Thứ Bảy, 3 tháng 8, 2013

Những loài cây “độc”

VĂN VIỆT
Xuân về trong muôn ngàn sắc hoa, dáng thế phô diễn khắp thảm rừng phố núi Đà Lạt có khá nhiều loài cây “độc” mới. Để tạo lập từ một cây, một cụm và cả khu vườn cây “độc”, nhiều nghệ nhân phải “cống hiến” một quãng đời cho một niềm đam mê. Mấy ngày tết thư thái bên tán cây “độc” sẽ “cảm” được sự giao hòa giữa thiên nhiên và con người… 

Ngắm cổ thụ nở hoa bên hồ Xuân Hương
Gần tết, tôi dành nhiều buổi sáng nắng lên để ra ven hồ Xuân Hương (chênh chếch đối diện với công viên Bà Huyện Thanh Quan) ngắm nhìn hai cây cổ thụ ra hoa, có tên gọi là hoa cơm nước. Nhìn lên độ cao của cây dễ đến sáu, bảy mét, những chiếc lá xòe to bằng bàn tay người lớn, chiều dài ước lượng gấp rưỡi đến gấp đôi, đan kết một mảng màu xanh làm mát rượi cho thân cành cằn cỗi. Chen trên lá là hoa. Những cánh hoa mỏng mảnh, tựa khép lên nhau, nở ra từng chùm, từng chùm rực rỡ, đong đưa trong sương lạnh. Nhìn xa có thể nhầm với những chùm trái đào hình loa kèn thon nhỏ, ngọt lịm. Đến gần mới tận hưởng được mùi hương thơm thoảng nhẹ của hoa. Có hai màu hoa nở trên hai cây hoa cơm nước nơi đây là màu trắng thuần nhất và màu trắng viền đỏ. Hoa màu trắng đỏ khi còn là nụ nhã một màu đỏ hồng cuộn tròn. Vài ngày sau hoa nở bung, màu đỏ chỉ còn giữ lại từ đài hoa, chạy dài trên từng cánh hoa xếp chồng đôi ba lớp, chia thành nhiều phần bằng nhau như những dải nơ đỏ điểm xuyết trên gam màu trắng của hoa. Hoa cơm nước màu trắng cũng không chịu thua kém hoa màu đỏ. Nó chằng chịt trải đều một màu tuyết bạc long lanh trên thảm lá. Năm nay là mùa hoa thứ hai, cây cổ thụ cơm nước ngụ cư về bám rễ ven hồ Xuân Hương Đà Lạt, dâng hiến nét đẹp thầm kín, rêu phong cho người. Ấy mà mấy ai biết những mùa hoa trước, cơm nước còn lẩn khuất dưới thung lũng sâu, suýt nữa đã thành gỗ củi.    
Tôi gặp nghệ nhân Huỳnh Minh Xuyến, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Lâm Đồng mới hay cây hoa cổ thụ cơm nước ấy có “quê quán” từ công trình thủy điện Đại Ninh, Đức Trọng; cách Đà Lạt cả trăm cây số. Mùa đông năm 2004, nghệ nhân Huỳnh Minh Xuyến cùng nhiều nghệ nhân khác trong chuyến dã ngoại sưu tầm sinh vật cảnh dài ngày của Hội, bất ngờ phát hiện một quần thể 15 cây cổ thụ hoa cơm nước sắp bị giải tỏa để xây dựng các hạng mục công trình thủy điện quốc gia Đại Ninh. Không chần chừ nữa, ông Xuyến cùng các đồng nghiệp tìm cách di dời về Đà Lạt. Được sự hỗ trợ của các công ty cơ giới trong tỉnh Lâm Đồng, tất cả 15 cây được bứng trọn bộ rễ cồng kềnh, cẩu lên những xe tải hạng nặng chuyển lên Đà Lạt an toàn. Đến nay bên hồ Xuân Hương có 02 cây trong số 15 cây đã thích nghi được với môi trường mới. Các nghệ nhân dự đoán 02 cây cổ thụ cơm nước cho hoa vừa nêu phải đến sáu, bảy chục năm tuổi. Được biết cây hoa cơm nước có tên khoa học là Elaeocarpus Hamandii Elaeocarpaceae, thuộc loài cây đặc hữu của Lâm Đồng, được tìm thấy ở những địa hình sông, suối tự nhiên thuộc các vùng Đa Nhim, Đạ Đờn, Prenn…Cây có thể nhân giống bằng hạt, trồng tập trung theo quy hoạch cảnh quan đô thị Đà Lạt - nếu chính quyền chính thức thông qua chủ trương.             
Chiêm ngưỡng núi rừng nằm gọn.. trong sân nhà
Nghệ nhân Huỳnh Minh Xuyến không chỉ có công đầu đưa cây cổ thụ hoa cơm nước về trồng bên bờ hồ Xuân Hương, Đà Lạt; mà trong vườn nhà của ông ở số 207, Đa Thiện, Đà Lạt, còn đang nuôi dưỡng hàng chục loài cây “độc” khác giữa quần thể đa dạng chi, loài. Đó là cây hoa cẩm tú cầu có gốc to hơn cả…cột đình làng. Nó là loài thân thảo vì thời gian đã xù xì, mốc meo phủ kín từ rễ đến thân và lá hoa, chỉ cao chừng 40 cm. Ước tuổi cây khoảng trên dưới 50 năm nhưng phải hãm sự sống trong chiếc chậu hình đĩa một lớp đất mỏng tanh, buộc người nghệ nhân phải có những kỷ thuật chăm sóc khá “độc chiêu” mới làm cho cây xanh lên hàng ngày, hoa nở tươi quanh năm suốt tháng. 
Cùng với những loài cây có nguồn gốc Đà Lạt như cẩm tú cầu là cây đỗ quyên có hoa nở rực trắng như cánh dù. Tuổi đời cả một thế kỷ, đỗ quyên này cũng được xếp vào hàng “xưa nay hiếm” của Đà Lạt. Khá đặc biệt ở vườn nhà nghệ nhân Huỳnh Minh Xuyến là xây dựng được một “vạc rừng” thuộc họ thông Đà Lạt. Người nghệ nhân đã “ôm” cả khu rừng thông về…vườn nhà mình. Một cụm rừng 7 cây thông 5 lá cuộn tròn bộ rễ trong hạn hẹp vài phân dày của “muỗng” đất trong chậu. Cạnh đó là một khuôn chậu hình bầu dục, đường kính chưa quá 50 phân, đã nuôi sống một cặp cây thông 3 lá hình thác đổ mấy chục năm nay. Sum suê nhất là chậu cây tùng bút với 17 cây xúm xít trong chậu có độ dài không gian sống khoảng hơn một mét. Chùm cây chia thành nhiều tầng lá. Tầng cao nhất cũng chưa đến một mét. Và nữa - ở hàng cây “độc”  bên kia của vườn là các loại cây họ thông ở xứ đồng bằng “nhập cư” về Đà Lạt như dương liễu, ngoại tùng…với bộ gốc – thân - rễ già nua, nhưng bộ lá luôn được cấp đủ dưỡng chất để tươi xanh mỗi ngày. Đây là “quy chuẩn” của một cây bonsai “độc”, hài hòa các dáng thế như dáng trực, thác đổ…Nói chung phải tuân thủ dáng thế tự nhiên của cây, nhưng thu gọn lại trong vườn cảnh gia đình...
Tết Đinh Hợi, nghệ nhân Huỳnh Minh Xuyến đón tuổi 66. Vườn rừng có diện tích hơn 400 mét vuông, phong phú các loài cây “độc” trong nhà, đã giúp ông thể hiện tất cả tình yêu cây, yêu thiên nhiên của mình. Hình như ai một lần thăm vườn cây “độc” của nghệ nhân Huỳnh Minh Xuyến, cũng thấy lòng mình vợi đi những lo toan khắc nghiệt của đời thường. /.
Tháng 01/2007