Thứ Bảy, 10 tháng 8, 2013

Chữ THẢO “tỏa hương”

Ghi chép VĂN VIỆT
Đất Lộc An, Bảo Lâm vốn nổi tiếng bởi hương chè lôi cuốn doanh nhân lữ khách. Trong hương sắc ấy có hương thơm thảo của những người phụ nữ vì người nghèo. Tâm nguyện của họ đem cả cơ nghiệp riêng để bảo đảm cho người nghèo nơi làng xóm mình có được vốn vay sản xuất, chăn nuôi .

“HỌ NGHÈO, MÌNH KHÔNG NGỦ ĐƯỢC”
Tôi được chị Lương Thị Thơm -   người “phát kiến” việc thế chấp tài sản cho người nghèo vay vốn – dẫn dạo một vòng thôn 3 của xã Lộc An. Đâu đâu cũng cà phê với chè điệp trùng xanh ngát. Chị Thơm bảo, nhiều năm trước vì thiếu vốn nên cây trồng, vật nuôi của hàng chục hộ dân ở đây thường kém hiệu quả. Nhưng đa số bà con nghèo với mấy sào đất chưa được cấp “sổ đỏ”, lại không có tài sản thế chấp tín dụng. “Thấy họ nghèo, nhiều đêm mình không ngủ được ”- Chị Thơm nhớ lại. 
Và rồi trong một đêm không ngủ, chị Thơm mạnh dạn đề xuất với chồng: “Bây giờ vợ chồng mình đã có thu nhập ổn định. Mình đang gửi một khoản tiền kha khá trong sổ tiết kiệm; trong khi nhiều hộ xung quanh mình đang rất cần vốn để vượt nghèo. Hay là…” Chồng chị Thơm đã gật đầu nhanh về ý tưởng. Nhưng về phương thức thế chấp, cho vay làm sao phải vừa bảo toàn vốn gốc mà vừa giúp được bà con chủ động sản xuất, chăn nuôi. Đầu năm 2004 sau những trăn trở tìm ra phương án, vợ chồng chị Thơm quyết định mang sổ tiết kiệm cho 10 hộ thế chấp vay 100 triệu đồng “làm điểm”. Tất cả 10 hộ vay cùng làm giấy cam kết, nếu ai chủ ý không trả lãi vay hàng tháng hoặc không trả đủ nợ gốc một năm thì các hộ còn lại có trách nhiệm đi thu hồi cho kỳ được. Cứ ngày 20 hàng tháng, 10 hộ vay đến nhà chị Thơm trả lãi suất tín dụng. Sẵn dịp họp toàn thể để các hộ trao đổi kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi; báo cáo tình hình giám sát việc sử dụng vốn với nhau. Các chương trình khuyến nông cũng được gắn kết đưa vào phổ biến ở đây. Nhờ biết khắc phục những hạn chế, rủi ro khi chớm nảy sinh, tổ tín dụng của chị Thơm đã củng cố dần lên. Qua năm 2005, chị Thơm lại cầm cố sổ tiết kiệm của mình, vay giúp vốn 240 triệu đồng cho 24 hộ. Đến năm 2006 số tiền vay tăng lên 260 triệu đồng cho 26 hộ. Năm 2007 số tiền vay lại tăng lên 320 triệu đồng cho 32 hộ. Và năm 2008, chị Thơm sẽ mở rộng danh sách số hộ vay trong tổ mình.
Ở thôn 6 trên cùng địa bàn xã Lộc An có chị Vũ Thị Hợp đã tình nguyện nhân rộng mô hình của chị Lương Thị Thơm vào năm 2006. Chị Hợp tâm sự: “Thấy nhiều hộ nghèo cứ đi vay bên ngoài lãi suất cao, mình day dứt lắm. Trong khi mình đang có sổ đất, sổ nhà lại để nằm yên mãi. …” Trước đây chị Hợp từng cho nhiều hộ mượn đàn heo giống cả chục con có sẵn trong nhà hoặc tiền mặt nhiều triệu đồng không tính lãi. Năm 2006 chồng chị Hợp cũng đồng ý nhanh “chủ trương” thế chấp ngân hàng 01 căn nhà mặt tiền quốc lộ 20 và 3 sào cà phê kinh doanh, vay giúp cho 10 hộ với tổng số tiền 150 triệu đồng. Một năm qua mau, người vay chứng tỏ dốc tâm làm ăn và giữ được chữ tín trả lãi và trả vốn gốc đúng kỳ hạn. Năm 2007, chị Hợp yên tâm đưa tiếp sổ nhà, sổ đất vào ngân hàng vay thêm 240 triệu đồng cho 24 hộ trong thôn. “Bà con có vốn làm ăn khá lắm. Sang năm 2008, vợ chồng tôi sẽ giúp thêm số lượng người được vay tiền nhiều hơn…”- Chị Hợp phấn khởi.
CHỮ THẢO “TỎA HƯƠNG”
Đến trại heo của chị Lê Thị Mai ở thôn 3 của xã Lộc An dễ cảm nhận “lời báo đáp” với những nguồn vốn vay thơm thảo của chị Hợp, chị Thơm nêu trên. Ba năm trước từ 5 triệu đồng vay đầu tiên, chị Mai nuôi được 10 con heo con. Nay đang “chu chuyển” số tiền vay 10 triệu đồng mà trong trại heo đã nhân đàn đến 200 con thịt, con nái, đạt tổng giá trị hơn 500 triệu đồng. Chị Mai cùng chồng đã lập nên khoảnh vườn 4 sào cà phê có thu hàng năm nữa. Nhờ trại heo, nhờ cà phê, năm 2006 căn nhà gỗ chắp vá đã thay thế bằng căn nhà xây mới với kinh phí hơn 100 triệu đồng. Hiện hai đứa con của vợ chồng chị Mai- đứa lớp 10; đứa lớp 8 rất chăm chỉ học hành.
  Cũng nhờ chữ “thảo” của chị Thơm, chị Hợp, có người đã “đứng dậy” trong lúc mua bán thua lỗ cùng đường. Đơn cử như chị Nguyễn Thị Hạnh ở thôn 3 làm dịch vụ thu mua cà phê trên nhiều địa bàn xã Lộc An. Năm 2004 nhờ số vốn vay 5 triệu đồng, chị Hạnh đã khởi nghiệp trở lại từ điểm xuất phát. Đồng vốn vay mới khiến chị Hạnh như thức tỉnh lên; luôn chủ động đẩy lùi những hiểm họa quanh mình. Giờ đây đã thu hút hầu hết khách hàng cũ đến mua vào bán ra kiếm lời mỗi ngày năm, bảy chục; có khi cả trăm ngàn đồng. Chị Hạnh biết ơn tổ tín dụng thế chấp tài sản riêng của chị Thơm, chị Hợp rất nhiều.  
Là một cán bộ tín dụng của xã Lộc An, chị Lương Thị Thơm ( sinh năm 1966) có một mái ấm gia đình thật hạnh phúc với 2 con - một đang học Đại học Sư phạm TPHCM và một đang học lớp 10 chuyên văn ở Trường Thăng Long Đà Lạt. Chồng chị Thơm làm việc ở một công ty chè Bảo Lộc. Với chị Vũ Thị Hợp (sinh năm 1965) đang là cán bộ năng nổ của Hội Phụ nữ xã Lộc An. Mái ấm của chị Hợp là người chồng ( cán bộ tín dụng của xã) với “dừng lại ở 2 con” ( đứa đang học đại học và đứa đang học lớp 8). Cả hai mái ấm của chị Lương Thị Thơm và chị Vũ Thị Hợp chưa đứng ở hàng triệu phú, tỷ phú của xã Lộc An nhưng có chung tấm lòng: “Hãy nhìn xuống thấy còn số đông người cực khổ, túng bấn hơn mình thì mình phải góp tay giúp đỡ”. Và thực tiễn ở hai chị Thơm, chị Hợp với những “góp tay” như vậy, đang làm cho chữ “thảo” đẹp hơn, “tỏa hương” sâu rộng hơn trong từng góc xóm ngõ làng của mình./.
Tháng 10/2007