Thứ Bảy, 24 tháng 8, 2013

Mô hình mới với 3 giống “cây hoang”

VĂN VIỆT
3 giống “cây hoang” từ những cánh rừng của Lâm Đồng, Gia Lai và Đắk Lắk có tên là cần dại, lỗ bình, và bầu đất, đã được một nhóm nghiên cứu ở Trường Đại học Đà Lạt đưa về triển khai mô hình chuyển giao sản xuất đại trà tại khu vực Nam Ban, Lâm Hà, bước đầu thu những kết quả khá triển vọng.
 
Theo thạc sĩ Lương Văn Dũng, Khoa Sinh học, Trường Đại học Đà Lạt,  cây cần dại cao từ 20- 30cm và cây lỗ bình cao từ 5- 30cm đều phân bổ ở độ cao từ 200m đến 1.800m, sinh trưởng tập trung ven khe suối, vùng đất ẩm ướt, nhiều ánh sáng thuộc các địa bàn rừng núi của huyện Lạc Dương, Di Linh, Đạ Huoai của Lâm Đồng. Đây là 2 loài rau hoang dại có giá trị sử dụng tương đối cao, trong đó cây cần dại đồng thời là cây thuốc chữa các bệnh như cao huyết áp, viêm đường tiết niệu, thổ  tả…Riêng cây bầu đất được nhóm nghiên cứu tìm thấy ở vùng rừng núi Gia Lai và Đắk Lắk, dù chưa ghi nhận phân bổ ở vùng rừng Lâm Đồng, nhưng các nhà hàng lớn ở Đà Lạt hiện đang thu mua với giá khoảng 65 ngàn đồng/kg thân, lá tươi (theo giá thời điểm tháng 8/2013) để chế biến các món ăn đặc sản của cả vùng Tây Nguyên.
Mùa mưa năm 2011, nhóm thực nghiệm của thạc sĩ Lương Văn Dũng đã tiến hành trồng 3 “cây hoang” nói trên với 6 mô hình tại các địa bàn xã Lát ( Lạc Dương), Tà Hine ( Đức Trọng), Đinh Trang Hòa ( Di Linh), Hà Lâm ( Đạ Huoai), Nam Ban ( Lâm Hà) và vùng rau Đà Lạt, mỗi mô hình có diện tích từ 500 – 1.000m2. Kết quả đã chọn ra một quy trình sản xuất phù hợp nhất, đạt những hiệu quả khả quan nhất. Cụ thể với cây cần dại, áp dụng phương pháp giâm hom nhân giống đạt tỷ lệ hơn 90%, hơn 1 tuần cắt hom, giâm hom và chăm sóc hom ra rễ (hoàn toàn không sử dụng thuốc kích thích) là đưa ra trồng trong nhà kính. Trồng trên từng luống với tỷ lệ 3 phần đất và 1 phần giá thể xơ dừa, có chiều rộng từ 80 – 100cm, cây cách cây 10cm, hàng cách hàng 15cm. Sau khi xuống giống 2 tuần, tưới nước 1 lần/ngày; từ tuần thứ 3 trở đi, cứ 2 ngày tưới 1 lần. Bón lót phân hữu cơ với liều lượng 90kg/100m2; bón thúc phân NPK từ 2-3kg/100m2 , cứ 2 tuần bón 1 lần. Thường xuyên làm sạch cỏ, đến hơn 2 tháng sau bước vào thu hoạch thân và lá, năng suất đạt từ 3,5kg/m2. Cần dại có thể ăn sống hoặc nấu canh với thịt, cá.
Với cây lỗ bình đã nhân giống cấy mô thành công, chọn cây giống con có chiều cao từ 7- 10cm, đưa ra trồng trong nhà có mái che, trồng trên giá thể với tỷ lệ gồm 5 phần đất và 1 phần phân chuồng. Tưới phun sương từ 1- 2 lần/ngày. Đặc biệt trên các đốt thân cây lỗ bình có khả năng ra rễ khá mạnh, nên có thể giâm hom trên cát hơn 1 tuần sau là đưa ra trồng trong vườn nhà kính, tỷ lệ cây sống đạt từ 95% trở lên. Quy trình canh tác cây lỗ bình ( cấy mô hoặc giâm hom) đều tương tự như cây cần dại, hơn 2 tháng sau sẽ thu hoạch thân và lá, đạt năng suất hơn 3kg/m2, dùng để ăn sống và chế biến các món ăn nấu chín khác.
Từ những đặc điểm sinh thái gần giống nhau, nhóm nghiên cứu sinh học ở Đà Lạt đã chọn cây cần dại làm “đại diện” cho cây lỗ bình để chuyển giao kỹ thuật canh tác cùng với cây bầu đất ( đưa về từ Đắk Lắk) tại khu vực nông nghiệp ở Nam Ban, Lâm Hà. Theo đó, từ tháng 4/2013 đến nay, áp dụng quy trình đã thực nghiệm có kết quả trong nhà kính 1.000m2 tại Nam Ban, Lâm Hà,  Công ty TNHH Cây thuốc Việt đã  canh tác 30 ngàn cây giống cây rau cần dại của Lâm Đồng, đạt sản lượng 3,5kg/m2; và 20 ngàn cây giống cây bầu đất đưa về từ Đắk Lắk, đạt sản lượng 1,7kg/m2.
Theo PGS, TS Lê Xuân Thám, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng, kết quả từ việc xây dựng mô hình trồng cây cần dại, lỗ bình và bầu đất, đã mở ra những triển vọng phát triển thêm nguồn rau xanh thương phẩm mới của Lâm Đồng. Trong thời gian tới sẽ tổ chức thêm nhiều cuộc hội thảo đầu bờ để chuyển giao rộng rãi hơn nữa đến với người nông dân về quy trình thâm canh, nhằm từng bước đưa 3 giống rau này thâm nhập vào thị trường hàng hóa rau xanh đa dạng và phong phú của cả nước./.  
Tháng 8/2013