Chủ Nhật, 18 tháng 8, 2013

Lãnh đạo xã làm hòa giải viên

VŨ VĂN 

Từ hòa giải viên xuất sắc, được tín nhiệm bầu giữ chức danh Phó chủ tịch xã Lát ( Lạc Dương), ông Đoàn Văn Tý đã “cộng hưởng” cả hai vai trò nhiệt thành của mình cho công tác hòa giải, hộ tịch địa phương. 

Liên tục những năm gần đây, người lãnh đạo UBND xã Lát, Lạc Dương-ông Đoàn Văn Tý luôn tận tâm, tận lực giải quyết hàng chục trường hợp “va chạm” nảy sinh trong cộng đồng thông qua hòa giải. Tính tỉ lệ hòa giải thành, riêng “phần” ông Tý chiếm từ 85% trở lên. Đọng lại sau những bằng khen, phần thưởng cấp huyện, cấp tỉnh là những kinh nghiệm đáng quý từ thực tiễn. Trước hết về mô hình hòa giải ở xã Lát đã kiện toàn đủ mạnh 8 tổ hòa giải ở thôn và 01 ban hòa giải ở xã. Trưởng thôn hoặc Trưởng ban mặt trận thôn làm tổ trưởng. Trưởng ban hòa giải xã là Phó Chủ tịch xã Đoàn Văn Tý. Dẫu vậy, khi thực hành hòa giải về khu dân cư, ông Tý còn là hòa giải viên gần gũi và rất thân thiện, hòa đồng với người dân nữa. Ông thường nhắc lại nhiều lần với những “đồng nghiệp” hòa giải viên trên địa bàn: “Làm hòa giải có kết quả không chỉ là góp phần giữ vững sự đoàn kết trong buôn làng, mà qua đó tạo dựng thêm lòng tin của nhân dân với Đảng, với chính quyền.” Hầu như phần lớn những vụ việc cần đến hòa giải, chỉ lên đến cấp xã là cấp cuối cùng. Không có trường hợp nào vì một xích mích, mâu thuẫn không đáng kể với nhau lại phải “vượt cấp” lên huyện, lên tỉnh giải quyết cả. Phương pháp của mô hình giải quyết hòa giải ở xã Lát  là sự phối hợp, phân công trách nhiệm một cách nhịp nhàng của hai cấp xã và thôn. Tiêu chí thực hành hòa giải phải tập trung các phương châm giải thích, phân tích và kiên trì thuyết phục. Các bước triển khai của hòa giải viên Đoàn Văn Tý gồm: thụ lý đơn, xác minh thực tế trong cộng đồng dân cư, tìm hiểu sự bức xúc cả đôi bên, và đề xuất phương án giải quyết. Theo ông Tý, cách hòa giải như vậy dễ thành công, hàn gắn nhanh những bất hòa, bởi đã tranh thủ được ý kiến của tập thể hòa giải viên, lãnh đạo địa phương và đầy đủ thông tin về nỗi niềm của đương sự đôi bên. 
Đặc thù của xã Lát huyện Lạc Dương tập trung hơn 92% là đồng dân tộc thiểu số bản địa. Địa bàn trải rộng. Buôn làng cách xa trung tâm nhất phải 30 cây số đường rừng. Hòa giải viên Đoàn Văn Tý  phải bố trí, sắp xếp, tận dụng những quỹ thời gian hợp lý để “ba cùng” ở lại thôn, buôn hoàn tất thủ tục hộ tịch cho dân. Ông Tý kể rằng, có thời điểm tình trạng hôn nhân thực tế, trẻ em không có khai sinh qua khảo sát tồn đọng rất lớn, phải giải quyết trong một thời gian ngắn, tần suất làm cả ngày lẫn đêm mới “vơi” dần. Nhưng không được nóng vội mà cần cân nhắc tháo gỡ, thiết lập tuần tự các loại giấy tờ hộ tịch từ từng hộ gia đình đến từng cụm dân cư và mở rộng đồng bộ trên toàn xã. Cứ thế từ thống kê, rà soát, phân loại các loại biểu mẫu đăng ký…hòa giải viên Đoàn Văn Tý và những “đồng sự” của mình đã đảm đương khá hữu hiệu công việc hết sức mới mẻ này.
Đúc kết sau nhiều năm liên tục đứng trên bục nhận khen thưởng của ngành tư pháp Lâm Đồng, hòa giải viên Đoàn Văn Tý đã tự mình khắt khe một chế độ làm việc của chính mình. Đầu tiên tập trung so sánh, đối chiếu pháp luật quy định với những thủ tục rất cần thiết. Sau đó tiến hành trao văn bản hộ tịch cho người dân và ghi chép những chứng từ trở lại trên sổ lưu một cách đầy đủ. Hòa giải viên Đoàn Văn Tý  nói: “Lưu trữ đầy đủ sổ sách chứng từ, khi đăng ký lại cho người dân không phải mất thời gian nhiều, phiền hà cho người dân. ”
Công việc của hòa giải viên Đoàn Văn Tý quay lại đã mười năm. Và bây giờ đang giữ chức lãnh đạo xã, ông vẫn thể hiện là một hòa giải viên hết lòng với làng buôn. Chưa để xảy ra một “sai sót kỷ thuật” nào dù nhỏ nhất. Những dòng thống kê hộ tịch tư pháp của ông hàng tháng, hàng quý, hàng năm đã bổ sung vào cơ sở để xây dựng kế họach phát triển kinh tế-xã hội-an ninh quốc phòng ở địa phương./. 
                                     
Tháng 02/2006