Thứ Bảy, 31 tháng 8, 2013

Để chồng yên tâm công tác ở Trường Sa

VĂN VIỆT
Để người chồng yên tâm công tác tốt ở biển đảo Trường Sa, người vợ trẻ Lê Thị Minh ở khu Đồi Thông tin Đà Lạt, luôn biết cách vượt qua mọi khó khăn, vừa làm tốt vai trò người mẹ và vừa “kiêm thêm” vai trò người ba để nuôi dạy chu đáo đứa con gái đang tuổi lên ba, đang biết ăn ngủ, biết học hành chăm ngoan…

Tôi phải đi theo nhiều “tuyến liên lạc” mới gặp được người vợ trẻ của bộ đội Trường Sa, Lê Thị Minh ở phố hoa Đà Lạt. Lên khu Đồi Thông tin ở phường 8, Đà Lạt lần hỏi nhiều người mới hay có một phụ nữ Lê Thị Minh, 31 tuổi, có một đứa con gái lên ba, đang ở một căn nhà xây nhỏ trên đường đất hẻm, tựa lưng vào vách đường dốc núi, phía trước khoảng sân nhìn xuống một cánh đồng rau rộng lớn. Minh mới về đây xây nhà ở chỉ độ bốn năm, lại đi làm từ sáng sớm đến chiều chạng vạng mới về nhà. Khi biết Minh đang làm nhân viên phục vụ phòng ở Khách sạn Palace, Đà Lạt, tôi liên lạc đến thì cán bộ quản lý nhân sự nói rằng, Minh không thể tiếp xúc với người khác qua điện thoại khi đang trong giờ làm việc. Cuối cùng tôi tự đến ngôi nhà nhỏ của Minh khi đêm vừa xuống để chờ và được gặp mặt …
Minh là một người phụ nữ nhỏ nhắn, hay cười, nên ít thể hiện bề ngoài những lo toan thường ngày. Minh tâm sự: Về hơn 5 năm trước, trong một cuộc nói chuyện điện thoại với người quen là sĩ quan quân đội ở đất liền Vùng 4, Hải quân, Minh bỗng được chuyển vào số máy “gọi nhầm” của sĩ quan Lê Quốc Đạt ở đảo Đá Lớn, thuộc quần đảo Trường Sa. Cái duyên sao đó mà lần đầu nghe tiếng nói của Đạt hòa trong tiếng của sóng và gió biển từ Trường Sa lên cao nguyên Đà Lạt, Minh đã cảm thấy mình với một tình cảm vừa là lạ lại vừa thân quen. Rồi những lần kết nối sau đó, Minh đã thực sự rung động, nhận lời cùng xây dựng hôn nhân với Đạt - dù lúc ấy Đạt chỉ là một mẫu người chồng theo hình dung của riêng Minh, chứ chưa gặp mặt nhau lần nào. 
Đến giữa năm 2009, người sĩ quan hải quân Trường Sa, Lê Quốc Đạt được đơn vị cho nghỉ phép lên cao nguyên Đà Lạt để cưới vợ là nữ nhân viên Khách sạn Palace Đà Lạt, Lê Thị Minh. Hạnh phúc nhân lên khi Đạt - Minh sinh ra được một đứa con gái, rồi được người họ hàng cho mượn vài chục mét vuông đất tại khu Đồi Thông tin. Đà Lạt để xây nhà ở riêng. Khi con gái bụ bẫm được hơn bốn tháng tuổi thì Đạt phải trở ra Trường Sa đúng hạn trả phép. Không ngờ mấy ngày sau đó, con gái của Đạt - Minh bỗng phát hiện một căn bệnh đường ruột, tiêu hóa rất thất thường. Để gánh với nỗi lo của chồng, Minh lẳng lặng đưa con đi về một bệnh viện nhi đồng ở thành phố Hồ Chí Minh thăm khám. Kết quả thật buồn, bé gái bị bệnh “rò trực tràng” bẩm sinh, phải chăm sóc chế độ đặc biệt mới đủ sức khỏe để tiến hành phẫu thuật. Suốt hơn nửa tháng ròng rã, Minh chạy vạy mượn cho đủ tiền viện phí mà vẫn động viên chồng qua điện thoại hãy yên tâm vì vợ đã sắp xếp đủ thời gian luôn ở bên con trên giường bệnh.
Con gái đến 9 tháng tuổi rưỡi là đến hẹn phải đưa trở lại một bệnh viện nhi đồng ở thành phố Hồ Chí Minh để chính thức phẫu thuật. Vẫn câu động viên quen thuộc qua điện thoại ra Trường Sa rằng “anh hãy yên tâm”, Minh bồng con làm thủ tục nhập viện đến hơn một tháng sau mới về vì phải điều trị phần vết thương hậu phẫu. Lần nhập viện thứ ba, Đạt được về phép cùng vợ để đưa con gái ra một bệnh viện Hà Nội tiếp tục phẫu thuật bệnh “rò trực tràng” một lần nữa, Minh vừa mừng lại vừa lo cho đồng đội ở Trường Sa phải “kiêm thêm” nhiệm vụ của chồng…
“Đến nay con gái của vợ chồng em đã hơn 3 tuổi, bệnh bẩm sinh “rò trực tràng” đã phẫu thuật có kết quả hơn 50%. Cũng còn đang nợ nhiều nơi nên vợ chồng em chưa thể có thêm khoản tiền mới để đưa con đi phẫu thuật 50% phần bệnh còn lại…  ” – Minh kể thật. Hiện đứa con gái của Đạt – Minh gửi ở một trường mẫu giáo phường 8, Đà Lạt vào đầu giờ buổi sáng và đón về nhà vào cuối giờ buổi chiều hàng ngày. Những ngày thứ bảy, chủ nhật, Minh đi làm thêm ở Khách sạn Palace, Đà Lạt, đứa con gái được gửi cho người em trai ở căn nhà chung tường kế bên chăm sóc. Người sĩ quan hải quân Lê Quốc Đạt giờ đang chuyển sang công tác ở Đảo Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa, hàng ngày vẫn điện thoại về nói chuyện với vợ và với con, và cuối một cuộc trò chuyện như vậy, Đạt luôn nhận được lời động viên thật mộc mạc, thương yêu từ vợ và con : “Anh ( hoặc ba) hãy yên tâm công tác tốt ở Trường Sa nhé…”./.
Tháng 7/2012