Thứ Sáu, 2 tháng 8, 2013

Nếp quýt An Nhơn

VĂN VIỆT
Mấy năm gần đây bằng ý chí tự lực tự cường vượt nghèo, nông dân xã An Nhơn (Đạ Tẻh) đã trồng thành công giống nếp quýt đưa về từ các tỉnh phía Bắc. Từ vài thửa ruộng nhỏ lẻ nay đã phát triển lên hơn 100 ha; năng suất và giá trị kinh tế đang mở ra “lộ trình” tăng tốc mới cho địa phương. 

Đến An Nhơn tìm đến nhà “thủ lĩnh nếp quýt” không khó. Đó là nông gia Tô Đức Thuận, 53 tuổi, thôn trưởng thôn 4b chạy dọc một “hương lộ” bóng loáng kéo dài từ trung tâm xã đến buôn Tố Lan. Nhà ông Thuận tọa lạc vị trí khá “cân bằng”. Phía sau nhà là những dãy đồi nối tiếp dãy đồi trồng rừng sản xuất kinh doanh. Trước “ngọ môn nhà” là một cánh đồng bao la bát ngát, lúa với lúa líu ríu dưới chân đê vững chãi của đập nước Đạ Hàm. Chất phác và cởi mở với khách nơi xa, ông Thuận “báo cáo” rằng, cánh đồng lúa trước mặt đang trổ đòng là cánh đồng nếp quýt của thôn rộng gần 30 ha. Còn căn nhà mới xây cả công trình chính - phụ gần trăm mét vuông của ông Thuận là phần lớn nhờ…nếp quýt mà có. “Nhưng tôi vừa trả hết 30 triệu đồng khoản nợ cuối cùng từ vụ nếp quýt vừa qua đó !”-Thôn trưởng Tô Đức Thuận nói thêm !  
Nhưng cây nếp quýt có nguồn gốc nơi nào mà mau thích nghi với An Nhơn vậy ?!  Nông gia thôn trưởng Tô Đức Thuận chỉ cười cười mà không trả lời được rõ ngọn nguồn. Chỉ kể rằng chỉ ba, bốn năm trước có một đôi sào ruộng trồng khép nép một giống nếp lạ hoắc gọi là nếp quýt. Cái tết đầu tiên năm đó ở thôn 4b của ông Thuận có một vài hộ gia đình khoe có cơm nếp quýt ăn thơm ngon lắm lắm, không tả được. Tin được lan truyền nhanh. Thôn trưởng Thuận cùng vài chục hộ gia đình quyết định “nhập cuộc” sớm đưa cây nếp quýt xuống giống trên thửa ruộng của mình. Từ vài sào ruộng đạt khá năm đầu đến nay thôn trưởng Thuận đã trồng đại trà hơn 7 sào. Trước mắt một năm trồng thành 2 vụ mùa : Vụ mùa sạ vào tháng 9 - thu hoạch vào tháng 12 và vụ mùa sạ vào tháng 01 - thu hoạch vào tháng 4. Hai vụ mùa năm 2005-2006 vừa qua, thôn trưởng Thuận trồng 5 sào ruộng nếp quýt thu về hơn 30 triệu đồng. Vụ mùa cuối năm 2006 này, ông Thuận trồng cả thảy 7 sào ruộng nếp quýt; dự kiến sẽ đạt tổng sản lượng là 35 tạ. Nếu tính theo giá mỗi ký lúa 5.000 đồng vào thời điểm đầu tháng 12 này thì riêng vụ mùa trên 7 sào đất này đã đạt tổng doanh thu là 17,5 triệu đồng.
Bây giờ thôn trưởng Thuận có đủ cơ sở khẳng định nếp quýt có lợi thế so sánh hơn hẳn cây lúa tẻ. Trước hết là cùng đạt năng suất như nhau, nhưng giá bán nếp quýt ở thị trường bao giờ cũng cao hơn giá lúa tẻ từ 2 lần đến 2,5 lần. Vốn đầu tư nếp quýt trên mỗi sào gồm phân bón, thuốc xịt cỏ, vôi bột…chưa quá 300 ngàn đồng; thấp hơn khoảng 10% so với trồng lúa tẻ. Chưa kể việc chăm sóc nếp quýt ít vất vả và ít tốn công hơn chăm sóc lúa tẻ. Dịch vàng lùn, lùn xoắn lá vừa qua, trên đồng nếp quýt bị ảnh hưởng gần như không đáng kể. Nếp quýt chỉ đòi hỏi nghiêm ngặt về việc chọn giống, giữ giống cho mùa sau không quá 6 tháng; thời điểm gieo sạ phải tránh thời tiết mưa nhiều ngày. Và nếu gặp mưa thất thường thì nên làm đất để gieo sạ lại thì mới mong nếp quýt phát triển tốt được.
Ở thôn 4b cuả xã An Nhơn bên cạnh thôn trưởng “thủ lĩnh” nếp quýt đến nay gần 70 hộ dân ( chiếm 98% số hộ dân trong thôn) đang trồng nếp quýt trên diện tích mỗi hộ ít nhất là vài sào; hộ cao nhất từ 1,5 ha đến 2 ha. Các thôn còn lại trong xã đều bắt đầu hình thành những cánh đồng nếp quýt đang lên xanh mởn. Chính quyền xã An Nhơn, Đạ Tẻh đã đưa mô hình trồng nếp quýt vào mô hình trồng lúa chất lượng cao trong xã, với giá trị bình quân sẽ đạt được mỗi năm trên 01 ha là 40 triệu đồng. Hiện bà con nông dân xã An Nhơn rất hy vọng về giá trị kinh tế đột phá của cây nếp quýt trong những năm tới./.
Tháng 12/2006