Thứ Hai, 19 tháng 8, 2013

Dạy “nghề Đồng Kỵ” ở Đà Lạt

VĂN VIỆT
Làng nghề Đồng Kỵ, tỉnh Bắc Ninh sản xuất gỗ mỹ nghệ cao cấp nổi tiếng từ lâu ở thị trường trong và ngoài nước. Hàng trăm doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ cá thể làm nghề mộc Đồng Kỵ đã tăng tốc làm giàu từng ngày; nhà lầu, xe hơi đắt tiền đang ngày càng phổ biến trong mỗi gia đình người chủ và người thợ. Ở thành phố du lịch Đà Lạt hai năm qua, doanh nghiệp Tiền Tài đã tổ chức dạy “nghề Đồng Kỵ” với những thành công bước đầu.

Trên diện tích một ngàn mét vuông tại số 37A, đường Hùng Vương, Đà Lạt, doanh nghiệp Tiền Tài bắt đầu xây dựng xưởng sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ cao cấp theo kỹ thuật của làng nghề Đồng Kỵ vào tháng 6/2007. Không kể giá trị tiền mua đất, doanh nghiệp đầu tư cả chục tỷ đồng để mua thiết bị máy móc sản xuất nhập mới từ nước ngoài, chủ yếu từ Đài Loan. Bên cạnh đó là nguồn vốn lưu động để mua phương tiện vận chuyển; mở cửa hàng bán sản phẩm; mua nguyên liệu gỗ nhóm một các loại như cẩm lại, mun, trắc, gụ…luân chuyển hàng tháng trên dưới 20 tỷ đồng. Sau một thời gian tìm hiểu, doanh nghiệp đã gọi mời 20 người thợ lành nghề từ làng Đồng Kỵ về Đà Lạt  vừa sản xuất vừa dạy nghề cho lao động địa phương với mức lương thỏa đáng; bố trí nơi ăn chốn ở tại chỗ. Các tổ sản xuất chính nhanh chóng được hình thành như tổ thợ đục, tổ thợ ngang ( lắp ráp), tổ thợ sơn…Tuổi đời của người “thợ giảng viên” từ 25 tuổi đến 37 tuổi, nhưng tuổi nghề mỗi người hơn mười năm trở lên.    
Bước vào việc dạy nghề, doanh nghiệp Tiền Tài chỉ tiếp nhận ưu tiên tập trung những lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, lao động là người khiếm thính đang cư trú tại Đà Lạt nói riêng và địa bàn Lâm Đồng nói chung. Độ tuổi lao động vào học nghề chủ yếu là mười tám, đôi mươi. Doanh nghiệp không chỉ hoàn toàn miễn phí học phí mà còn được miễn phí cả tiền ăn, ở, đi lại hàng ngày. Đầu tiên tập hợp được 25 học viên từ Trường Khiếm thính Đà Lạt, doanh nghiệp Tiền Tài chính thức mở lớp học. Thời gian học học nghề ở xưởng mộc là hai buổi đối với ngày nghỉ trong tuần; và một buổi sau những giờ học văn hóa ở trường. Doanh nghiệp tổ chức xe đưa đón đi - về. Các phần dạy và học nghề chính gồm thiết kế mẫu mã; kỹ thuật chạm trổ trên gỗ; kỹ thuật sơn bóng…Từng giờ phút dạy và học của thầy và thợ đều xác định từ đầu ở sự kiên nhẫn để vượt qua nhiều khó khăn, bỡ ngỡ với môi trường công việc mới.
Ông Đỗ Xuân Tiền, chủ doanh nghiệp Tiền Tài nói rằng người khiếm thính gặp bất hạnh là không nghe và không nói được. Nhưng được học chữ ở trường, biết đọc, biết viết; được giáo dục, định hướng về giá trị của lao động nên việc truyền đạt nghề ngoài việc ra bằng hiệu đôi tay còn có thể viết ra trên giấy. Đặc biệt thời gian càng về sau, người khiếm thính học nghề đã thể hiện rõ sự chăm chỉ vượt khó; tiếp thu tiến bộ trông thấy rõ. Trong số 25 thanh niên khiếm thính học nghề trong 6 tháng đầu đều đạt yêu cầu; mỗi người được hưởng lương theo sản phẩm hàng tháng. Đến hết năm học đầu tiên, 25 thanh niên khiếm thính đã nâng cao được tay nghề,  nổi bật có 4 thanh niên khiếm thính học nghề khá xuất; đã trở thành người thợ chính thức của doanh nghiệp Tiền Tài với mức lương nhiều triệu đồng một tháng.
Với sự năng động của mình, doanh nghiệp Tiền Tài đã ký được những hợp đồng xuất khẩu dài hạn đồ gỗ mỹ nghệ cao cấp sang Trung Quốc, Đài Loan; các nước khu vực Đông Nam Á; và đang chào hàng ở thị trường châu Au. Ở thị trường trong nước, doanh nghiệp đã và đang phát triển mạng lưới phân phối sản phẩm tại hai siêu thị đồ gỗ cao cấp của mình tại Nha Trang và Bình Dương. Tại Đà Lạt có siêu thị gỗ cao cấp trên đường 3 Tháng 2. Hàng trăm dòng sản phẩm mỹ nghệ khác nhau (theo dạng đồ cổ Trung Quốc và Việt Nam ) của doanh nghiệp Tiền Tài, Đà Lạt sản xuất theo đơn đặt hàng và trưng bày bán có giá thấp hơn sản phẩm sản xuất tại làng nghề Đồng Kỵ, Bắc Ninh từ 20% trở lên. Bởi so với Đồng Kỵ, Bắc Ninh với cùng loại sản phẩm, chất lượng và mỹ thuật như nhau, nhưng sản xuất tại vùng cao nguyên Đà Lạt có giá nguyên liệu gỗ rẻ hơn, không mất phí vận chuyển.
Hiện nay doanh nghiệp Tiền Tài đang tiếp tục tuyển dụng dạy “nghề Đồng Kỵ” miễn phí cho trên dưới 30 lao động địa phương. Vẫn ưu tiên tiếp nhận trước hết là lao động khiếm thính, lao động có hoàn cảnh nghèo khổ, không nơi nương tựa. Mong muốn của doanh nghiệp Tiền Tài trong năm tới là dạy “nghề Đồng Kỵ” và tiếp nhận vào làm việc được 100 lao động là người bất hạnh ở địa phương; xây dựng xưởng sản xuất đồ gỗ mộc mới trên diện tích hơn 01 ha tại xã Xuân Thọ, Đà Lạt. “Mình xuất thân từ một người thợ mộc ở làng nghề Đồng Kỵ xây dựng được doanh nghiệp Tiền Tài như ngày hôm nay. Từ nghèo khó đi lên nên mình rất thấu hiểu và đồng cảm với những lao động có hoàn cảnh không may ở Đà Lạt, Lâm Đồng; bởi đối tượng này luôn khó có cơ hội tự lập thân bằng một nghề nghiệp ổn định. ”- chủ doanh nghiệp Tiền Tài, Đỗ Xuân Tiền bộc bạch./.
Tháng 10/2008