Thứ Sáu, 9 tháng 8, 2013

Người phụ nữ có “phép màu”

VŨ VĂN

Xưa nay thần thoại, hoang đường kể về người chết rồi sống lại thì nhiều lắm. Nhưng với chuyện một người bị hành quyết đến chín viên đạn không chết lại có thật nơi thành phố Đà Lạt mờ sương. Cho đến giờ khi ngồi đối diện cùng bà mà vẫn ngỡ đang lạc vào những miền…huyền tích. Đã 54 năm đi qua, người phụ nữ có “phép màu” này vẫn lặng thầm giữa dòng đời xuôi ngược…

Tôi tìm đến căn nhà riêng, số 142, Hai Bà Trưng, Đà Lạt để gặp người phụ nữ đã khuất phục được thần chết. Bà là Nguyễn Thị Lan, nay tuổi gần 80, thương binh 2/4 mà trí nhớ vẫn hằn in cái đêm kinh hoàng bà cùng với 19 tù nhân chính trị bị bọn lính Pháp giải đi hành quyết bên góc sân bay Cam Ly, Đà Lạt. “Mọi sự ập đến đường đột quá. Chúng tôi không còn kịp thời gian để đấu tranh, đối phó trước họng súng dã tâm của kẻ thù.. ”-Bà Lan vào chuyện.

*Những loạt đạn oan khốc

“Còn hai ngày nữa là đến ngày Phật Đản, 20 người chúng tôi bất ngờ bị đọc tên và lần lượt dồn lên xe chở đi. Cứ nghĩ là một đợt chuyển trại giam, bị làm tù binh mãi mãi ở đâu đó. Buôn Mê Thuột hoặc Đồng Nai chẳng hạn. Nhưng đang lúc chạy quẩn quanh trong phố Đà Lạt bỗng đùng đùng chúng cho xe dừng lại. Mở tung cửa. Đẩy lùa mỗi lần hai người xuống đất và xả súng. Cứ thế-những loạt đạn dồn dập xé toạc dải sương đêm cho đến khi hai người cuối cùng ngã xuống… ” Vâng, cái ngày oan khốc đó là ngày 11/5/1951.
Bấy giờ bà Lan đang độ một thiếu nữ xuân thì, hừng hực tinh thần chống giặc, trừ gian. Bà bị bắt giam vào Lao xá Đà Lạt vào cuối năm 1947 đến hơn 3 năm sau bị bọn “Tây đen” đưa đi hành quyết. Chạng vạng khoảng 19 giờ hôm đó, tù nhân ăn cơm xong thì bọn cai ngục báo động rằng phải chuyển đi xa 20 người. Nhìn đảo qua vài lượt, một tay quản ngục đen trủi, cầm cây thước kẽ đánh dấu hình chữ thập lên danh sách từng người một, rồi gọi tên đẩy lên xe đóng sầm cửa lại. Tất cả 20 tù nhân này đều chưa hề có bản án hoặc một phiên tòa xét xử nào, dù chỉ là thủ tục lấy lệ. Không ai phải bịt mảnh băng đen hoặc buộc trói tay chân. Bà Lan còn tranh thủ gấp cẩn thận vài bộ quần áo len, phòng khi nắng gió nơi rừng thiêng, nước độc heo hút.   
“Dù ngồi trong cửa xe khóa chặt như bưng, nhưng chúng tôi chợt dự cảm sinh nghi vì sao bọn địch vẫn cứ chạy quay tròn thật lâu mà không ra khỏi thành phố. Thì ra là tin dữ. Đến đoạn cầu Nhà Đèn-bắt đầu gần đến thác Cam Ly-chúng hiện hình những bản mặt thú dữ, nói gầm gừ rằng, 20 người chúng tôi phải đền mạng một người của chúng bị cách mạng giết tại biệt thự Hoa Hồng vào hồi chiều nay. Hắn là mật thám Pháp, tên Haasz-Victo, Phó Thanh tra miền Nam Đông Dương tại Đà Lạt. Những tiếng vạch trần tội ác đê hèn của giặc vang dội từng hồi, từng hồi. Nhưng tất cả không còn kịp nữa. Rồi tôi tự thầm nhủ mình đã đến lúc hy sinh. Còn giây phút nào phải giữ được thái độ bình tĩnh, hiên ngang trước kẻ thù. Xe đỗ xịch. Khoảnh khắc thiêng liêng của người chiến sỹ cách mạng đón nhận cái chết sao cho thật thanh thản. Những tiếng hô đả đảo giặc cướp nước phá tan màn đen lặng câm. Chúng tôi nắm chặt vòng tay với nhau. Nhưng chúng hung tàn cắt đoạn ra từng hai người, vừa xô hỏng chân từ thùng xe xuống đất vừa tuôn đạn. Tôi kịp trông thấy hai đồng đội đầu tiên ngã văng cách thùng xe đến năm, sáu mét, máu tuôn ra ánh đỏ. Đến lượt tôi và đồng chí Bộ. Khi bị hất hỏng chân xuống chưa chạm đến đất, tôi chỉ thoáng nghe loạt đạn nổ lớn khô khốc bên tai rồi không còn biết gì nữa… ” –Bà Lan nhắm đôi mắt, rùng mình hình dung trở lại.
*Điều “mầu nhiệm”
Khơi tiếp cơi tràu, đưa xoắn vào miệng bỏm bẻm nhai, bà Lan theo mạch nguồn hồi tưởng: Qua đến hơn 0 giờ ngày mới, bà Lan choàng tỉnh dậy. Ông trăng sáng chiếu chênh chếch qua đỉnh đầu huyền ảo. Toàn thân bê bết máu. 9 phát đạn trúng vào mang tai, lồng ngực, xương sống, giữa đùi, hai tay…làm người bà như nát vụn tan từng mảnh. Cố bò lê theo từng tảng máu loang loáng, bà Lan sờ soạng đến vuốt từng đôi mắt tất thảy 19 tù nhân bị sát hại cùng bà. Họ đều chết cả rồi. Không gian hăng hắc mùi chết chóc, tang thương, rờn rợn…
Cố hết chút bình sinh sót lại, bà Lan xác định được hướng đông-tây-nam-bắc và nhích lê thân xác mình từng li, từng li một. Nguồn sống duy nhất là…nước và lá cây cỏ. Đôi tay yếu ớt của bà với hái từng chiếc lá, quệt ngang qua đầu lưỡi để thấm vào mao mạch những giọt nước li ti trên phiến lá. Có lúc cuộn tròn lăn bên dòng suối đá, bà vốc miệng hớp từng ngụm nước vào dạ, bỗng thấy hồi dương đến lạ thường. Cứ thế kéo bê bết giữa rừng âm u đến bốn ngày năm đêm, vết thương khắp người bà Lan thối rữa. Dòi-bọ sinh ra lổn ngổn khoét dần từng hố trên thịt da. “Đau xé nhức cơ thể. Kể không hết được ! Rồi trong mê man, tôi thấy ông cọp; sau đó là ông vượn tiến gần tôi. Chúng không ăn thịt tôi mà lại vuốt ve, vỗ về tôi vào giấc ngủ vùi. Ngày thứ tư tỉnh dậy, tôi trông thấy một người đàn ông lượm củi ngồi cạnh tôi. Ông bàng hoàng, đau đớn chăm sóc tôi từng giọt cháo, ngụm nước; gắp từng con dòi quẳng đi. Tôi nhận ngay đó là một người quen. Thế là cái tin tôi hồi sinh về từ cõi chết hỏa tốc nhanh đến cha mẹ tôi, anh em, họ hàng tôi… ”-Giọng bà Lan lắng lại.
Sự kiện thảm sát 20 tù nhân tại sân bay Cam Ly như biển dầu trào sôi vào ngọn lửa căm thù giặc của nhân dân Đà Lạt. Cuôc biểu tình lên án bọn thực dân, tay sai nổ ra khắp phố phường. Bà Từ Cung ( mẹ vua Bảo Đại) đã nghe động thấu đến tâm can. Không chỉ sai một nhóm lính “ngự lâm quân” bí mật canh giữ trong bệnh viện mà bà Từ Cung còn cấp những thang thuốc đặc trị, quý hiếm để chữa trị bà Lan. Suốt hơn sáu tháng rưỡi nằm nhà thương Đà Lạt, bọn sài lang cướp nước, đã nhiều lần sai người đột nhập, toan tính giết bà lần nữa nhưng không thành. Lần nào cũng có sự can thiệp đúng lúc của lính “ngự lâm quân”. “Tấm lòng của người mẹ một ông vua mất nước, bù nhìn mà sẻ chia, đồng cảm đối với tôi cứ suy nghĩ chưa thôi cho đến ngày nay… ”  -Bà Lan tự sự.
*Son sắt một đời
Dù không thể giết được bà Lan lần nữa, nhưng giặc Pháp vẫn rắp tâm trục xuất bà Lan biệt xứ khỏi đất “Hoàng triều cương thổ” Đà Lạt. Giặc còn ép buộc gia đình bà Lan làm cam kết, nếu bà Lan còn trở về Đà Lạt tham gia hoạt động cách mạng thì…bị tru di cả dòng họ. “Mặc! Tôi vẫn bí mật liên lạc với tổ chức, tiếp tế lương thực, cung cấp thông tin. Chúng vẫn biết đó nhưng bất lực. Bởi không thể có bằng chứng để bắt giam tôi nữa !” Thế là xuống Sài Gòn, bà Lan lại tiếp tục hoạt động nội thành; kết nối với đường dây biệt động thành Đà Lạt cho đến ngày giaỉ phóng.
Bà Lan được sinh ra tại thành phố Đà Lạt, nhưng cha mẹ đều gốc người Hoài Nhơn, Bình Định. Một người anh trai kế và một người em trai kế của bà đều là liệt sĩ thời chống Pháp và chống Mỹ. Người anh-Nguyễn Du Minh bị địch sát hại ở núi Hòn Bồ, Đà Lạt; sau đó thả xác trôi theo sông-suối. Một tay ác ôn đã chỉ điểm người chiến sĩ cách mạng này cho giặc; lấy được 500 ngàn đồng Đông Dương để rồi sau đó không lâu bị cách mạng xử tử hình. Người em-Nguyễn Văn Trung cũng theo cách mạng từ chống Pháp đến chống Mỹ. Năm 1973 hy sinh tại mặt trận Bình Dương. Phần bà khi giải phóng về cùng với một người em gái, sinh sống trong căn nhà nhỏ nhắn do cha mẹ để lại bên đường Hai Bà Trưng, Đà Lạt. Đến với cách mạng, bà không thể vào chiến khu vì còn phải giúp cha mẹ làm lụng nuôi đàn em đông quá; lại còn thơ dại nữa. Bà tự nguyện chọn công việc nắm tình hình địch hàng ngày, mật báo nhanh về cơ sở. Sa vào tay giặc, bị tù tội với những cực hình tra tấn dã man nhất, bà Lan luôn cắn răng chịu đựng, quyết không hé một lời khai nào.
Bà Lan sinh một người con trai, nay gần 40 tuổi, có vợ và 2 con, đang sống chung với bà. Người cha tác tạo, dưỡng dục con, nay đã chết rồi. Người con trai này sống bên mẹ, những năm đầu giải phóng kinh tế khó khăn quá, anh không được theo học hành đến nơi, đến chốn. Lấy vợ, rồi theo nghề đan len của vợ, làm quần quật cả tháng trời, hai vợ chồng mới thu nhập được chưa quá một triệu đồng. Thấy con nghèo khổ, bà Lan không đành nghỉ ngơi, dù tuổi đã gần đất xa trời rồi. Vẫn sớm hôm mỗi ngày ra khoảnh vườn mấy trăm mét vuông sau nhà trồng đậu, tiả rau, nhẫn nại đong đưa quang gánh lội ra chợ bán, kiếm tiền đong gạo cho cả nhà; có thêm chút đỉnh cho hai đứa cháu nội mua cuốn sách, tập vở đến trường. “Đời tôi thật vất vả. Nhưng ngẫm lại, tôi luôn giữ được thanh danh của gia đình một lòng son sắt, thủy chung với cách mạng. Không hề lung lay bất kỳ một sự cám dỗ tầm thường nào “-Bà Lan tự hào!
Ông Lê Danh Thung, Ban Thương binh-xã hội phường 6, Đà Lạt, đi cùng tôi đến thăm bà Lan cho biết: bà Nguyễn Thị Lan, thương binh 2/4, là một tấm gương sáng mẫu mực ở khu dân cư. Từ làm công tác tổ phụ nữ, đến công tác tổ chính sách địa bàn, bà rất nhiệt thành, không quản ngại ngày đêm. Hàng năm phường 6, Đà Lạt đều tổ chức đưa bà đi khám sức khỏe, điều dưỡng thời gian một tuần lễ. Khi gặp khó khăn, hoạn nạn đột xuất luôn được hỗ trợ kịp thời. Phường đã vận động nhân dân đóng góp mua 30 tấm tol mới về thay lớp tol đã quá mục nát. Mùa mưa này, bà Lan sẽ không còn cảnh dột ướt, nước lênh láng khắp nhà nữa. “Mỗi người của ít, lòng nhiều. Mong muốn góp chút nghiã tình ấm áp bên bà Lan, người đã đổ một phần máu xương của mình vì một Đà Lạt yên bình hôm nay !”-người cán bộ lão thành cách mạng Lê Danh Thung tâm sự. Tháng 3/2005