Thứ Bảy, 10 tháng 8, 2013

Gỗ, đá ra phố

VĂN VIỆT
Hàng trăm năm, hàng triệu năm chôn vùi dưới lòng suối sâu, trên non cao ngút ngát, những “bộ xương gỗ”, những “vật thể đá” được “khai quật” lên đưa về phố thị đồng hành cùng với muôn loài hoa dại khác, đã tự khắc “đổi đời”. Trò chuyện với những người đi “khai quật” các “vật thể lạ” ở huyện Di Linh mới biết phần nào sự dấn thân say sưa của họ.

Tôi là người “ngoại đạo” về nghệ thuật tạo hình, nhưng tại Hội chợ hoa Festival Đà Lạt đã bị chinh phục ngay khi bước vào trong vườn trưng bày gỗ, đá của hội Sinh vật cảnh huyện Di Linh. Gần 200 tác phẩm gỗ lũa, đá cảnh với những hình thù được cách điệu, nhân cách hóa về thân phận của con người giữa chốn trầm luân nhân thế; thu nhỏ thành những thắng cảnh thiên nhiên bắt gặp đâu đó ở trong và ngoài nước; về một phần thế giới của các loài vật trên hành tinh từ thời tiền sử đến giờ…Ông Lê Văn Tòng, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Di Linh cắt nghĩa tên gỗ lũa tức là phần gỗ lõi của cây. Đó là dạng cây có tuổi tương đối già nhưng nhiều nguyên nhân bởi vòng đời sinh học; thiên tai, dịch bệnh…đã chết từ xa xưa. Rồi quá trình vận động địa chấn, toàn bộ lớp “da thịt” bên ngoài của cây dần dần vỡ ra thành lớp đất cát bao phủ “ bộ xương” cây nằm khô cứng bên trong. Người đi săn sinh vật cảnh phát hiện đưa “bộ xương” này về, “chỉnh trang” lại một vài chi tiết sẽ thành  tác phẩm gỗ lũa. Theo trí tưởng tượng của từng nghệ nhân, mỗi tác phẩm từ đó sẽ được khai sinh bằng những cái tên “vào đời”. Đá cảnh cũng thuộc trong hoàn cảnh tương tự. Nó nằm trơ ra đâu đấy giữa lối mòn trên rừng, ven sông suối, đâu có ai lưu tâm đến-ngoại trừ quá ít những người chơi sinh vật cảnh. Nhưng cũng có rất nhiều loại đá cảnh có giá trị “đột biến” như đá đen, đá trắng, đá nâu, xanh; đá do gỗ hóa thạch…do nằm lấp vùi dưới đáy sông suối, trong lòng đất nên may mắn lắm mới tìm thấy, đưa về phố để “đổi đời”.
Bằng trực quan của mình, tôi dễ nhận ra trong vườn cảnh của Hội Sinh vật cảnh huyện Di Linh với tác phẩm “Đất Việt” bằng gỗ lũa. Thiên nhiên thật tuyệt tác, nuôi sống nên một thân cây vạm vỡ vươn thẳng, bao bọc phần lõi bên trong có hình dáng, điểm nét tựa như tấm bản đồ Việt Nam hnh chữ S. “Tác phẩm bằng gỗ cẩm lai nên độ bền của nó xem như vĩnh cửu”- Ông Chủ tịch hội nói.  Cũng gian trưng bày gỗ lũa ở đây, người xem không ngớt chép miệng trầm trồ trước tác phẩm “Động vật thời tiền sử”. Đó là một “bộ xương gỗ” to lớn của con khủng long đã tìm thấy trên sách báo, trong các đoạn phim khoa học dã tưởng. Độc đáo nữa là chiếc gùi trĩu nặng đôi vai của người sơn nữ. Một phần gốc và than cây dâu cổ hàng ngàn năm bị lấp dưới lòng đất, một nghệ nhân của Hội sinh vật cảnh Di Linh đã “gặp” được trong một rẫy cà phê của người đồng bào dân tộc thiểu số…Tác phẩm đá trưng bày ở đây cũng không hề “thua chị kém em” với người gỗ lũa đồng hành. “Thiền”, “Từ bi”, “Tĩnh lặng”, “Hai trong một”, “Dấu thời gian”, “Kình ngư” …là những tác phẩm đá cảnh níu giữ bước chân đông đảo nhất khách tham quan dừng lại để…trò chuyện !
Nói về lượng khách tham quan, ông Chủ tịch Hội sinh vật cảnh huyện Di Linh cho biết có ngày phải đến cả ngàn người vào ra. Khách ta là phần nhiều nhưng khách tây không phải là ít. Phần đông họ tự ra giá đề nghị hội bán. Cụ thể một bộ bàn ghế gỗ lũa từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng, tác phẫm đá cảnh mang tên “ngày và đêm”, “tĩnh lặng”, “thiền”…với giá 7, 8 triệu đồng. Đặc biệt tác phẩm gỗ lũa “Động vật thời tiền sử” ( hình con khủng long) rất đông người cứ ra vào tự “đấu giá”  hết 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng rồi 25 triệu đồng…
Hội Sinh vật cảnh Di Linh lập sổ  tay “ghi nhớ’ tất cả những lời khách hỏi mua, nhưng trước mắt chưa có quyết định nào mang tính hng hóa thị trường trong thời gian tham gia triển lãm tại Festival hoa này. Mục đích chính của hội trưng bày tác phẩm tại Festival hoa là giao lưu, học hỏi để tìm cơ hội bổ sung, nâng cao chất lượng tác phẩm của mình. 
Dẫu sao tuổi đời của hội còn quá trẻ-chỉ mới 3 năm thành lập, mới cố gắng phát triển lên được 60 hội viên. Họ là những nông dân vừa làm vườn, chờ đến thời gian nông nhà mới đi sưu tầm gỗ lũa, đá cảnh, hoa lan dại, cốt cho sự đam mê của mình. Năm ngoái-lần đầu tiên ra mắt tại Hội chợ xuân TPHCM 11 tác phẩm gỗ lũa và đá cảnh. Kết quả hội đã mang về 01 Huy chương bạc và 04 Huy chương đồng.
Hội hoa xuân Bính Tuất tại Đà Lạt năm nay, Hội Sinh vật cảnh huyện Di Linh sẽ trưng bày thêm 20 chậu hoa lan rừng đẹp nhất, được hội viên sưu tập trong những cánh rừng hoang dã nơi mình sinh sống. Đó là các nng hoa: Giã hạt, ý thảo, thủy tiên, long tu, kim điệp, nhất điểm hòng…Vậy là không chỉ gỗ, đá mà còn có loài lan dại ở Di Linh đã, đang “đổi đời”, giúp người nông dân đa phương có thể làm giàu chóng vánh trong niềm yêu thích thiên nhiên, sinh vật cảnh của mình./.
Tháng 12/2005.