Thứ Hai, 12 tháng 8, 2013

Củ Kung, hoa hồi Đam Rông

VĂN VIỆT
Đồng bào 4 xã vùng cao Đam Rông (Lạc Dương) gọi củ kung, hoa hồi là “cây lương thực”của mùa giáp hạt, nhưng thực sự, đó là loại lâm sản phụ sẵn có trong rừng. Gọi như thế vì từ tháng 11/1999 đến nay, củ kung, hoa hồi đã tiếp sức cho đồng bào bước ra khỏi cảnh tình thiếu lương thực ở vụ ba hoặc gặp khi mùa màng liên tục bị thiên tai, địch họa tấn công. Để đưa củ kung, hoa hồi thành hàng hóa có giá trị, đủ sức thay thế cây lúa, cây màu gặp lúc thất bát, thiếu thốn, Phòng kinh tế huyện Lạc Dương đã phải trải qua một cuộc tìm kiếm thị trường với vô vàn những khó khăn, nghiệt ngã

Dù được xếp vào nhóm sản phẩm từ lâm sản phụ, nhưng việc khai thác, thu hoạch củ kung, hoa hồi hoàn toàn khác nhau về cách thức và thời điểm. Củ kung được xem là một loài dược liệu, thành phần hoạt chất cao, chủ yếu dùng để bào chế thuốc bắc. Với hình dạng giống như củ riềng, củ nghệ; củ kung thuộc họ dây leo, hình thành từ bộ rễ phát triển tự nhiên, thu hoạch quanh năm.  Hiện tại chưa có cuộc khảo sát, điều tra chính thức về diện tích, năng suất bao nhiêu, chỉ biết rằng, ven các sườn đồi, con suối gần khu dân cư cho đến dưới những tán rừng sâu nhất ở 4 xã gồm: Đưng K’Nớ,  Đạ Long, Đạ Tông và Đầm Ròn, cây kung mọc hoang dại nhiều vô kể. Còn hoa hồi có thể sử dụng để “chế tác”thành những mặt hàng thủ công mỹ nghệ. Mỗi năm hoa hồi rụng vào tháng 5 khi đã khô héo. Người đi rừng chỉ việc gom nhặt, cho vào bao, gùi mà không cần dùng cuốc, xẻng hay các vật dụng khác để cắt dây, đào bới như thu hoạch củ kung. Tuy nhiên để có một chuyến đi rừng nhặt nhạnh từ 4 đến 5 kg hoa hồi phải mất từ 7 đến 10 ngày, trong khi khai thác từ 18-25kg củ kung, một lao động chỉ đi về trong ngày. Cũng vì thế mà giá 1 kg hoa hồi bao giờ cũng cao hơn từ 10 đến 12 lần so với củ kung. Cố nhiên cả hai loại sản phẩm từ những cây rừng hoang dại này có trở thành hàng hóa có giá trị hay không lại còn tùy thuộc vào thị trường tiêu thụ.
Đáng ra việc tổ chức khai thác củ kung, hoa hồi thuộc về trách nhiệm của Ban Quản lý rừng đầu nguồn serépok, nhưng đã qua bao nhiêu năm, đơn vị này luôn bế tắc ở “đầu ra”. Không thể lặng im đứng nhìn trước một nguồn lợi kinh tế rất cần kíp cho đồng bào chưa được tận dụng, từ giữa năm 1999, Phòng kinh tế huyện Lạc Dương bắt đầu mạnh dạn đưa sản phẩm củ kung, hoa hồi từng bước thâm nhập, làm quen với thị trường. Vì là loại sản phẩm mới lạ, nên trong những tháng ngày đầu, ít người để mắt đến. Người ta chỉ thu mua lác đác với số lượng không thường xuyên, bởi những cơ sở này còn phải tìm kiếm khách hàng của họ. Vẫn không chùn bước, Phòng kinh tế huyện Lạc Dương lại tiếp tục liên hệ khắp nơi, hết Đà Lạt đến TP HCM và nhiều tỉnh thành khác trong nước, cuối cùng một thị trường thu mua tập trung dần dần hé mở. Đó là một hợp đồng gồm 100 tấn củ kung và 5 tấn hoa hồi đã được ký kết liên tục trong 1 năm, kể từ 11/1999., đúng vào thời điểm mùa giáp hạt trong năm.
Tìm được thị trường đã khó, nhưng việc tổ chức cho đồng bào khai thác, thu mua sản phẩm theo đúng quy định của nhà nước, không ảnh hưởng đến vốn tài nguyên rừng lại càng không dễ. Lường trước vấn đề này, UBND huyện Lạc Dương đã nhanh chóng lập tờ trình, được cơ quan thẩm quyền cấp phép lập điểm thu mua tại cửa hàng thương nghiệp trung tâm cụm xã Đạ Tông. Với giá củ kung từ 1400đ-1600đ/1kg; giá hoa hồi có đột biến hơn, từ 10ngàn đồng đến 22 ngàn đồng/1kg, hàng ngày cửa hàng mua đến đâu, trả tiền ngay đến đó. Có tiền, đồng bào đã giải quyết được khó khăn trước mắt về lương thực, thực phẩm; thậm chí còn khắc phục cả tình trạng mua chịu vật tư, phân bón đầu tư sản xuất cho vụ mùa sau. Nếu tính trung bình thì mỗi lao động chính ở Đưng K’Nớ, Đạ Tông, Đạ Long và Đầm Ròn mỗi ngày có thể thu hoạch từ 18kg-25kg củ kung; còn hoa hồi, cả hai vợ chồng trong chuyến đi rừng 1 tuần cũng phải thu gom được từ 25kg-30kg…
Đến nay, Phòng kinh tế huyện Lạc Dương đã thu mua 200 tấn củ kung và khoảng 4 tấn hoa hồi từ nghề lâm sản phụ của đồng bào. Không ai còn phải đối mặt trước nguy cơ thiếu lương thực mùa giáp hạt nữa. Theo hợp đồng đã ký kết và thời hạn của giấy phép thu mua thì còn 50 tấn củ kung và 1 tấn hoa hồi nữa, nhưng chủ trương của UBND huyện Lạc Dương là tạm ngưng, chờ đến mùa giáp hạt bắt đầu từ tháng 10/2001, nhằm vận động bà con tập trung công sức đầu tư cho vườn hộ và cho sản xuất vụ mùa.
Những sáng kiến của Phòng kinh tế Lạc Dương dẫu chỉ là “giải pháp tình thế”, nhưng sâu xa nhất là sự chăm lo thiết thực cho đời sống đồng bào, rất đáng được khích lệ. Dù vậy, trước nguồn lợi, tiềm năng kinh tế từ củ kung, hoa hồi ở vùng Đam Rông vẫn còn rất lớn, thiết nghĩ các ngành chức năng cần sớm tính toán đầu tư khai thác lâu dài, từ đó có kế hoạch phân bổ lao động hợp lý, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho đồng bào các dân tộc địa phương không chỉ riêng ở những mùa giáp hạt./.
Tháng 5/2001