Thứ Bảy, 10 tháng 8, 2013

Mái lá Tà Nung

VĂN VIỆT
Xã Tà Nung, Đà Lạt vừa ra đời điểm du lịch Mái Lá nằm bên thượng nguồn suối nươc Cam Ly. Đến Mái Lá thưởng ngoạn điền viên, du khách có thể đi trên đường Quốc lộ 20 lên Đà Lạt hoặc Quốc lộ 27 qua thị trấn Nam Ban của huyện Lâm Hà.

Thong dong 20 km từ trung tâm thành phố Đà Lạt, chúng tôi đến Mái Lá trong một ngày nghỉ cuối tuần để được thưởng ngoạn phong cảnh yên tĩnh của núi rừng, hồ nước, vườn cây…Dẫn lối vào tham quan là hai hàng cau cao vút, đong đưa trong gió. Khách ra vào tự do tham quan vì Mái Lá không bán vé thu tiền vào cổng. Chủ nhân điểm du lịch Mái Lá, ông Phạm Ngọc Ngà hướng dẫn khách một vòng dạo bộ. Tất cả sản phẩm du lịch ở đây đều đậm chất miền quê. Đang vào thu, chiếc ao cá với hàng ngàn mét vuông mặt nước phẳng lặng như gương. Nổi trên mặt nước là những căn nhà mái lá, vách gỗ thưa để đón gió thiên nhiên bốn bề. Chúng tôi chọn một căn mái lá, ngồi xuống chiếc chiếu trải ra và buông câu. “Quý khách có thể mang về nhà bất kỳ con cá nào câu được; hoặc bán cá câu được theo giá thị trường cho khu du lịch, giá dịch vụ mỗi giờ câu là 20 ngàn đồng. Cần câu và mồi câu do khu lịch cung cấp không tính thêm tiền … ”- Cô gái tiếp tân khu du lịch nói. Được biết cá nuôi dưới hồ khá phong phú chủng loài như chép, diêu hồng, mè, trắm. phi…Có những khách câu đã được dịp thể hiện mình là “tay sát cá”, câu được con cá trắm nặng đến 3 kg, làm vang động cả lòng hồ bởi tiếng đùa cười vụi nhộn của một nhóm khách du lịch. Đưa cá vào bếp của nhà hàng chế biến các món cá chiên xù, canh cá với các loại rau Đà Lạt…rồi bày biện ra nhâm nhi và buông câu tiếp. “Đã có nhiều đoàn khách tây có, khách trong nước có, khách trong tỉnh cũng có vào đây buông câu cho đến khi khu du lịch lên đèn đêm mới chịu ra về..”- Cô gái tiếp tân kể. Nhưng bên cạnh cá câu dưới hồ, khu du lịch Mái Lá còn hấp dẫn thực khách với gà ta bắt từ ven bờ ao lên rồi chế biến nhanh các món ăn “ngon như thịt gà” theo yêu cầu.
Tìm hiểu được chủ nhân khu du lịch Mái Lá cho biết thêm : Ao cá làm du lịch Mái Lá được dẫn nguồn nước tự nhiên từ dòng suối thượng nguồn Cam Ly về; chiều dài đường ống dẫn nước trên dưới nửa cây số. Trước khi dẫn nước về chặn dòng, chiếc ao được đào bằng phương tiện cơ giới với độ sâu của nước từ 1,5 mét đến 2 mét. Chủ nhân đã đầu tư khoảng 40 triệu đồng mua các loài cá trưởng thành thả xuống ao cho khách câu. Bên cạnh đó, theo dòng chảy tự nhiên của suối, từng đàn tôm càng trắng, cá trắm đã bơi về ao sinh sôi. Khi trời nắng trong, ngắm xuống lòng hồ thấy từng đàn tôm, cá vẫy vùng bơi thật thích mắt. Cộng tất cả kinh phí đầu tư xây dựng khu du lịch mái hơn 300 triệu đồng gồm xây dựng ao cá, mở đường đi tham quan nội bộ, xây dựng một quần thể nhà mái lá cho khách câu cùng với nhà hàng có sức chứa 150 khách… “Cũng vui là mấy tháng đầu kinh doanh đã đạt được một khoản doanh thu không đến mức bi quan. Khách tây đi ô tô và đi xe ôm đến đây đều có. Khách trong nước nhiều nhất là ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông và Tây Nam Bộ. Có ngày từ sáng đến chiều tối được phục vụ cả đoàn khách lên đến 30 người…”- Chủ nhân Phạm Ngọc Ngà nói.
Trò chuyện hồi lâu mới hay, ông Phạm Ngọc Ngà, chủ nhân khu du lịch Mái Lá là một cán bộ đảng viên hưu trí; và là một bệnh binh mất sức 61%. Ông Ngà gốc người Mê Linh, Hà Nội đi kinh tế mới vào Lâm Hà từ hai mươi lăm năm về trước.  Sau đó ông được bầu làm Chủ nhiệm Hợp tác xã Mê Linh, Lâm Hà  ( năm 1985 – 1988) và Chủ tịch UBND xã Mê Linh, Lâm Hà ( từ 1988 – 1992). Đất Mê Linh của Lâm Hà và Tà Nung của Đà Lạt với vườn rừng được tắm mát quanh năm bởi thượng nguồn dòng suối nước Cam Ly. Ý tưởng kinh doanh du lịch trên vùng thượng nguồn Cam Ly của ông Ngà đã có từ khi ông còn làm kinh tế ở Hợp tác xã Mê Linh, Lâm Hà. Nhưng mãi đến nay đã 63 tuổi, ông Ngà mới có cơ hội thực hiện được. Trong năm 2010 và mùa du lịch đầu năm 2011, ông Ngà dự kiến sẽ mở thêm các sản phẩm mới ở khu du lịch Mái Lá như bơi xuồng đi câu cá, thưởng thức cà phê sân vườn, tìm hiểu quy trình hái dâu nuôi tằm kéo kén tại chỗ của người nông dân…Với những sản phẩm du lịch đã và đang kinh doanh ở khu du lịch Mái Lá này, ông Nguyễn Thành Lý, Bí thư xã Tà Nung, Đà Lạt nói rằng địa phương luôn tạo điều kiện để chủ nhân Phạm Ngọc Ngà làm mọi thủ tục đầu tư phát triển theo quy định của pháp luật./.
Tháng 9/2010