Thứ Ba, 13 tháng 8, 2013

Quốc Thái đòi thương hiệu

VŨ VĂN
Suốt bảy năm khiếu nại, vụ tranh chấp nhãn hiệu Quốc Thái-Bảo Lộc và Quốc Thái-Tam Kỳ cũng đã được đưa ra xét xử cấp sơ thẩm tại TAND tỉnh Lâm Đồng và cấp phúc thẩm TAND tối cao. Quyết định có hiệu lực pháp luật: Chấp nhận đơn khởi kiện của ông Vũ Xuân Vinh, chủ doanh nghiệp tư nhân Trà Quốc Thái, Bảo Lộc; tuyên hủy Quyết định số 05/QĐ-KN ngày 14/01/2003 của Cục Sở hữu công nghiệp ( nay là Cục Sở hữu trí tuệ-Bộ Khoa học và Công nghệ) về việc bác bỏ yêu cầu của doanh nghiệp Trà Quốc Thái-Bảo Lộc đề nghị hủy bỏ hiệu lực giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa số 13027 ngày 14/8/1994 cấp cho Quốc Thái-Tam Kỳ.

Gay gắt tranh cãi
Trước tòa, nguyên đơn Quốc Thái-Bảo Lộc trình bày: Cơ sở Trà Quốc Thái-Bảo Lộc ra đời từ năm 1956 với tên hiệu là Quốc Thái-hình con voi vàng và chữ Voi Vàng do ông Vũ Ngọc Đản ( cha ruột của chủ doanh nghiệp Vũ Xuân Vinh bây giờ) làm chủ cơ sở. Ngày 13/6/1963, Tòa Thương mại chế độ cũ cấp Giấy Cầu chứng tên hiệu Quốc Thái (Ông Đản có công tiếp tế trà Quốc Thái-Bảo Lộc cho cách mạng nên năm 1984 được nhà nước tặng Huy Chương kháng chiến hạng Nhì). Từ năm 1975 đến năm 1987, trà Quốc Thái-Bảo Lộc sản xuất trực thuộc Ban Kinh tế Đảng của huyện ủy Bảo Lộc. Năm 1988, Quốc Thái-Bảo Lộc được UBND huyện Bảo Lộc cấp giấy phép kinh doanh tên hiệu “Quốc Thái-Voi Vàng”. Năm 1997 thành lập doanh nghiệp tư nhân Quốc Thái, trụ sở tại 109, Lê Hồng phong, thị xã Bảo Lộc. Khi biết chủ trương đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, chủ doanh nghiệp Vũ Xuân Vinh làm hồ sơ thì bị Cục Sở hữu công nghiệp không chấp nhận vì đã có nhãn hiệu trà Quốc Thái độc quyền ở…Tam Kỳ, Quảng Nam(?!)
Ông Phan Phụng Dũng, chủ cơ sở Quốc Thái-Tam kỳ thì biện hộ: Cơ sở trà của gia đình ông ra đời từ năm 1975, do người mẹ là Vũ Thị Ngang đứng tên. Năm 1984 được cấp giấy phép kinh doanh. Khi nộp đơn đăng ký bảo hộ độc quyền tên hiệu Quốc Thái, cơ sở tại 373/5, Phan Chu Trinh, Tam Kỳ, Quảng Nam đã không hay biết ở Bảo Lộc-Lâm Đồng đã tồn tại cơ sở trà Quốc Thái. Ngày 14/8/1994, ông Dũng được Cục Sở hữu Công nghiệp cấp Giấy Chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa số 13027, có hiệu lực 10 năm. Năm 2000 khi nhận được khiếu nại của Quốc Thái-Bảo Lộc nên cơ sở Quốc Thái-Tam Kỳ của ông Dũng đã đề nghị Sở Khoa học Công nghệ-Môi trường Lâm Đồng xử lý hành vi vi phạm nhãn hiệu của Quốc Thái-Bảo Lộc (?!)
Đại diện Cục Sở hữu trí tuệ cho rằng, đã cấp Giấy Chứng nhận 13027 đăng ký nhãn hiệu Quốc Thái-Tam Kỳ căn cứ theo Nghị định 197/HĐBT ngày 14/12/1982 ( sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 84/HĐBT ngày 20/3/1990). Cục vẫn giữ nguyên Quyết định 05, ngày 14/01/2003. Nếu Quốc Thái-Bảo Lộc muốn hủy giấy chứng nhận Quốc Thái-Tam Kỳ thì phải chứng minh nhãn hiệu của mình là nổi tiếng từ lâu. Trong khi tại Việt Nam chưa có nhãn hiệu nào được công nhận là…nổi tiếng (?!) 
Đoạn kết
Theo Hội đồng Xét xử án hành chính sơ thẩm nói trên, toàn bộ chứng cứ của ông Vũ Xuân Vinh đã chứng minh tên hiệu Quốc Thái-Bảo Lộc tồn tại và phát triển gần 50 năm qua. Bằng chứng từ Tòa Thương mại Đà Lạt (chế độ cũ) cấp giấy cầu chứng từ năm 1963, quảng cáo trên các báo từ năm 1964 liên tục về sau. Qua in ấn bao bì; kết quả quá trình thực hiện nghĩa vụ thuế cho nhà nước cho thấy từ một cơ sở nhỏ, Quốc Thái-Bảo Lộc với tên hiệu “Quốc Thái-Voi Vàng” phát triển rộng rãi, được nhiều người sử dụng biết đến, trở thành một nhãn hiệu có tiếng trong ngành trà. 
Còn nhãn hiệu Quốc Thái-Tam Kỳ mãi đến ngày 14/4/1994 mới đăng ký nhãn hiệu hàng hóa. Hơn nữa, Quốc Thái-Tam Kỳ có lấy nguyên liệu trà tươi ở Bảo Lộc-Lâm Đồng để sản xuất; in nhãn hiệu, bao bì cùng nơi với Quốc Thái-Bảo Lộc. Bởi vậy, việc Quốc Thái-Bảo Lộc đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ hủy giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa số 13027 cho Quốc Thái-Tam Kỳ là có cơ sở. Yêu cầu này bị Cục Sở hữu trí tuệ ra Quyết định số 05 để bác bỏ là làm thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của Quốc Thái-Bảo Lộc.
Đến cấp tòa phúc thẩm TAND tối cao đã tuyên “y án” sơ thẩm nói trên. Quốc Thái-Bảo Lộc đòi lại thương hiệu trà của mình sau bảy năm gian nan đi khiếu kiện. Đoạn kết dẫu có hậu nhưng đây là bài học đắt giá đối với sự chậm chân của doanh nghiệp khi đi đăng độc quyền nhãn hiệu hàng hóa/. 
Tháng 9/2004