Thứ Ba, 6 tháng 8, 2013

Ly hôn từ ngoại tình…

VŨ VĂN 
Tôi đã có lần dự khán một phiên xử ly hôn đôi vợ chồng chấp chới tuổi bốn mươi. Họ trải qua một thời son trẻ tìm hiểu suốt hơn mười tám năm vui buồn. Vậy mà khi ra tòa ly hôn với một lý do đưa ra thật đơn giản : “Chúng tôi cảm thấy không còn gì để sống chung nhau một mái nhà nữa ” (?!) 

Nhiều người đã thốt lên rằng bây giờ tình trạng ly hôn diễn ra quá “nhẹ nhàng”. Trước đây chuyện ngoại tình nghe có vẻ “động trời” thì nay không chỉ “thực hành” ở người chồng mà còn thâm nhập vào người vợ nữa. Không ít người vợ hoặc chồng đi “sánh đôi” với tình nhân một cách công khai; coi như là “mốt” của kẻ chạy theo lối sống thực dụng cho bản ngã riêng mình. Bên cạnh hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng, một trong hai bên còn bất chấp đạo đức, thuần phong mỹ tục lên án đến mức nào. Đáng trách hơn với nhiều cuộc hôn nhân cứ thản nhiên duy trì đời sống “tay ba” một thời gian dài, từ đó tìm cách kích động những mâu thuẫn bùng phát để lấy “cớ” đưa nhau ra tòa. Rất nhiều vụ án xuất phát từ “hỏa hoạn” ngoại tình trong đời sống vợ chồng đã được tòa án ra phán quyết ly hôn khá nhanh chóng. Bởi lẽ theo quy định pháp luật, tình trạng mâu thuẫn trong cuộc sống vợ chồng đã quá trầm trọng, mục đích hôn nhân không đạt được; nếu duy trì chỉ là hnh thức. Số liệu của Tòa án nhân dân thành phố Đà Lạt cho biết số vụ ly hôn do tòa án này giải quyết, xét xử với nguyên nhân ngoại tình hàng năm chiếm tỷ lệ từ  20% trở lên so với số vụ án ly hôn thụ lý. Cụ thể số vụ năm 2001 chỉ có 37 vụ; đến năm 2003 tăng lên 52 vụ và đến cuối năm 2005 tăng lên 85 vụ. Và ước tính con số này tiếp tục tăng hơn vài chục vụ trong cuối năm 2006.
Theo Tòa án nhân dân thành phố Đà Lạt, một nguyên nhân mới phát sinh nữa đã dẫn đến những vụ án ly hôn trong vài năm gần đây là “ngoại tình tư tưởng”. Thống kê 5 năm qua tòa án phải giải quyết đến 910 vụ án trong tình trạng này. Đó là lứa tuổi từ 30 tuổi đến 50 tuổi khi cuộc sống vợ chồng đã ổn đình và phát triển. Đáng lẽ cả hai cùng tận hưởng những quả ngọt của hạnh phúc đã tạo dựng thì mỗi người lại đeo đuổi theo sự vị kỷ của cá nhân. Không còn phải chật vật chung vai lo miếng cơm manh áo thường nhật; phải ngược xuôi chạy vạy tiền nong cho con cái học hành; thay vì cả hai giành hết thời gian chăm sóc cho nhau thì lại tìm cách tạo ra xung đột, rẽ chia. 
Nào là bộc lộ suy nghĩ  “đứng núi này trông núi nọ”; khơi gọi những nỗi buồn trong quá khứ; châm ngòi cho mâu thuẫn bùng phát. Khi cả hai không đủ sức kiềm chế nữa thì những lời lăng nhục, mạt sát với nhau cứ vậy tuôn ra. Mâu thuẫn càng về sau cấp độ càng lên đến đỉnh điểm thì điều ắt phải đến là đỗ vỡ. Chưa hết, tình trạng “ngoại tình tư tưởng” hiện còn đang “gõ cửa” không ít những cặp vợ chồng tuổi từ 50 đến 70, thậm chí có trường hợp cả hai người đã hơn 80 tuổi. Phần lớn khi đứng trước tòa, người chồng hoặc người vợ nại ra lý do muốn có một quyết định có hiệu lực pháp luật để giải phóng cho nhau, nhằm tự do tìm kiếm một môi trường sống mới cho đến hết đời theo sở thích riêng; không ai còn trách nhiệm ràng buộc ai nữa (?!) 
Số liệu 5 năm qua từ Tòa án nhân dân thành phố Đà Lạt đã giải quyết 1.362 vụ án ly hôn; chiếm tỉ lệ 91,28% số vụ án đã thụ lý. Đáng buồn trong đó chỉ có 9% đoàn tụ sau hòa giải và 2% bác đơn ly hôn. Bên cạnh các lý do bội tình bạc nghĩa như đã nêu trên là 310 trường hợp ly hôn vì bế tắc về kinh tế; vì những tác động thiếu tích cực của gia đình hai bên. Nhóm người này nằm trong lứa tuổi từ 18 đến 30. Chỉ cần một phút nóng nảy, không nhường nhịn được nhau, sẽ dâng lên thành cơn “sóng lớn”, nhấn chìm tất cả những điều thiêng liêng nhất mà vợ chồng đã dày công mới có được. Bởi vậy dù hàng trăm lý lẽ, hàng ngàn nguyên cớ nào đi nữa cũng không thể biện minh được những mất mát, những kết cục đau buồn của ly hôn. Thay cho câu kết bài viết này, xin trích lại câu ca dao lục bát xưa để làm thông điệp nhắc nhau bảo vệ cuộc sống hạnh phúc đến mọi gia đình trong mọi hoàn cảnh: “Vợ chồng là nghĩa tào khang. Xuống sông bắt ốc, lên ngàn hái rau.”./.
Tháng 12/2006