Thứ Bảy, 10 tháng 8, 2013

Ni sư là mẹ hiền

VĂN VIỆT

Đã mười mấy năm qua, Ni sư Thích Nữ Huệ Trang, trụ trì chùa Thiền Lâm, Đà Lạt đã là mẹ hiền của 58 người con. Từ những sinh linh mấy ngày tuổi bị bỏ rơi đến những hoàn cảnh trẻ đói cơm, lạt muối được Ni giang tay “cứu nạn, cứu khổ”, đưa về cửa thiền nuôi lớn khôn, khi trưởng thành được tự lựa chọn tương lai riêng mình.

“Ấn” trẻ sơ sinh trước nhà chùa

Bây giờ Ni sư Huệ Trang chưa hết ám ảnh khi nghe tiếng chuông báo “có khách” giữa đêm khuya từ phía cổng nhà chùa. Đã hơn một năm qua mỗi lần nghe chuông gọi thời điểm đó là mỗi lần Ni sư thảng thốt trước những đứa trẻ sơ sinh bị vứt bỏ. Đêm ấy vừa trông thấy Ni sư ra đến cổng, một đôi trai gái còn khá trẻ vội thả ngay xuống đất một “cuộn khăn” đựng trong chiếc xách con, rồi quành xe bỏ chạy. Rồi bỗng nghe tiếng hài nhi khóc ré lên, cảm giác Ni sư như có ai đó đang xé ruột xé gan mình. Cẩn thận bế “cuộn khăn” vào chùa mở ra mới hay hài nhi này mới vài ngày tuổi, rốn còn chưa khô. Ni sư đặt tên Thiện Ân cho bé, “xin lễ” theo họ Cù của Đức Phật.; vì con gái nên lót chữ Thị. Tên đầy đủ là Cù Thị Thiện Ân. Năm nay Thiện Ân lên 15 tháng tuổi, rất bụ bẫm, kháu khỉnh. Trường hợp bé Cù Thiện Minh cũng “rớt” vào tay nhà chùa trong hoàn cảnh tương tự, tuổi mới sắp sửa đầy năm mà đã bắt đầu tập đi lững chững, ai nhìn đều rất thích mắt!
Hai lần bi thương nhất khi Ni sư bị “ấn” ngay trước mắt mình hai đứa trẻ trong tình trạng quặt quẹo, tay chân bại xụi, khóc chỉ còn ra hơi. “Ấn” xong, người nhà của trẻ cứ cắm đầu cắm cổ vụt biến mất mà không nói không rằng với Ni sư một lời nào. Cả hai bé mới chào đời chừng vài tháng. Đứa bé trai, Ni sư đặt tên Cù Thiện Sanh; bé gái mang tên Cù Thị Thiện Duyên. Hôm sau đưa đi khám bác sĩ mới biết Thiện Sanh bị bệnh bại não; Thiện Duyên bị úng thủy não. Nay hai cháu đã qua “thôi nôi”, nhưng vẫn chỉ nằm uốn éo, cựa quậy một chỗ, chưa thể lật bò bình thường được.  

“Xin Ni sư nuôi giúp”!

Lớn tuổi nhất trong 58 người con của Ni sư Huệ Trang đã nuôi từ tấm bé là Lê Thị Kỳ Duyên, hiện đang sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt năm thứ 2. Sinh ra trong gia đình đông anh chị em, hồi mới lên lớp 6, Duyên gặp cảnh người cha bệnh tật kinh niên; một mình gánh nặng trên vai người mẹ đã vượt quá sức. Người mẹ khẩn khoản đến nhà chùa để xin được nuôi giúp Duyên. Động lòng trắc ẩn, Ni sư Huệ Trang đưa Duyên về nhà chùa nuôi ăn học. Đến nay chiều theo nguyện vọng riêng, Ni sư đồng ý cho Duyên “tạm biệt” nhà chùa, vào ở hẳn trong ký túc xá sinh viên, tự lo cho cuộc sống ngày mai mà Duyên đã chọn.
Thực tế nhà chùa Thiền Lâm chưa phải là nơi chính thức đứng ra nuôi trẻ mồ côi nhưng khi đối diện với nhiều mảnh đời đáng thương quá, không nỡ nào không nhận. Không chỉ ở Đà Lạt, các huyện, thị trong tỉnh Lâm Đồng mà một vài tỉnh khác cũng tìm đến nhà chùa xin được sống nương nhờ, vượt qua quãng đời ngặt nghèo, đói ăn, đói chữ. “Như 4 chị em còn nhỏ dại mà mồ côi cả cha lẫn mẹ từ Đắk Lắc sang; hoặc 3 đứa trẻ neo đơn người dân tộc thiểu số từ huyện Di Linh lên…Thử hỏi đành đoạn nào bảo chúng trở ra khỏi chùa… ” Ni sư Huệ Trang tâm sự.
Sau 13 năm làm mẹ hiền, Ni sư Huệ Trang đã nuôi nấng “nên dáng nên hình” và cho “hồi gia” 26 “người con” về đoàn tụ với người thân thích, ruột thịt. Những đứa trẻ có gia đình đủ điều kiện xin nhận về nhanh nhất cũng phải sau 5 năm; phần đông còn lại xin vào chùa nuôi từ lớp mẫu giáo, tiểu học cho đến khi tốt nghiệp tú tài mới “đủ lông đủ cánh” để ra đời tự nuôi sống bản thân.

“Đông con”, Ni sư phải vất vả nhiều…

Hiện tại đang có 32 “người con” quây quần sống chung trong mái ấm của Ni sư Huệ Trang. Lứa tuổi nhiều nhất trong đó theo học tiểu học và trung học cơ sở; phần nhỏ đang học trung học phổ thông. Nhà chùa gồm tất cả thêm 4 Ni cô ngày đêm “phụ làm mẹ” với Ni sư. Mấy năm trước trông cảnh nhà chùa “nuôi con” lam lũ, chật vật quá, giới Phật tử quanh vùng đã vận động quyên góp xây 6 phòng, rộng 260 mét vuông trong khuôn viên chùa, bố trí giường chiếu, bàn ghế cho trẻ ăn ở, học tập, vui chơi được tạm đủ.Theo từng lứa tuổi, cấp học, Ni sư bố trí thời gian biểu thích hợp hàng ngày. Ngoài giờ học chính khóa, còn được cho học thêm ngoại khóa ở trường hoặc học vi tính ở nhà chùa ( nhà chùa vừa trang bị được 6 giàn máy vi tính mua lại). Mỗi đêm trước giờ đi ngủ, Ni sư Huệ Trang đều dò bài lần lượt từng “người con”; đứa “con” nào chưa thuộc bài chưa cho phép đi ngủ. Nhờ vậy, nhiều năm học liên tục, số đông “người con” của Ni sư đã đạt kết quả học sinh tiên tiến, học sinh giỏi.
Để dễ bề liên lạc giữa nhà trường và nhà chùa, Ni sư cho “đàn con” của mình mặc áo nâu sòng, tóc để chổm (chứ không phải bắt buộc làm chú tiểu đồng). Ni sư với tư cách là “phụ huynh” chính của cả “đàn con”. Họp hành với nhà trường gần như đều có mặt. Không tính nuôi ăn ngày ba bữa, sách vở đến trường thì chuyện tiền nong đóng góp xây dựng trường, tiền học thêm đều do nhà chùa tự lo hết. Thu nhập của nhà chùa có được từ vườn hoa hồng môn, hoa lan trồng tại chùa, bán được quanh năm để dành đóng tiền học. Còn nghề làm bánh, xí muội hàng ngày gói ghém cũng đủ nuôi ăn cho cả “đàn con”. Nhưng sự vất vả này chưa đến mức bằng đang nuôi 4 đứa “con mọn”. Hai đứa bị bệnh não phải cho thuốc uống đều đặn từng bữa, lại thường xuyên bồng ẵm trên tay. Hai đứa kia dù phát triển bình thường nhưng khó rời chúng nửa bước từ lúc ăn, đi trên nôi đến giấc ngủ. Ấy vậy mà Ni sư Huệ Trang không ca thán cực nhọc chút nào. “Năm nay tôi đã hơn 60 tuổi rồi. Chỉ sợ sức khoẻ mình có mệnh hệ gì trong lúc các cháu chưa đủ tuổi trưởng thành, cha mẹ, người thân chưa đủ khả năng nhận lại về nhà nuôi thì tội nghiệp cho chúng lắm…”-Ni sư Huệ Trang nói khi tôi chào ra về./.
Tháng 4/2004