Thứ Tư, 21 tháng 8, 2013

Sản phẩm mới của “kỹ sư chân đất” Ha Tang

VĂN VIỆT
Sau gần hai năm được cấp chứng nhận sáng chế chiếc máy tuốt bắp, người “kỹ sư chân đất” K’Sá Ha Tang ở Đạ Sar, Lạc Dương vừa sản xuất thành công những chiếc máy “phiên bản mới” gọn nhẹ hơn, vừa trồng mới một vườn hoa trình diễn cho bà con ở buôn làng.
Năm nay Ha Tang đã 61 tuổi nhưng trông vẫn như người đàn ông trung niên tháo vát từ công việc đồng áng đến công việc “kỹ sư cơ khí” của mình. Mười năm trước cứ sau giờ tất bật ở vườn hồng, vườn cà phê là Ha Tang về trong sân nhà chăm chút từng đường gò hàn trên thanh sắt để rồi chế tạo thành công chiếc máy tuốt bắp cho buôn làng. Rồi qua thời gian sử dụng và cải tiến, máy tuốt bắp  Ha Tang đã chính thức trình làng tại các hội chợ lớn ở phía Nam và phía Bắc. Đặc biệt “Hội chợ triển lãm các phát minh sáng chế của nông dân toàn quốc“ diễn ra tại Hà Nội vào cuối tháng 9/2007, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đến thăm và đã có lời khen ngợi về sự chịu thương chịu khó, tự lực tự cường, tìm tòi sáng tạo của Ha Tang đã làm ra một chiếc máy tuốt bắp góp phần giải phóng sức lao động chân tay cho bà con người đồng bào thiểu số sản xuất nông nghiệp nói riêng và cho người nông dân Việt Nam nói chung. Ha Tang kể lại trong suốt 5 ngày diễn ra hội chợ, hàng ngàn người đã đến tham quan chiếc máy tuốt bắp. Trong đó có một xí nghiệp cơ khí ở miền Bắc đặt giá khá cao để mua máy sau khi kết thúc hội chợ nhưng Ha Tang chưa đồng ý ngay. Lúc đó Ha Tang phải đưa chiếc máy về cho bà con buôn làng kịp tuốt những mẻ bắp cuối năm, hẹn sẽ sản xuất máy mới bán cho xí nghiệp trong vài tháng tới. Sau đó Ha Tang được kết nạp vào hội viên Hội Cơ khí nông nghiệp Việt Nam. Và ngày 09/9/2008, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam cấp Giấy Chứng nhận chiếc máy tuốt bắp cho K’Sá Ha Tang sáng chế. Từ đó đến nay đã gần hai năm, Ha Tang đã sản xuất mới 5 chiếc máy tuốt bắp để bán cho khách hàng trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng, tùy theo giá sắt thép từng thời điểm, giá bán ra mỗi cái máy từ 3,5 triệu đồng đến 6 triệu đồng. Riêng ở trong phòng cơ khí của mình, Ha Tang giữ lại 01 chiếc máy cố định và 01 chiếc máy cơ động cho bà con trong xã Đạ Sar tuốt bắp tại chỗ hoặc đưa về nhà chuyền tay nhau sử dụng miễn phí. Chiếc máy tuốt bắp cải tiến của Ha Tang bây giờ rất gọn nhẹ, di chuyển trên mọi địa hình bằng 2 chiếc bánh xe cao su rộng vành. Năng suất máy tuốt trên dưới 5 tạ bắp mỗi giờ.
Chiếc máy tuốt bắp của Ha Tang đã giúp đỡ hàng ngàn gia đình đồng bào thiểu số ( và cả những hộ đồng bào người Kinh) trên khắp 6 thôn buôn của xã Đã Sar, Lạc Dương chấm dứt cảnh lẩy bắp bằng tay suốt cả ngày này qua tháng nọ. Mới đây, Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật nông nghiệp Lâm Đồng ( Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng) đã hợp đồng với Ha Tang để sản xuất hoa cúc trình diễn cho bà con nông dân nhân rộng mô hình. Ha Tang không ngần ngại chặt bỏ hồng, cà phê trồng đã quá lâu năm trên diện tích 400 mét vuông rồi đầu tư khoảng 20 triệu đồng để san gạt, cải tạo lại đất cho bằng phẳng trước khi xuống giống hoa. Bên cạnh đó, Ha Tang còn vận động hộ gia đình người cháu họ đưa thêm 600 mét vuông đang trồng bắp để chuyển đổi sang trồng giống hoa cúc tương tự. 
Đến nay cả thảy 1.000 mét đất trồng hoa cúc chất lượng cao của Ha Tang và người cháu đã hình thành. Toàn bộ giống, kỹ thuật, nhà kính do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng hỗ trợ không lấy tiền. Trong 3 tháng tới, lứa hoa cúc đầu tiên của Ha Tang và người cháu họ sẽ bước vào vụ thu hạch đầu tiên. Hy vọng Ha Tang với tinh thần say mê học hỏi và say mê sáng kiến vốn có của mình, bên cạnh thành công chiếc chiếc máy tuốt bắp, sẽ tiếp tục thành công với những sản phẩm hoa cúc có giá trị kinh tế cao, từ đó giúp đồng bào xã Đạ Sar, Lạc Dương xây dựng những vườn hoa, đồng hoa mới đạt hiệu quả kinh tế cao để giảm nghèo nhanh, giảm nghèo bền vững và từng bước vươn lên làm giàu./.     
Tháng 6/2010