Thứ Bảy, 10 tháng 8, 2013

“Bò ngoại” ở rừng sâu

VĂN VIỆT

Bỗng nhiên 5 anh em họ hàng, bạn rể rủ nhau bán gần hết gia tài ở phố thị Bảo Lộc vào rừng sâu Bảo Lâm…nuôi bò. Họ lập thành Công ty TNHH Mỹ Thành sôi động những công trình xây dựng cơ bản, lập phương án khả thi mở rộng nông trại cho sản nghiệp ngày mai. Người trong kẻ ngoài hết sức ngỡ ngàng, dõi theo từng bước đi của họ.


* “Vùng gần” đổi…vùng sâu
Chở tôi đi trên con đường vào nông trại tung bụi đỏ, người “chủ chòm” Phạm Văn Trí bộc bạch rằng, đại gia đình 5 anh em của ông sống chính bằng nghề làm vườn truyền thống “quanh quanh” ở phố Bảo Lộc từ hơn nửa thế kỷ rồi. Nay quyết định “khăn gói” vào rừng sâu Bảo Lâm mua đất nuôi bò khiến ai nghe cũng ngỡ ngàng. “Đất cao nguyên B’Lao cứ ru ngủ mình bởi lợi thế phì nhiêu, màu mỡ, nhưng thường chỉ ưu ái “thiên vị” với cây cà phê, chè hoặc chăn nuôi gia súc, gia cầm nhỏ lẻ ở từng hộ gia đình. Còn dốc sức, dốc lòng, mạnh dạn xây dựng các nông trại lớn, hình thành các thảo nguyên xanh như…“phong cách Úc” thì vắng tiếng quá. Bao năm ấp ủ, tôi lóe lên ý định tìm cách xâm nhập vào “vùng trắng” này…”
Cái lẽ tự nhiên sự gì mới thường vấp phải phản ứng của sự lạ. Nghĩ ra việc làm doanh nghiệp chăn nuôi, ông Trí luôn phản biện với chính những người là vợ con, anh em họ hàng, anh em bạn rể và cả với…chính mình. Vấn đề không gì phải “cao siêu”; chỉ xoay quanh việc bán đất đã ổn định sản xuất để mua đất mới, mở mang nông trại nuôi “bò ngoại” thì khả năng “thắng” bao nhiêu, “rủi” bao nhiêu?! Phải lường hết mọi tình huống xấu lỡ xảy ra, bởi vì ở vùng rừng sâu, đất lạ mà cứ để “rủi” nhiều phen liên tục thì coi chừng lâm cảnh phá sản trắng tay(?!) Cần có nhiều phương án cụ thể, khả thi để biến “bại” thành “thắng” thì mới thuyết phục các thành viên anh em chung một ý chí làm ăn được ! Đó là phương án xây dựng đồng cỏ, nhập giống bò cao sản từ Úc, Mỹ về nuôi. Khoa học trồng cỏ và khoa học chăm sóc tăng trọng của bò đều được sự hướng dẫn trực tiếp của kỷ sư nước ngoài. Thời gian sau sẽ chuyển giao công nghệ, nông trại sẽ chủ động tạo nguồn giống bò lai cho bà con chăn nuôi quanh vùng. 3 năm đầu xây dựng cơ bản. Năm thứ 4 trở đi bắt đầu thu hồi vốn và lãi… 
Thế là những bận tâm ở rừng sâu dần dần “đả thông” ở thời gian sau đó. “Chủ chòm” Phạm Văn Trí đi trước bán 5 mẫu cà phê kinh doanh ở Lộc Phát; kế tiếp là bán luôn giàn xe khách 3 chiếc HINO đang chạy tuyến Bảo Lộc-Sài Gòn. Khí thế mở công ty đã “bừng” lên thấy rõ. Lần lượt những anh em Phạm Văn Phái, Vũ Xuân Thường, Nguyễn Ngọc Bảo háo hức nhập cuộc, mỗi người bán nhiều mẫu đất trà, cà phê để góp vốn. Người cuối cùng thứ 5 là Phạm Đức Nguyên, chủ doanh nghiệp Trà Phương Nam, cũng “kiêm nhiệm” chung tay đóng cổ phần. Huy động vốn xong xuôi, đâu vào đó, chọn mua được 40 ha đất trồng cà phê, trà già cỗi của nông dân vùng sâu Lộc Phú ( Bảo Lâm). Các bước thủ tục hoàn tất khá nhanh chóng, 5 anh em nhất trí đặt tên là Công ty TNHH Mỹ Thành, vốn pháp định 1,9 tỷ đồng. Ngày 15-8-2003, Mỹ Thành chính thức khai trương hoạt động. Vùng sâu Lộc Phú-Bảo Lâm bỗng vui nhộn khác thường.

Nhập cư…“bò ngoại”

“Ban bệ” trong gia đình Mỹ Thành tự phân công với nhau. Phạm Văn Trí-Giám đốc. 4 thành viên còn lại là các Phó giám đốc, trưởng phụ trách bộ phận kỷ thuật, quản lý công nhân. Nói chung là “siêu” tinh nhẹ. Những ngày đầu mở cửa công ty trước mắt đưa về 300 con “bò ta” nuôi. Có sẵn đồng cỏ tự nhiên, “bò ta” tỏ ra rất thích nghi, thịt nở, lông mướt. Nhưng nếu so với giống “bò ngoại” thì biểu đồ “vỗ béo” của chúng còn chậm lắm. Ban Giám đốc bảo nhau “vi hành” ra Nông trường Ba Vì của miền Bắc coi thử họ làm ăn ra sao để còn bắt chước. Chẳng ngờ ở đây vẫn chưa thấy xuất hiện các giống bò Brahman siêu thịt của Úc và Mỹ. Thất vọng quay trở về Hà Nội mạnh dạn “gõ cửa” Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xin được “tư vấn”. Rất may gặp được người tận tình hướng dẫn là ông Hoàng Kim Giao, Cục phó Cục Nông nghiệp của Bộ. Qua ông Giao, anh em Mỹ Thành đã “làm quen” với một đối tác nước ngoài đầu tư tại Việt nam, mua được giống “bò ngoại” cùng với các giống cỏ trồng bằng hạt. Từ đó, từng đợt, từng đợt những chú bò siêu thịt từ nước Úc, nước Mỹ xa xôi “bay” đến Việt Nam, nhập cư về rừng sâu Lộc Phú của Công ty Mỹ Thành sinh trưởng đến giờ.
“Nuôi “bò ngoại” chẳng phải dễ, nhưng không đến mức quá khó hơn nuôi “bò ta” ”-ông Trí đúc kết chắc nịch. Đến nay, trên “thảo nguyên” Mỹ Thành đã chứng tỏ là một “miền đất lành” để 160 con bò siêu thịt cư trú, phát triển giống loài. Trong đó gồm 150 con bò cái có trọng lượng từ 3 tạ đến 4 tạ. Và trong chuồng bò đực có 6 con nặng từ 3 tạ đến 4 tạ; còn lại 4 con cân nặng từ 8,5 tạ đến 1 tấn. Đến tháng 8-2005 này, Mỹ Thành sẽ cho phối giống thuần chủng, lần lượt nuôi toàn bộ đàn bò cái này theo chế độ dinh dưỡng của thời kỳ mang thai, sinh sản. Thời gian tiếp theo sẽ tính đến kỷ thuật phối lai giống F1 với đàn bò cái giống nội. Nhờ trong hợp đồng cung ứng giống bò, đối tác đã thực hiện cam kết chịu trách nhiệm “cố vấn” kỷ thuật chăn nuôi trong năm đầu, nên đã giúp Mỹ Thành tiếp thu, thực hành khá sớm những phương pháp mới. Nhưng cả thảy đều phải trải qua “lộ trình”. Ngay cả việc mua 3 con ngựa nhập ngoại ( mỗi con khoảng 7.000USD) về thuần dưỡng, sử dụng làm phương tiện di chuyển, kiểm tra từng đàn bò trên thảo nguyên cũng phải “huấn luyện” đến mấy tháng trời. Hoặc pha trộn thức ăn cho bò với một tỉ lệ chất xơ nhất định cũng buộc làm đi, làm lại nhiều lần mới chuẩn xác, thuần thục được.
Đến nay, sau gần một năm “tự lực, tự cường”, “cắt” hợp đồng với chuyên gia kỷ thuật sang “cố vấn”, công ty Mỹ Thành đã chứng minh sự nắm bắt nhanh nhạy của người nông dân đối với bất kỳ phương pháp chăn nuôi khoa học kỷ thuật mới nào. Đàn “bò ngoại” tăng trọng mỗi con từ 0,8kg đến 1,2 kg mỗi ngày, gấp từ 2,5 lần đến 3 lần giống “bò địa phương” cùng nuôi chung một môi trường. “Bò ngoại” đạt tỉ lệ thịt trên dưới 55%, trong khi “bò địa phương” là 35%. Giá thịt “bò ngoại” ở thị trường thường cao hơn “bò địa phương” từ 20% trở lên. Nhưng đây là những con số khá lý tưởng cho cả hai giống bò này.
*Nhận rừng…trồng cỏ
Bây giờ 5 anh em Công ty Mỹ Thành đã đầu tư tất cả khoảng 7 tỷ đồng vốn tự có. Trên “thảo nguyên” 40 ha, Mỹ Thành trồng xanh tốt 3 giống cỏ nhập từ Úc là cỏ Ruzi, cỏ sả và cỏ tổng hợp. Thu hút được 40 lao động ( có 30 lao động người dân tộc thiểu số địa phương) vào làm công nhật, thu nhập  30 ngàn đồng mỗi ngày. Hai năm qua, việc làm của họ luôn đảm bảo thường xuyên trong khoảng hai mươi ngày mỗi tháng.
Nhưng bước đi của công ty Mỹ Thành không “định vị” quy mô ở đây. Ngày 06-12-2004, Mỹ Thành đã hợp đồng với Ban Quản lý rừng Bảo Lâm nhận 236 ha rừng tạiTiểu khu 438A trên địa bàn Lộc Phú để quản lý, bảo vệ và …trồng cỏ dưới tán rừng. Theo phương án được duyệt thì đến đầu năm 2008, Mỹ Thành sẽ hình thành 200 ha cỏ nguyên liệu thức ăn đủ chăn thả trên dưới 1.000 con bò dưới tán rừng. Tuy nhiên cho đến giữa tháng 5-2005 ( hơn 5 tháng nhận rừng), tiến độ xử lý thực bì, dọn vệ sinh rừng, làm đất, xuống giống trồng cỏ đã xong gần…nửa diện tích ( hơn 100ha). Mỹ Thành đang làm thủ tục xin phép rút ngắn thời gian thực hiện phương án này xuống còn 01 năm.
Tín hiệu nuôi “bò ngoại” có triển vọng lớn “phát” ra từ rừng sâu Lộc Phú, công ty Mỹ Thành được bạn bè nhiều nơi trong và ngoài nước “tình nguyện” hứa tạo vốn để mở rộng “thảo nguyên”…mênh mông hơn. -Giám đốc Phạm Văn Trí nói: “Bây giờ chúng tôi không lo vốn nữa. Chỉ lo là không còn thêm diện tích đất của cá nhân chuyển nhượng hay của nhà nước quy hoạch giao hoặc cho công ty thuê phát triển nông trại mà thôi! ” Với mối liên kết cùng nông dân quanh vùng ? “Cái chính là lâu nay nông dân không cập nhật đủ thông tin nên chưa mạnh dạn nuôi bò siêu thịt. Hơn nữa giống bò mua từ nước ngoài về giá đang khá cao. Công ty Mỹ Thành sẽ hướng đến việc tạo giống tại chỗ với số lượng nhiều, cung cấp, hướng dẫn phương pháp chăn nuôi khoa học mới hàng năm cho bà con nông dân”.
Tháng 5/2005