Thứ Tư, 7 tháng 8, 2013

Du lịch miệt vườn Đạ Huoai

VĂN VIỆT
Huyện Đạ Huoai, Lâm Đồng đã chọn du lịch-dịch vụ làm mục tiêu ưu tiên đột phá, tăng tốc kinh tế trong năm năm tới. Vùng đất miệt vườn ngập đầy nắng gió đang thu hút sự quan tâm các nhà đầu tư trong nước, quốc tế bởi loại hình du lịch sinh thái đầy tiềm năng này.

Từ vườn cây trái sum suê …
Đạ Huoai nằm trong khu vực kinh tế du lịch năng động miền Đông đất đỏ; và là cửa ngõ dừng chân đi từ đất phương nam lên cao nguyên B’lao, lên thiên đường xanh cao nguyên Lâm Viên. Thế đất vườn đồi trùng điệp, rừng cây trái quanh năm trĩu quả, chạy dài xanh hun hút trên đường quốc lộ 20 trước khi vượt đèo Bảo Lộc. Dòng sông lớn cùng tên huyện Đạ Huoai chảy qua từng tên đất, tên làng nơi đây để xuôi hướng đông nam về biển. Từ phương Nam lên Đà Lạt và từ Đà Lạt trở về lại phương Nam, lữ khách không quên dừng lại những bước chân để thưởng thức tại chỗ trái cây Đạ Huoai tươi xanh hoặc mua làm quà đầy ý nghiã thiết thực cho những chuyến đi. Trên 1.450 ha sầu riêng hàng năm cho quả cơm vàng hạt lép, sầu riêng Mon Thoong Thái Lan, sầu riêng Chín Hóa, sầu riêng khổ qua xanh…tha hồ lữ khách lựa chọn theo sở thích riêng mình. Rồi đi dọc những khu vườn giống chôm chôm Thái Lan nối dài bên sườn đồi, nép mình bên thung lũng với gần 500ha chất lượng cao, dư vị ngọt thanh đọng lại trên đầu lưỡi. Chen lẫn là các loại mít giống mới. Nào mít Tố Tây, mít Mã Lai, mít Tố Nữ…trải rộng gần 420 ha. Rồi những “công dân trái cây” măng cụt, bưởi, cam, quýt…mới “di thực” về Đạ Huoai, đã sớm thích nghi với đất và người, cho những mùa sai quả ngọt lịm. 
Miệt vườn Đạ Huoai từ lâu nổi tiếng những cánh rừng điều thoai thoải, tỏa bóng xanh giữa cái nắng miền nhiệt đới. Cây điều gắn bó với vùng đất từ hai mươi năm trước, khi cư dân các vùng miền trong nước lên đây xây dựng kinh tế mới. Bởi những giá trị tinh thần đó nên người dân luôn nỗ lực thay thế, duy trì cây điều trong vườn nhà mình. Và hơn nữa với kinh nghiệm truyền thống, ngày càng được người dân cho ra đời những giống điều mới, khả năng đơm hoa kết trái nhanh, đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Du lịch đến vườn điều, bên cánh võng đong đưa thư giãn, lữ khách còn dịp khám phá về kỷ thuật trồng, ghép điều cho lợi nhuận cao của người dân nơi đây. Lữ khách có thể đến thăm những vườn điều đạt năng suất cao như hộ ông Lâm Tuấn ở thị trấn ĐạM’ri, đạt 2,5 tấn/ha; hộ Võ Đình Minh và hộ Phạm Ngọc Hùng ở thị trấn Madaguoi đạt từ 1,5 tấn-1,8 tấn/ha. Hoặc thăm những vườn điều ghép giống mới thu hoạch năm thứ nhất và năm thứ hai, thu hoạch từ 1,6 tấn đến 3 tấn/ha như hộ Phạm Ngọc Hiền ở xã Đạ Oai, hộ Đinh Xuân Hùng ở thị trấn Madaguoi…Những hộ dân này, tính trên đơn vị 01 ha trồng riêng cây điều đã được thu nhập từ 35 triệu-45 triệu đồng hàng năm.    
Đến vườn rừng nguyên sinh
Bao bọc bốn bề vườn nối tiếp vườn cây trái Đạ Huoai là trùng điệp những cánh rừng nguyên sinh. Tiềm tàng trong kho vàng xanh này là những quần thể khu vườn rừng mà “kiến trúc sư thiên nhiên” đã thiết kế hài hòa giữa rừng cây, thác nước, những bãi đá lẩn khuất cùng tuế nguyệt. Hãy một lần lạc vào rừng Suối Vàng thuộc khu phố I, thị trấn Madaguoi, lữ khách sẽ tránh sao khỏi ngẩn ngơ. Cả trăm ha rừng hoang sơ, nằm im lìm giưã thung sâu là hợp lưu của các con suối đổ nghiêng bên vách đá. Nơi cửa rừng là khu vực vườn cây ăn trái của người dân. Ngày hay đêm bất chợt một tiếng chim vỗ cánh đã khiến hồn ngời xao động với rừng già. Một doanh nghiệp ở Sài Gòn lên khảo sát nơi đây đã không kìm được thích thú “Thật là lý tưởng cho những người già và những người làm việc trong môi trường quá căng thẳng lên đây tĩnh dưỡng !”  Không bỏ lỡ cơ hội, doanh nghiệp này đang trong quy trình hoàn tất hồ sơ đầu tư, quy hoạch tổng thể khu tĩnh dưỡng trên dưới 80 ha, trong đó gồm 65 ha rừng nguyên sinh và 15ha vườn cây ăn trái..
Từ khu du lịch Suối Vàng, Madaguoi hãy đi thêm vài bước nữa là đến “lâm phần” khu phố 2 của thị trấn này. Nơi đây-cách quốc lộ 20 khoảng 100m- có ngọn thác 9 tầng đặc biệt phù hợp với loại hình du lịch dã ngoại, cắm trại, được một doanh nghiệp vùng đất Phương Nam đã “khoanh vùng” đầu tư. Rồi ngược về thượng nguồn sông Đạ Huoai, Công ty Hồng Bàng, TPHCM đã đầu tư 100 ha du lịch vườn rừng, bên dưới tán rừng là ngọn thác bảy tầng ầm ào đổ nước giữa đại ngàn hùng vĩ. Và kỳ thú nữa là khu vực rừng nguyên sinh Lubu, thôn 3, xã ĐạM’ri. Bàn tay thiên nhiên đã tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp nơi đây. Một ngọn núi đá triệu triệu năm lọt thỏm giữa rừng nguyên sinh ngút ngàn. Dưới chân là giao hưởng của thanh âm dòng thác May Bay có tên tự xa xưa lắm. Lội sâu vào trong thâm sơn chừng một cây số rưỡi nữa, bất ngờ bắt gặp một dòng Suối Lạnh hiếm thấy của Việt Nam. Dòng suối rộng từ 20 mét đến 40 mét, uốn lượn giữa đường rừng trên hai cây số. Nhiệt độ dưới nước suối luôn dao động thấp hơn nhiệt độ môi trường xung quanh từ 02 độ C đến 04 độ C. Chọn quần thể rừng nguyên sinh ở đây khoảng 100 ha, Công ty Cổ phần du lịch Trúc Phương, TPHCM đã đăng ký đầu tư nguồn vốn dự toán ban đầu khoảng 80 tỷ đồng…  
Những gợi mở
Việc mở cửa đón khách khám phá khu du lịch rừng, thác, hồ… những địa chỉ vườn rừng đã đăng ký đầu tư chỉ còn là vấn đề thủ tục và thời gian. Như vậy sau sự ra mắt đầy ấn tượng và hiệu quả của Khu du lịch Rừng madaguoi do Công ty Cổ phần du lịch Sài Gòn đầu tư, các nhà đầu tư mới bắt đầu đến tìm hiểu khả năng bỏ vốn làm ăn về du lịch chuyên đề sinh thái nơi cửa ngõ Lâm Đồng này.    
Nhưng tiềm năng du lịch vườn rừng Đạ Huoai đang rất dồi dào, cần nhiều và nhiều hơn nữa sự mời gọi đầu tư phát triển. Một khảo sát mới đây của các chuyên gia du lịch địa phương cho biết, cứ men theo dòng sông Đạ Huoai vài ngày, chắc chắn nhà đầu tư du lịch sẽ hấp dẫn ngay với các quần thể núi đá, hang động tự nhiên. Đó là khu Đồi đá Lưu Bá thuộc xã Hà Lâm, chỉ cách cầu Lắc Lơ đi với quốc lộ 20 khoảng 02 cây số, nằm trong diện tích rừng nguyên sinh khoảng 40ha. Tiếp theo là khu Thác Kiểng với rừng rậm và hàng trăm thác nước lớn nhỏ, cách trung tâm xã Phước Lộc 07 cây số. Đi thêm vào địa giới xã Đạm P’Loa và xã Đoàn Kết có khu vực Đá Bàn phân bố trên 150 ha rừng…
  Du lịch vườn cây, vườn rừng ở Đạ Huoai là một lợi thế rất lớn cần phải phát huy một cách tích cực và mạnh mẽ hơn. Từ đây có thể mở rộng các mô hình du lịch tìm hiểu bản bắc văn hóa Tây Nguyên trên từng bản làng. Điều cấp thiết bây giờ là phải thông qua một quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết từng khu du lịch chuyên đề. Đồng thời là công tác xúc tiến du lịch, quảng bá cơ hội đầu tư phải tăng cường cả chiều rộng lẫn chiều sâu, thường xuyên và liên tục. Bên cạnh đó việc chỉnh trang đô thị, nâng cấp hạ tầng, hình thành phong cách làm du lịch trên từng nhà vườn…Xã hội hóa để triển khai đồng bộ những giải pháp này, chúng ta sẽ đặt thêm nhiều hy vọng một vùng du lịch cửa ngõ Đạ Huoai của tỉnh Lâm Đồng sẽ là điểm đến kỳ thú  của du khách trong, ngoài nước, đặc biệt khi đường cao tốc Dầu Giây-Đà Lạt được thông tuyến trong vài năm tới./.
Tháng 7/2006