Thứ Tư, 14 tháng 8, 2013

Mười năm nghiên cứu luật để hòa giải

VŨ VĂN
Ở tuổi 71, Đại tá về hưu Trương Ngọc Thạch trông hãy còn nhanh nhẹn và minh mẫn. Từ lâu, ngôi nhà số 8, Lý Tự Trọng, khu phố 3, Đà Lạt của gia đình ông là nơi “gửi gắm” sự đoàn kết của cộng đồng dân cư trên 8 khu phố của phường 2, Đà Lạt. Nhưng có điều ít người biết đến hơn 10 năm qua, người Đại tá về hưu này vẫn lặng lẽ tự nghiên cứu luật từ 2 giờ sáng đến 5 giờ sáng mỗi ngày để đem kiến thức phục vụ cho việc hòa giải ở phố phường…

Năm 1990 về hưu với cấp hàm Đại tá thì năm 1991, ông đã được tín nhiệm bầu giữ chức Phó Chủ tịch Hội cựu chiến binh rồi Chủ tịch mặt trận phường 2 cho đến ngày nay. Tuổi cao, người ta có đủ lý do để “hưởng nhàn” cuối đời. Với ông thì không, dù đã đi qua quãng đời hơn 40 năm cầm súng xông pha trận mạc. Ngày đầu nhận việc, ông không chỉ vui vẻ mà còn rất hăng say nữa. Ông kể lại: Việc đầu tiên trong căn nhà mình, ông giành riêng một diện tích vừa đủ để bố trí một bàn làm việc và một “kho” sách pháp luật. Sách, báo pháp luật hồi ấy vô cùng thiếu thốn. Hễ tìm được một thông tin hay một văn bản pháp luật nào trên báo hoặc các tạp chí là ông “sưu tầm” về sắp xếp trong “thư viện”riêng. Cứ thế, năm này qua tháng nọ, “tủ sách pháp luật” của ông dần dần phong phú và “giàu có” hơn lên. Mấy năm gần đây, sách báo pháp luật phát hành rộng rãi khá nhiều, ông thường trích phần lương hưu hàng tháng, mua những thông tin mới nhất về cập nhật thường xuyên. Rồi sau mỗi ngày công việc thực tế ở phường, ở khu phố, tổ dân phố, sáng ra, từ 2 giờ đến 5 giờ, ông lại giở từng dòng luật nghiền ngẫm, đối chiếu. Thói quen của ông hình thành từ đó và cho đến nay nó như một thứ nhu cầu không thể thiếu của cuộc sống về hưu riêng ông…
Năm 1994, biết ông là người say sưa với pháp luật, HĐND thành phố Đà Lạt đã tín nhiệm bầu ông làm Hội thẩm nhân dân. Một nhiệm kỳ 5 năm ngồi ghế HĐXX ( Tòa án thành phố Đà Lạt), ông càng có điều kiện hiểu sâu thêm nhiều lĩnh vực pháp luật khác nhau. Nhưng cũng từ đó, ông thấm thía hơn về những câu hỏi nhức nhối về phía xã hội: vì sao tội phạm ngày càng diễn biến phức tạp; vấn nạn ly hôn không giảm; tranh chấp gay gắt trong nội bộ dân cư vẫn còn đó ?…
Vâng, chỉ có một đời sống văn hóa mới trong mỗi gia đình; chỉ có làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở mới xây dựng một môi trường thực sự yên bình cho cộng đồng. Ông kiên nhẫn đến từng ngõ phố, thăm dò ý kiến người dân, lựa chọn kỹ càng những cán bộ cốt cán để đảm đương việc này. Không lâu sau, ông đã hoàn thành việc trọng tâm là phải kiện toàn được mạng lưới hòa giải viên về từng cụm dân cư. Nếu tính từ khi hưởng ứng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư phát động mạnh mẽ từ năm 1996 đến nay, ông – với vai trò là Chủ tịch Mặt trận phường – đã xây dựng tổ hòa giải trên địa bàn từ con số 38 lên đến 89 và nay là 92, tất cả gồm 311 thành viên. Phía trên tổ hòa giải là 8 Ban Mặt trận của 8 khu phố, mỗi Ban từ  9 đến 11 người, là những nhân tố rất nhiệt thành với công việc, nên hiệu quả hoạt động không ngừng được phát huy. Dù vậy, với phường 2 là một địa bàn trung tâm thành phố Đà Lạt, dân số gần 20 ngàn người thì tỉ lệ hòa giải thành hơn 90% vụ việc, quả là điều không dễ.
Ông Thạch nói: “Thước đo hiệu quả công việc của cán bộ hòa giải trước hết phải sống thật gần dân, hướng dẫn, giải thích cho dân tự giác tuân thủ pháp luật, sống nghĩa tình với người thân, xóm giềng…”Thế là những bộ đề cương tuyên truyền pháp luật tự soạn thảo của ông lần lượt ra đời, cán bộ hòa giải dùng nó như một cẩm nang bên mình. Riêng ông thì gần như đêm nào cũng xăng xái đi xuống khu phố, tổ dân phố, lồng ghép những nội dung cuộc họp ở đây để giảng giải pháp luật cho dân. Ông nhớ mãi 7 năm về trước, thực hiện Nghị Định 36/CP của Thủ tướng Chính phủ về giải phóng lòng lề đường, mở rộng đường thông hè thoáng, công tác vận động, thuyết phục, hòa giải ở phường ông, đã mang lại kết quả rất bất ngờ: 116 hộ ở đường Nguyễn Văn Trỗi, Phan Đình Phùng, Bùi Thị Xuân đã nhanh chóng tự tháo dỡ hàng quán, ki ốt lấn chiếm mặt đường. Cán bộ, đảng viên và những gia đình cách mạng gương mẫu chấp hành, nên nhân dân càng hưởng ứng mạnh mẽ hơn. Còn chuyện tranh chấp đất đai, giành giật nhau từng mét vuông đất giữa nhân dân với nhân dân diễn ra thường xuyên, khá phức tạp. Một trong hàng trăm vụ lớn nhỏ được hòa giải thành, đó là tranh chấp giữa hai đương sự ở một góc phố đường Phan Đình Phùng. Sau 3 năm kéo dài dai dẳng, mời lên UBND phường giải quyết 5 lần, 7 lượt không được, ông Thạch cùng với “cộng sự” hòa giải của mình, kiên trì gặp 2 bên để hàn gắn lại. Bổ sung cái lẽ ở đời bên cạnh cái lý pháp luật, hai gia đình nghe mà thấm dần, chuyển từ tâm thế “đối đầu” sang “đối thoại” và kết quả, họ đã tự thương lượng với nhau thắm tình hàng xóm…
Mạng lưới hòa giải cơ sở ở phường 2 đã từng bước ngăn chặn hữu hiệu những mầm mống tội phạm phát sinh. Ngay cả những người chấp hành xong hình phạt tù trở về, luôn được theo dõi, giáo dục và tạo mọi điều kiện để họ sớm hòa nhập với cộng đồng. Đến nay thì 9/10 trường hợp nằm trong diện này đã thực sự chuyển biến, giải tỏa được mối lo ngại của người thân, láng giềng…
Quả thật, không thể kể hết những kết quả phòng chống tội phạm từ công tác hòa giải cơ sở ở phường 2. Càng không thể kể hết những gì mà người “thủ lĩnh” hòa giải, tuổi đã già, vẫn tận tâm với công việc. Nếu như qua 2 cuộc chiến tranh chống giặc, người Đại tá về hưu gốc Bình Thuận này, đã đi khắp các mặt trận, chiến trường nóng bỏng nhất, được tặng thưởng nhiều huân chương, huy chương cao quý của Đảng và Nhà nước trao tặng, thì những năm tháng cuối đời của thời bình, bước chân ông vẫn đi-về với dân, làm mọi việc có ích cho cộng đồng. Bất kỳ ai - một lần tiếp xúc với ông, biết ông lại miệt mài tự nghiên cứu luật, mong góp phần mình xây dựng đời sống an lành cho phố phường – cũng bỗng chốc thấy lòng  mình ấm lại./.
 Tháng 01/2001