Thứ Bảy, 10 tháng 8, 2013

N’Thol Hạ hòa vào biển học

VĂN VIỆT

Ngày càng nhiều thêm tấm gương nguời dân tộc bản địa Tây Nguyên ở xã N’Thol Hạ, huyện Đức Trọng với cuộc sống thuần nông vẫn vững chí vượt qua khó khăn để hòa vào biển học. Ngày đêm dưới mái ấm buôn làng thắp sáng lên những hoài bão, ước mơ khám phá nơi miền trí thức không bến bờ. 

Ha Xuê, 48 tuổi, Trưởng Ban văn hóa xã N’thol Hạ tiếp chuyện với tôi trong phòng làm việc chồng chất các nhạc cụ văn nghệ, thông tin tuyên truyền. Ha Xuê cho biết đã kiện toàn hoạt động bảy đội văn hóa, văn nghệ trên bảy thôn trong xã. Hiện trụ sở mới của xã đang xây dựng quá nửa hạng mục. Khi khánh thành, Ban sẽ được bố trí khuôn viên phòng ốc làm việc tiện nghi hơn. Lúc đó được giành riêng một phòng bá âm phát “chương trình thời sự” của xã; tiếp âm các chương trình đài huyện, đài tỉnh, đài trung ương để chuyển tải qua 6 cụm loa hữu tuyến trên 6 khu vực dân cư tập trung trên địa bàn…Có cơ sở vật chất mới sẽ thuận lợi cho những dự định kế tiếp đến hết năm 2007, 2008 và nhiều năm sau nữa, nhằm đưa phong trào văn hóa văn nghệ, thông tin tuyên truyền của xã được khởi sắc đi lên…
Lắng nghe, tìm hiểu và chứng kiến trực tiếp mới hay những trăn trở, tìm hướng đi mới này của Ha Xuê xuất phát chính từ nội lực của một trí thức bao năm đắm mình giữa biển học lớn, nay trở về đóng góp cho sự thay da đổi thịt nơi vùng đất quê nhà. Nhìn lại đã hai mươi năm kể từ khi Ha Xuê nhận Bằng cử nhân văn khoa Đà Lạt. Rồi 10 năm với thực tiễn công tác trong các ngành giáo dục, khoa học xã hội, kiểm sát…đã giúp Ha Xuê trân trọng hơn giá trị của sách đèn. Ha Xuê nói: “Ba mẹ tôi thời đó khổ cực lắm mà vẫn cho tôi được đi học bằng trang bằng lứa. Giờ có tôi có 3 đứa con. Dẫu thế nào tôi vẫn cố gắng để chúng bước đến ngưỡng giảng đường để còn đi tiếp nữa…”
Nối tiếp thế hệ sôi kinh nấu sử đi học của Ha Xuê sau này là những anh em của gia đình Ha Tang khiến cả xã N’Thol Hạ đều cảm kích. Chuyện kể rằng gia sản chỉ đôi hec ta đất trồng cà phê, lúa, bắp; chăn nuôi con heo, con gà…,vợ chồng Ha Tang làm lụng cật lực, chiến thắng cả những lúc ốm đau, chắt chiu từng đồng tiền mồ hôi, nước mắt để cho con ăn học. Lúc cao điểm mùa thi cử, những người con “sĩ tử” trong nhà buộc phải “cắm trại” tại chỗ, chỉ một việc là ngồi vào bàn học; không cần thiết “đụng tay đụng chân” vào ruộng vườn. Kết quả có 4 người con đỗ đạt cao, lấy được các tấm bằng cử nhân, bác sĩ  thuộc các chuyên ngành khác nhau. Hiện tất cả đều có môi trường làm việc ổn định và phát triển, trong đó có 02 người con (một nam kỷ sư và một nữ bác sĩ) đang thành đạt trong công việc tại địa phương Lâm Đồng.  
Đặc trưng của tính cách người dân tộc thiểu số bản địa Tây Nguyên ở xã N’Thol Hạ là chuyện học hành luôn là thời sự “nóng” nhất mỗi ngày. Khi một “nho sinh” nào vừa có kết quả thi cử đại học, cao đẳng hoặc trung cấp ra sao thì cả xã “cập nhật” ngay từ những lời hỏi han lẫn nhau. Rồi khi ra trường tìm việc làm nữa. Họ xem đó là chuyện vui buồn chung của người dân cả xã. Chuyện người con trai cả của bà K’Yoong là bác sĩ vừa chuyển công tác từ Trung tâm Y tế huyện Đức Trọng xuống nhận phân công tại một đơn vị y tế khu vực đèo Krông Pha ( giáp ranh Ninh Thuận và Lâm Đồng) trở thành điều quan tâm vượt ngoài phạm vi gia đình. 
Bên cạnh đó, một người con gái thứ làm nghề dạy học cấp trung học cơ sở ở Trường Hoàng Hoa Thám của xã, người làng buôn cũng thường “để mắt” đến sự tiến bộ thế nào. Và một người con trai thứ làm kỷ sư nông lâm đang công tác ở một tỉnh miền đông nam bộ cũng vậy. Công việc, gia đình, sự nghiệp…của người con trai làng N’Thol Hạ đã len vào chi phối trong sự chuyển động cuộc sống chung của xóm dưới buôn trên…
Có dịp về thăm xã N’Thol Hạ, dừng lại cung đường mới thuộc thôn Sêrêđăng của xã vài vòng xe chạy là gặp được gia đình có những người con-em là cử nhân, kỷ sư, bác sĩ…Đây cũng là thôn có số lượng người với trình độ cao đẳng, đại học nhiều nhất trên 7 thôn trong xã. Năm ngoái thống kê toàn xã có 74 con-em đã, đang học cao đẳng, đại học. Năm nay con số này ước lượng tăng hơn 100 người. Chủ tịch xã N’Thol Hạ, K’Beo nói: “Hiện chúng tôi đã triển khai chủ trương vận động trí thức đạt trình độ tốt nghiệp cao đẳng, đại học trở về UBND xã làm việc. Sau 5 năm theo dõi, giúp đỡ sự phấn đấu, nỗ lực của từng người, tổ chức Đảng, chnh quyền sẽ cơ cấu vào hàng ngũ lãnh đạo của xã…”  
Tháng 11/2006.