Thứ Năm, 22 tháng 8, 2013

Nhân đàn thú rừng ở Lâm Hà

VĂN VIỆT
Vài năm trở lại đây, phong trào nuôi thú rừng đang nhân đàn khá nhanh trên phần lớn những địa bàn nông nghiệp thuộc huyện Lâm Hà. Chỉ mới là thị trường tiêu thụ ra đến các huyện, thành lân cận trng tỉnh Lâm Đồng, thú rừng nuôi ở Lâm Hà hiện không có đủ số lượng hàng tháng để xuất chuồng đem bán.
   
NHÍM BÁN ÍT, MUA NHIỀU
Lê Văn Tân, người đàn ông năm nay 38 tuổi, là chủ nhân của trại nhím Tân Hòa thuộc xã Tân Hà, huyện Lâm Hà, không phải là người nuôi nhím đầu tiên, nhưng với sự đầu tư mở rộng sau một năm đã trở thành trại nuôi dẫn đầu về quy mô, số lượng đàn nhím ở huyện này. Tân nói : “Cứ mỗi tháng qua đi là trại nhím trong chuồng nhà đẻ ra đến sáu cặp nhím con. Nếu trừ hết chi phí đầu tư khoảng một cặp. Còn năm cặp sẽ hạch toán đạt lãi với tổng cộng hơn 70 triệu đồng….” Đưa tôi ra giữa gian trại nhím, Tân giới thiệu đây là dãy chuồng giành riêng cho đàn nhím cái sau khi sinh nở, kia là dãy chuồng nuôi riêng nhím con đang cai sữa mẹ, và chính giữa là dãy chuồng nhốt một hoặc hai con cái với một con đực trong kỳ giao phối. Từng dãy chuồng được cách biệt bởi hàng tường gạch hoặc hàng tường rào sắt, được chăm nuôi theonhững chế độ ăn uống khác nhau. Tính đến tháng 01/2011, tổng đàn nhím của Tân là 150 con ( có 80 con cái sinh sản), đều được che mát dưới chung một mái chuồng nhà rộng khoảng 200 mét vuông.
Theo lời Tân, năm 1996 từ miền quê phía Bắc, Tân vào Tân Hà, Lâm Hà làm thuê cho các chủ vườn cà phê. Dần dần thấy đất Lâm Hà phù hợp với việc định cư lâu dài của mình, Tân dành dụm và huy động được một số vốn lập vườn cà phê rồi mua bán cà phê nhân; và rồi làm thương lái thu mua gà vườn lên Đà Lạt bán. Trong môi trường làm ăn, Tân biết được ở Đức Trọng, Bảo Lộc, Di Linh đang phát triển chăn nuôi nhím nên đến nơi tìm hiểu. Đến đầu năm 2009, Tân quyết định mua một cặp nhím gần đến kỳ sinh đẻ về nuôi trong nhà, giá gần 35 triệu đồng. 10 ngày sau, con nhím cái đẻ ra 2 con nhím con tròn trĩnh. Tân thích quá nên liên tục tìm mua đến 40 cặp nhím sinh sản sau đó. Nuôi và tự tìm ra cách nuôi phù hợp với điều kiện riêng của mình, Tân nói rằng chưa gặp một bệnh tật gì đối với nhím trong hai năm qua. Chỉ đôi lúc bất cẩn nhốt chung nhím con với nhím trưởng thành bị giẫm đạp chết vài ba con.   
Mục đích của Tân là tiếp tục nhân đàn nhím lên hàng trăm con nữa mới chính thức xuất chuồng bán ra kinh doanh. Nhưng nhu cầu nhím giống đối với bà con ở địa phương quá nhiều, Tân phải bán ra trong năm 2009 với 8 cặp nhím giống, giá bình quân mỗi cặp là 14 triệu đồng.      
HEO RỪNG ĐẶT MUA KHÔNG DỄ
Sau nhím, con vật nuôi đang nhân đàn khá nhiều ở huyện Lâm Hà là heo rừng. Trại heo rừng Bảy Hồng ở thôn Đạ Ty, xã Đạ Đờn là một trong các trại nuôi hiệu quả cao ở Lâm Hà. Chủ trại, ông Nguyễn Văn Bảy cho biết ở thời điểm cận tết Tân Mão năm nay, giá heo rừng cân hơi được bên mua đặt giá mỗi ký từ 80 ngàn đồng trở lên mà không đủ heo để bán. Mức giá heo rừng nuôi trong năm 2009 đều đạt ở ngưỡng gấp đôi giá heo thịt thông thường. 
Ông Bảy kể cách đây ba năm, ông xuống Bình Dương mua về đôi cặp heo rừng sinh sản để nuôi thử. Không ngờ rất đơn giản vì có nhiều thức ăn rau, củ, quả xanh tại vườn, cần bổ sung hàng ngày khoảng một phần ba thức ăn tinh bột gạo, cám thì heo tăng trọng thấy rõ. Bước vào nuôi quy củ, ông Bảy xây chuồng rộng hơn 200 mét vuông để nuôi nhốt và giành 3 sào đất trong vườn để nuôi thả. Nuôi nhốt là lúc heo cần bồi bổ để chuẩn bị sinh nở hoặc heo con vừa tách ra khỏi sữa mẹ. Còn nói về nuôi thả rông nhưng thực tế cả khoảnh vườn 3 sào đất được rào kín thép gai bốn bên. Trong vườn, ông Bảy trồng các loại rau, đậu..để cho heo rùng ăn tự nhiên hàng ngày. Cũng như đàn nhím vừa kể trên, qua mấy năm chăm nuôi đàn heo rừng của ông Bảy đã không phát hiện bệnh tật gì. Ông Bảy cho biết thêm : Một cặp heo rừng giống giá hiện tại từ 1,5 triệu đồng đến 2 triệu đồng. Ông Bảy đã nuôi ở vườn nhà đến một năm sau là heo đẻ. Quân bình một năm đẻ hai lứa, mỗi lứa heo đẻ từ 6 con đến 10 con. Cứ vậy, ông Bảy đã nhân đàn và hiện đang duy trì số heo rừng nái, heo rừng trong chuồng nhà đang vỗ béo lấy thịt trên dưới 80 con. “Năm qua, trại heo rừng của tôi xuất bán khoảng 200 con heo thịt, mỗi con cân nặng trung bình 15 kg. Nhưng chỉ đủ bán một phần trong số lượng người mua trong huyện, trong tỉnh đến đặt mua… ”- ông Bảy nói.
Theo thống kê của Hạt Kiểm lâm Lầm Hà, trên địa bán huyện Lâm Hà đang có gần 30 hộ gia đình chăn nuôi thú rừng, nhiều nhất là loài nhím và loài heo rừng; còn lại khoảng trên dưới trăm con các loài như hươu sao, chồn, trĩ đỏ…Hầu hết những hộ chăn nuôi được được Hạt kiểm tra, lập thủ tục đề nghị và được Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng cấp giấy phép. Hàng ngày, hàng tháng, hàng quý, Hạt đều giải quyết nhanh gọn thủ tục xác nhận việc mua bán thú rừng nuôi cho người nuôi. “Người nuôi cơ bản chấp hành đầy đủ pháp luật về chăn nuôi thú rừng. Thị trường con giống và con thịt thú rừng nuôi đang rất lớn so với lượng vật nuôi hiện có. Bởi vậy Hạt Kiểm lâm Lâm Hà luôn tạo mọi thuận lợi về giải quyết thủ tục cấp phép, giúp cho người nuôi thú  rừng có điều kiện tăng thêm thu nhập từ kinh tế vườn…”- ông Đỗ Văn Thủy, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Lâm Hà nói./.
Tháng 01/2011