Thứ Năm, 8 tháng 8, 2013

Lấp lánh rừng thiêng

Ký của VŨ VĂN

Cuối cùng tôi cũng đặt chân tới buôn B’Sa Nia thuộc thôn 3 xã Lộc Bảo ( Bảo Lâm), nơi có tấm bia tưởng niệm tạc sừng sững giữa đại ngàn, do  Bưu Điện Lâm Đồng xây dựng vào tháng 3 năm 1998. Tại đây vào ngày 30 tháng 10 năm 1960, giao liên hai miền Nam-Bắc đã có cuộc hội ngộ lịch sử khi nối thông hành lang chiến lược thông tin, từ đó tiến đến thành lập Tỉnh ủy Lâm Đồng vào tháng 12 năm 1961, đồng thời phát triển một vùng chiến khu rộng lớn cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng…

Theo chân chàng bưu tá nhanh nhẹn tên Tuấn của Bưu điện huyện Bảo Lâm, chúng tôi vượt 60 km đường xe ôm từ thị trấn Lộc Thắng đến nơi mất hơn 2  giờ đồng hồ. Đường mùa khô đất đỏ bụi đặc quánh. Tên những con suối, ngọn đèo gắn liền với những chứng tích lịch sử dần dần hiện ra, thu vào tầm mắt điệp trùng cảnh núi rừng hùng vĩ, thiêng liêng. Trên chiếc xe cub đời cũ hai người cùng đi, “bác tài”hơn 40 tuổi có vẻ là người thông thạo vùng đất này. Vào những chặng rừng sâu, vượt ghềnh, lội suối, “bác tài”kể say sưa những địa danh, những con người từng vào sinh ra tử ở đây. Chốc chốc “chàng” xe ôm này lại pha trò hóm hỉnh : “Anh cứ yên tâm ngồi chắc trên xe, nghe tôi kể chuyện về Lộc Bắc, Lộc Bảo thì chỉ có nhất !”. Quả thực đường xa như rút ngắn lại tự lúc nào không biết. Xen đến chuyện riêng, “bác tài”lắng giọng : Hồi ấy chiến tranh vừa dứt còn khổ sở trăm bề. Không đủ gạo ăn, dân làng từ Lộc Thắng vào đây lập nương trồng lúa. Đường đi bộ vượt đèo, leo dốc thăm thẳm, kiếm được hạt gạo dẻo thơm mỗi ngày mặn chát những giọt mồ hôi. Nghĩ lại ngày xưa mà quý trọng cái hôm nay. Bây giờ mùa khô, Bảo Lộc, Lộc Thắng, Lộc Bắc, Lộc Bảo ngày ngày có chuyến xe chở khách, chở hàng hóa ra vào. 
Đường sá được nâng cấp mỗi ngày, điện thoại đến nơi, thông tin liên lạc thông suốt. Thế mới hiểu cái giá vô cùng của máu xương và nước mắt để giành lấy cuộc sống no đủ, yên bình. Thời chống Mỹ cứu nước, nơi đây là vùng căn cứ chiến lược kiên trung của Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ. Trong tâm thức những người hôm nay, từ một công dân bình thường như anh xe ôm cũng như nhiều công dân là đồng bào các dân tộc mà tôi được dịp tiếp xúc, họ có điểm chung là hiểu biết và tự hào rất nhiều về  mảnh đất mình sinh sống. Già làng KaRoong, dân tộc Mạ còn nhớ như in: “Không phải riêng tôi mà khắp các buôn làng Lộc Bắc, Lộc Bảo là dân của cách mạng. Đồng bào sống cùng cán bộ, khổ, sướng chung  lưng với nhau, thật bụng lắm!”
Quả vậy, rừng Lộc Bắc, Lộc Bảo là nơi tiếp giáp đặc biệt quan trọng giữa Nam Tây Nguyên với miền Đông Nam Bộ. Chiếc nôi cách mạng nơi đây có từ chống Pháp và lớn mạnh không ngừng trong thời kỳ chống Mỹ. Sau Hiệp Định Giơ-ne-vơ, Ban Cán sự liên tỉnh 3 : Đà Lạt-Sài Gòn-Phan Thiết trực tiếp chọn những Đảng viên cán bộ trung kiên trong lực lượng đặc công, trinh sát trở về căn cứ cũ Lâm Đồng xây dựng cơ sở, mở đường hành lang. Tháng 9 năm 1954, huyện ủy Di Linh được củng cố do đồng chí Nguyễn Xuân Du làm Bí thư , tiếp tục giữ vững tuyến giao liên thông suốt với liên tỉnh 3. Đầu năm 1955, Ban Cán sự Đảng liên huyện Bảo Lộc-Di Linh được thành lập, nhưng hoạt động đến tháng 12 năm 1955, bị địch phát hiện truy bắt nhiều đồng chí, đành phải chuyển vùng hoạt động. Mãi đến năm 1959, Bộ Quốc phòng, Ban thống nhất trung ương mới tập hợp 25 cán bộ, đảng viên miền nam tập kết ở các sư đoàn Nam bộ và liên khu 5 ngược lại về cực Nam Tây Nguyên thực hiện nhiệm vụ mở hành lang Nam Bắc. Đoàn có 25 đồng chí và phiên hiệu B90 ra đời từ đây.
Thế là ròng rã gần 5 tháng trời từ sân bay Gia Lâm tiến về Nam, băng qua thượng nguồn sông Bến Hải rồi vượt Trường Sơn mới đến căn cứ Đắc Mil thuộc Nam Đắc Lắc, hợp thành 3 đội, 1 mũi công tác và 1 bộ phận xây dựng cơ quan an toàn khu. Đội công tác lấy buôn Gia Rá làm bàn đạp mở rộng phong trào tiến về Bắc chiến khu Đ, Đông Nam bộ và bắt liên lạc với xứ ủy Nam Bộ. Ngày 06/6/1960 xứ ủy Nam Bộ tổ chức hai đội vũ trang tuyên truyền từ miền Đông Nam Bộ ra. Một đội bắt liên lạc với B90. Một đội gồm 18 người, được đồng chí Tám Cao ( Mai Chí Thọ) và đồng chí Tám Kiến Quốc ( Nguyễn Hữu Xuyến) trực tiếp giao nhiệm vụ. Đội lấy phiên hiệu C200, trang bị 1 đài vô tuyến điện báo 2w, từ suối Nhung, nhánh của con sông Mã Đà (Biên Hòa) vượt lên vùng Nam Tây Nguyên. Sau 4 tháng tự cắt rừng đi, vừa đi vừa tổ chức đánh địch, ngày 30 tháng 10 năm 1960, B90 đang đóng ở buôn B’Sa Nia gặp C200 tại vàm Đắc R’Tih. Giao liên hai miền sát cánh, hành lang được nối thông. Nghe tin, Trung ương Đảng, Quân ủy trung ương và trực tiếp Bí thư liên tỉnh ủy 4, Bí thư khu ủy 5 hết lời khen ngợi vì đã thực hiện thắng lợi chỉ thị của Trung ương và lời dặn của đồng chí Lê Duẩn “…Muốn đánh Mỹ phải mở cho được hành lang thống nhất xuyên qua Nam Tây Nguyên, đặc biệt là đoạn từ Nam Đak Lak qua Lâm Đồng nối thông vào miền Đông Nam Bộ. Trong kháng chiến chống Pháp ta chưa làm được điều này, nay phải làm cho được. Có được hành lang này ta mới có điều kiện đánh Mỹ…”
Thông tuyến giao liên từ Bắc vào Nam qua buôn B’Sa Nia, ngày 25 tháng 3 năm 1961 lần đầu tiên đưa đoàn 30 cán bộ cấp cao của Đảng, Quân đội và nhiều kiện hàng chiến lược từ miền Bắc, từ khu 5 vào miền Nam an toàn. Sau đó không lâu, giao liên Lâm Đồng-Tuyên Đức được vinh dự tổ chức đón, đưa đoàn cán bộ của trung ương vào Biên Hòa dự hội nghị Trung ương cục miền Nam lần thứ nhất vào ngày 15 tháng 10 năm 1961. Đáng nhớ hơn, vào tháng 11 năm 1961, giao liên tỉnh Lâm Đồng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ tuyệt đối an toàn luật sư Nguyễn Hữu Thọ vào Trung ương cục miền Nam làm Chủ tịch Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.
Từ buôn B’Sa Nia, lịch sử chống Mỹ của Tuyên Đức-Lâm Đồng bắt đầu sang trang. Tháng 8 năm 1961, Trung ương cục miền Nam quyết định thành lập Ban cán sự Đảng tỉnh Lâm Đồng do đồng chí Trần Quang Sang làm Bí thư, đồng chí Nguyễn Xuân Du và Lê Đạo làm ủy viên Ban. Đến tháng 12 năm 1961, Tỉnh ủy Lâm Đồng chính thức thành lập do đồng chí Phạm Thuần làm Bí thư. Và mùa xuân năm 1975, nhận được chỉ thị cấp trên qua hành lang thông tin B’Sa Nia, lực lượng giao liên thông tin Lâm Đồng-Tuyên Đức tổng huy động nhân dân góp sức người, sức của mở 30 km đường cấp phối để kéo pháo tiến công vào thị xã B’Lao. Đồng thời theo hướng đồng chí Năm Lực, Bí thư tỉnh ủy và đồng chí Nguyễn Xuân Du, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chính trị viên tỉnh đội, 2 đài thông  tin  vô tuyến  đã giữ vững liên  lạc với Sư  đoàn 7 ( Quân đoàn 4), với chỉ huy mặt trận, các huyện và lực lượng vũ trang của của tỉnh, của khu, phối hợp tiến công giải phóng Lâm Đồng vào ngày 28 tháng 3 năm 1975, giải phóng tỉnh Tuyên Đức-Đà Lạt vào ngày 03 tháng 4 năm 1975… 
Vâng, đã 26 năm hòa bình, đến buôn B’Sa Nia, sâu thẳm giữa đại ngàn xanh ngát mới cảm nhận hết sự gian nan chịu đựng của đường ra trận năm xưa. Có lẽ vì thế, nơi rừng thiêng đã tôi rèn, hun đúc những tấm gương biết xả thân mình cho đại nghĩa. Những Đặng Văn Lăng, Võ Văn Chiến, giao liên Trạm B’Sa Đậm Ré hy sinh thân mình để đánh lạc hướng kẻ thù cho Đoàn cán bộ Trung ương cục miền Nam đến căn cứ an toàn. Những Lê Văn Thanh, giao liên T29 Bảo Lộc vượt đường 20 về khu 6 bị địch bắt tra khảo mọi cực hình dã man nhất, cho trước giờ bị đưa ra hành quyết theo thời Trung cổ vẫn không hé răng một lời khai. Và một Lê Quang, điện báo viên quyết chống chọi với lũ rừng khắc nghiệt để rồi ngã xuống cho một đường dây liên lạc thông suốt…
Tất cả vẫn sống mãi nơi đây hình ảnh 200 cán bộ, chiến sĩ giao liên hy sinh quả cảm, các anh đã hóa thân mình vào hồn thiêng của núi rừng con Lạc-cháu Hồng.  Tất cả còn đây nguyên vẹn những dấu chân giao liên xuyên rừng hàng triệu triệu km, đánh địch hàng trăm trận lớn nhỏ, diệt 400 tên, bảo vệ từng đoàn cán bộ bí mật xuôi Nam ngược Bắc, che chắn những đoàn vận tải trùng trùng ngày đêm vận chuyển vũ khí, lương thực, thuốc men vào chiến trường miền Nam đánh Mỹ.
…Ngoài kia con sông Đồng Nai miên man chảy, tôi đứng đây, bên tấm bia tưởng niệm lấp lánh hào quang giữa mênh mông rừng già, cơ hồ như nghe ấm áp tiếng tự ngàn xưa vọng về…
Đà Lạt tháng 3 năm 2001