chào đời đã không được sự vỗ về, nuôi nấng của Ba. Bù lại, lúc con biết nhận thức thì Ba là thần tượng của con. Trong sự lớn lên, trưởng thành của con là lý tưởng sống, là những chiến công gan dạ của Ba…Không biết có nhiều lời lắm không, chứ con lúc nào cũng tự hào về Ba nhiều lắm! Căn nhà tình nghĩa số 2A Lý Tự Trọng Đà Lạt lúc mới khánh thành, con mới còn bé xíu. Nay con lớn, vườn tược khuôn viên năm nào cũng xanh tươi đó Ba. Mẹ và con dành riêng Ba một phòng thờ trang trọng ở tầng trên. Ngày lễ, tết, ngày giỗ Ba, căn nhà như ấm lại. Các bác, các chú bên công an chỗ Ba làm việc ngày xưa đến rất đông. Rồi ban ngành, chính quyền, đoàn thể địa phương và các bạn thanh niên, đoàn viên cũng thường xuyên về nguồn nhà mình…Con không nhớ hết, chỉ biết nói lời cám ơn họ thật nhiều, Ba thấy thật hạnh phúc, phải không Ba!…”
…Quỳnh Hương còn tâm sự với Ba mình nhiều nữa. Người ta hiểu, Quỳnh Hương vẫn thường báo công với Ba và chắc Ba cô vui lắm nhỉ?! Điều này không biết có thật hay không, chỉ biết rằng, Lâm Văn Thạnh và chiến công của anh mãi còn tươi nguyên, ngời sáng. Và, Lâm Trịnh Quỳnh Hương, con gái của Lâm Văn Thạnh đang có một niềm tin và một quá khứ vinh quang trước cánh cửa cuộc đời rộng mở, như Quỳnh Hương mơ ước :“ vài năm nữa ra trường, điều đầu tiên, con sẽ chép sử về Ba, về những đồng đội của Ba. Ba đồng ý với con nghen !”
Tháng 6/2001