Thứ Ba, 27 tháng 8, 2013

Quyến rũ tiếng hót chào mào

VĂN VIỆT

Cuộc thi chim chào mào hót múa hay vừa diễn ra tại thành phố hoa Đà Lạt, đã phô diễn hàng trăm giọng hót quyến rũ từ người nuôi đến người xem.
Anh Nguyễn Phan Phúc Huy, chủ nhà hàng Anh Đức, một nhà hàng khá lớn trên đường Trần Phú, Đà Lạt, đã giành riêng một căn gác rộng gần 20 mét vuông để nuôi chim chào mào hót múa mỗi ngày. Với “một giàn hợp xướng” hơn 10 chú chim chào mào, anh Huy chọn 2 chú chim chào mào trống với bộ lông phủ một màu trắng muốt đưa đi “đua tài” tại cuộc thi chim chào mào múa hót hay đầu xuân Đà Lạt.
Với 200 chú chim chào mào tham gia thi đấu đến từ thành phố Đà Lạt, thành phố Bảo Lộc, các huyện Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh và các thành phố bạn như thành phố Hồ Chí Minh, Phan Rang, Nha Trang, đã phô diễn nhiều dáng chim với nhiều sắc màu quý hiếm, cất lên những giọng hót ngân rung, nối dài. Sau một ngày thi đấu sôi động, 2 chú chim chào mào trắng của chủ nhà hàng Anh Đức đoạt liền 2 giải lớn - giải Nhất và giải Nhì. “Thật mừng vui vô cùng khi đoạt được 2 giải chim chào mào quán quân và á quân này. Cuộc thi đã ghi nhận công sức, niềm yêu thích chăm sóc và luyện chim chào mào của tôi trên dưới 20 năm qua…”- anh Huy bộc lộ. Với trên dưới 20 năm nuôi chim chào mào các loại, anh Nguyễn Phan Phúc Huy đã 2 lần đoạt giải qua 2 cuộc thi lớn của thành phố Đà Lạt. Trước đó, anh Huy đã chọn đưa 3 chú chim chào mào tham gia cuộc thi trong những ngày diễn ra lễ hội Festival Hoa Đà Lạt năm 2012, và đã đoạt cả 3 giải Nhất - Nhì - Ba.

Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi chim chào mào mùa xuân Đà Lạt, anh Phạm Tấn Dũng cho biết: Cuộc thi đã trao gần 30 giải và 10 bằng khen cho những “nghệ nhân” có chim chào mào đẹp và có giọng hót hay và khỏe, chim khỏe nhất hót liên tục đến 5 giờ đồng hồ. Trong đó chiếm 70% giải thưởng thuộc về những “nghệ nhân” Đà Lạt. Anh Phạm Tấn Dũng còn là người chuyên nuôi chim chào mào bán ở Đà Lạt nói rằng, trung bình một chú chim chào mào dự thi đoạt giải thưởng vừa nêu có giá bán thị trường từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng.
Để huấn luyện thành một chú chim dự thi, người nuôi phải đầu tư công sức chăm sóc từ 1 năm đến 2 năm; nuôi từ một chú chim vừa trưởng thành bình thường với giá mua thị trường từ 100 ngàn đồng đến 200 ngàn đồng. Riêng 2 chú chim chào mào trắng quý hiếm của anh Nguyễn Phan Phúc Huy đoạt giải - giá thị trường mỗi con trên dưới 150 triệu đồng (cả nước hiện số lượng chim chào mào trắng chỉ đếm trên đầu ngón tay). Bên cạnh những chú chim chào mào mua từ các tỉnh bạn, các “nghệ nhân” của Đà Lạt cũng đã bắt đầu nuôi chim chào mào sinh sản thành công, liên tục bổ sung những “vận động viên” chim chào mào đưa đi thi đấu giọng hót, vũ điệu trong các cuộc thi hàng năm, tổ chức trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng.

Kinh nghiệm của “nghệ nhân” Đà Lạt nuôi chim chào mào sinh sản là đưa chim con ra khỏi tổ nuôi riêng sau hơn 1 tuần tuổi nở ra từ trứng. Cách làm này vừa rút ngắn thời gian nuôi chim con trưởng thành, vừa tăng chu kỳ sinh sản ấp nở cho chim mỗi năm tăng lên thành từ 4 - 5 lứa. Trong khi chim chào mào hoang dã chỉ sinh sản mỗi năm 2 lứa. Được biết, câu lạc bộ nuôi chim cảnh Đà Lạt (nuôi nhiều nhất là chim chào mào), thuộc Hội Sinh vật cảnh Đà Lạt hiện có trên 150 “nghệ nhân” hội viên. Hội viên nuôi ít nhất cũng đến 5 chú chim chào mào, hội viên nuôi nhiều nhất thường xuyên có trong “nhà chim” với 30 chú chim chào mào. Nếu cộng lại số chim chào mào nuôi trong phạm vi làm cảnh trong gia đình thì ước đến hàng vạn con. Đây có thể xem là một thú chơi đặc trưng tao nhã, đang phổ biến của cư dân Đà Lạt.
Thứ Ba, 28/02/2012 (GMT+7)