Thứ Tư, 14 tháng 8, 2013

Lên thượng nguồn K’Rông Nô

Ghi chép VĂN VIỆT

Sông K’rông Nô, con sông thượng nguồn từ huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng bao năm miệt mài đổ nước về xuôi, hòa vào dòng MeKong rộng lớn miền Tây Nam Tổ Quốc. Những con người bám trụ nơi đây giữa rừng núi thâm u, khắc nghiệt, luôn bền chí cho một màu xanh vĩnh cửu. Có đi lên thượng nguồn với họ mới thấu hiểu hết giá trị của công việc, của những chặng đường, những rừng cây ngút ngát quanh năm…

Nơi “sở chỉ huy” của thượng nguồn sông K’rông Nô ở thành phố Đà Lạt, tọa lạc trên một quả đồi gập ghềnh bên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 7. Với biển, người ta thường chỉ phóng tầm nhìn xa trên mười ki-lô-mét; còn ở đây-nơi “sở chỉ huy” này hình như đã vượt cả giới hạn không gian, bao quát đến trăm ki-lô-mét núi rừng. Người “thủ lĩnh” Nguyễn Lâm Thảo trông đậm màu “rừng rú” còn hào sảng nói với cánh nhà báo: “Đi dọc rừng Sê rê pốk ? Vâng, chuyện thường ngày của chúng tôi mà!”
Đúng hẹn sau một ngày mưa đầu đông, chúng tôi xuyên rừng. Đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Đà Lạt đang trong thời kỳ “lột xác” bết bê bùn đất làm cánh “xe thồ đường nhựa” mấy phen đánh vật mới “tải” chúng tôi đến điểm “tập kết”. Tại đây, những chiếc xe Win “đặc chủng dân rừng” chờ sẵn. Trong mớ hành lý du khảo chứa đủ “thức ăn nhanh”, dầu gió chống ruồi vàng và…tất nhiên không thiếu vật dụng bơm xe, xăm-lốp xe, keo vá xe cùng hộp “đồ nghề kỷ thuật” dự phòng khác. Thế mới biết “phòng” hơn “chống” là phương châm thực hành công vụ  thường trực với người lâm nghiệp!
Rời phố thị trên hai mươi ki-lô-mét đến Suối Vàng là “chạm cửa” những cánh rừng đầu nguồn để băng vào “lộ trình vuợt sóng” đường rừng. Tại đây, “lão lâm” Nguyễn Lâm Thảo khái quát: “Khu du lịch ĐanKia-Suối Vàng này có tổng diện tích tự nhiên là 4913ha giao chúng tôi (Sê rê pốk) cùng Biduop-Núi Bà quản lý. Xa kia-những quả đồi phía trước bên phải đang phủ xanh dày là  của chúng tôi trồng đã 5 năm. Mùa khô đang về rồi…” Nhắc hai chữ “mùa khô” bao giờ cũng đáng lo nhất với “cánh nhà rừng” dẫu chỉ là một mùa trong bốn mùa vận hành theo quy luật của đất trời. Mùa khô-con người, phương tiện phòng, chống “giặc lửa” luôn đặt trong “tình trạng khẩn cấp” 24/24 giờ. Cũng mừng qua nhiều năm người dân sống bên rừng luôn đồng hành “ủng hộ” Sêrêpốk nên rừng đã xanh lại càng xanh hơn. Nếu tính chiều dài Sêrêpốk bằng con đường rừng “huyết mạch” từ Suối Vàng qua Đưng K’Nớ đến sông K’Rông Nô (xã Đầm Ròn, Lạc Dương) thì phải hơn 100km, những “bác tài chiến đấu” muốn “xuyên thủng” phải mất ngót ngét một ngày!
Nhưng đó là chuyện rong ruổi “thuận bườm” trên “rừng lộ”, chứ xe chúng tôi đi từ Đà Lạt đầu giờ buổi sáng mới lên đỉnh Dốc Trời gần trưa bị “banh” thì lại khác. Hết xăm lốp bị băm vằm, thoát hết hơi nằm lì đến cái bình xăng con tuôn chảy nhiên liệu ra ngoài khiến cho cỗ máy cứ gầm gừ, có lúc xe chực đổ nhào xuống vực thẳm. Chẳng sao, “nghề giữ rừng” không phải bây giờ mới “kiêm” “nghề sửa xe”. Dốc Trời khá hiểm trở nhưng bù lại có cánh rừng nguyên sinh lá rộng gần như còn nguyên vẹn. Hệ động-thực vật phong phú, đa dạng với hàng trăm loài, cá thể khác nhau. Chừng mười năm trở lại đây, dẫu chưa thấy voi, cọp nhưng các loài bò rừng, gấu, vượn, nai thì gần như gặp hàng ngày với chủ rừng và người dân quanh vùng. Những nhóm gỗ quý như thông hai lá dẹt, sao, huỳnh, dỗi… đều được bảo vệ bằng những biện pháp nghiêm ngặt nhất, từng bước mở rộng không gian sinh tồn cho thế giới loài động vật hoang dã. Cả rừng Sêrêpốk có khoảng 3.000 hộ với 15.000 nhân khẩu cuộc sống gắn kết máu thịt trên từng tiểu khu. Trong tổng số 36.768ha diện tích đất lâm nghiệp của mình, Sêrêpốk đã giao cho dân quản lý đến 28.464ha. Đây là thu nhập “phần cứng” hàng năm. Bên cạnh đó là thu nhập “phần mềm” từ vườn hộ, trồng rừng hàn năm và các chương trình dự án khác. Đến nay ước tính có 680 lượt hộ dân thu hoạch ổn định gần 135 ha cà phê kinh doanh. Chưa kể đàn bò đã phát triển lên đến hơn 200 con. Không còn cảnh đói rét giáp hạt, người dân sống chung với rừng dần dần cải thiện có của ăn của để; từ đó ý thức giữ rừng ngày một nâng cao hơn.
Quá xế trưa, chúng tôi nghỉ chân bên Trạm Láng Tranh, nơi “trấn thủ” của chàng “thổ địa”  tên Bôn. Đó là một “tiểu hành dinh” chừng “đôi chục”  mét vuông, xây dựng đã lâu lắm nên giờ đang xuống cấp nhiều. Bốn bề bao phủ, che chắn bởi những rặng đồi rừng già thăm thẳm. Bôn hóm hỉnh: “Láng Tranh không có hệ thống nước máy sinh hoạt nhưng vào trong trạm này thì…sẵn đấy!” Chuyện là dạo nọ, một đoàn cán bộ “ở trên” xuống kiểm tra gặp cơn mưa to quá. Đang lúc ngồi làm việc trong trạm này thì nước “phong kín” khắp nơi vì mái lợp bị dột nặng, không còn chỗ để trú nấp. Để quên bớt cái lạnh ướt, một “vị” trong đoàn bật cười: “Giữ rừng mà được trời tắm mát giùm cho thì sướng hơn tiên (?!)” Mà kỳ thực “chàng Bôn” Trạm trưởng này có tâm hồn và…“đầu óc” lãng mạn với rừng ra phết. Đi học tốt nghiệp một trường chuyên nghiệp rồi cưới vợ, sinh con và đưa hết bầu đoàn vào rừng ở hẳn. Đứa con gái lên ba của họ không rõ thích nghi với rừng lúc nào mà trông nó tươi tắn, ríu rít như chim non sơn ca. Xuân, vợ của Bôn thỏ thẻ: “Thời gian đầu vô rừng ở, có cảm giác hoang lạnh làm sao ấy. Nhưng ở riết rồi lại thân, lại quen với rừng lúc nào không hay. Ở đây đồng bào người Chill rất chịu thương, chịu khó thật thà, chất phác, cùng với người kinh đùm bọc, sẻ chia nhau như ruột thịt. Vợ chồng em đã lập được vườn hộ mấy sào cà phê moka nên cuộc sống đã tàm tạm rồi…” Nói là “tàm tạm”, chứ cái vườn cà phê nặng quả, trĩu cành “trình diễn” ra trước mắt chúng tôi mới thấy “nể” sự “lãng mạn hiện thực”, sinh động và hiệu quả của vợ chồng Bôn-Xuân. Thấy thế, nhiều hộ đồng bào người Chill tại chỗ cũng “thi đua” về chăm sóc kỹ hơn vườn hộ của mình. Người này truyền đạt kinh nghiệm người kia, năng suất và chất lượng “cà” ở cả vùng được cải thiện lên từng mùa. Rừng Láng Tranh yên bình, đất vườn hộ trồng trọt và chăn nuôi không phụ công người, khiến cho “chàng Bôn thổ địa” cứ hớn hở lên như “trúng” được vàng!
Chiều dát vàng ươm trên khắp núi rừng, từ Láng Tranh chúng tôi tiếp tục “vượt sóng” bập bềnh “rừng lộ” lên hướng K’rông Nô. Người cầm lái chở tôi lúc này là anh Trung, Trạm trưởng Trạm Đưng K’Nớ. Thật “phát ghen” bởi anh Trung cứ đi một đoạn ngắn lại gặp người quen “níu chân” nói chuyện giữ rừng, làm vườn hộ say sưa không dứt. Đang mùa cà phê thu hoạch nên đi đến bản làng nào dọc Sêrêpốk cũng thấy nhịp sống sôi động hẳn lên. Gặp ông Rơ Ông Ha K’Lai, 47 tuổi ở đầu thôn 1, Đưng K’Nớ bảo, ngày mùa năm nào cũng tất bật, chộn rộn mà rất vui vậy. Chiều nay đã gần 18giờ, K’Lai mới ra khỏi vườn. “Mình làm 1 mẫu cà phê, phải cố làm mới kịp cho nó ra hoa cho mùa tới.” Con cái cũng cùng ra vườn với ông chứ? “Ồ! Chỉ có thêm một thằng con trai cùng tôi làm chính thôi. Năm ngoái nó tốt nghiệp tú tài ở trường nội trú huyện. Thi đại học rớt, chờ sang năm thi lại. Chứ đứa con gái lớn đi học xa rồi. Đại học Y Tây Nguyên đó!” K’ Lai nhớ lại rằng, từ năm 1993 đến nay, gia đình không còn làm lúa rẫy nữa và đồng thời từ đó chấm dứt cái đói vĩnh viễn. Từ năm 1996 tới giờ, được Sêrêpốk giao trông coi 20ha rừng; được cung cấp giống cà phê, phân bón và hướng dẫn kỷ thuật nên không còn sợ đói, chỉ lo làm sao dư dả nhiều hơn, luôn “bằng người, bằng ta” mới được.  Cũng ở thôn 1, Đưng K’Nớ khi đến hộ Hà Đăng còn thấy công việc làm ăn một cách “bài bản” riêng. Có sẵn đất nông nghiệp, Sêrêpốk đầu tư giống và phân bón cộng với số vốn dành riêng bỏ ra, Hà Đăng đầu tư chăm sóc cà phê chiều sâu, năng suất năm nào cũng đạt từ 4 tấn nhân “một héc” trở lên. Trang bị thêm một giàn máy xay cà phê, Hà Đăng thường đi đầu trong bản làng về tiến độ thu hoạch xong cà phê hàng năm…
Chuyện “khoe” sản phẩm ngày mùa giữa những người dân ở buôn sâu với những trạm trưởng của rừng Sêrêpốk lôi cuốn đến nỗi quên mất khi đêm xuống lúc nào không hay. Sau một ngày “xẻ dọc” rừng Sêrêpốk, chúng tôi phải “nằm” lại với rừng già trong đêm, người mệt nhoài đi. Ay vậy mà “lão lâm” Nguyễn Lâm Thảo trông hãy “phơi phới” như lúc sáng đang ở phố. 
Đêm buôn sâu, ánh điện từ thủy điện nhỏ hãy còn thưa thớt lắm. Nhìn qua màn đêm, Nguyễn Lâm Thảo nói: “Cả vùng rừng thượng nguồn của chúng tôi có 6 trạm với 25 người. Nơi lội rừng đi tuần tra xa nhất mất đến 3 giờ đồng hồ, nhưng nghề nghiệp đã quen rồi thì phải! Trừ  trạm trưởng Bôn có vợ con trong này là “an cư” nhất; hầu hết những trạm trưởng và những nhân viên khác có khi suốt nửa tháng mới bước ra khỏi rừng về nhà một lần…” Ông Thảo nói, chợt hình dung về con đường nhựa chạy suốt rừng Sêrêpốk theo “tour” du lịch liên hoàn Suối Vàng, Dankia-suối nước nóng Đạ Long-hồ Lak (Dak Lak) sẽ hình thành. Vâng, đó là chuyện lạc quan ở tương lai. Trước mắt bây giờ là chặng đường cheo leo đồi dốc, chênh vênh hố sâu vực thẳm đang đặt vào “tay lái thiện nghệ” của rừng Sêrêpốk sắp chở chúng tôi về lại Đà Lạt an toàn...
Lạc Dương-Đà Lạt cuối tháng 10/2003.