Chủ Nhật, 4 tháng 8, 2013

Anh nông dân đưa nấm về làng

VĂN VIỆT

Bao năm bươn bả khắp nơi, anh nông dân Phan Thúc Khuynh ( sinh năm 1960) lặng lẽ mang về làng Nghĩa Lập (Thạnh Mỹ, Đơn Dương) nghề trồng nấm thương phẩm. Thấy có thu nhập ổn định và phát triển hơn lên, người làng Nghĩa Lập mạnh dạn trồng nấm như anh Khuynh rồi mở rộng chuyên canh với diện tích đến hàng chục ngàn mét vuông nhà trại. 

Nhưng để có một “cơ ngơi nấm” như ngày hôm nay, anh Phan Thúc Khuynh cùng vợ, con phải trải qua hơn mười năm vượt khó vì thiếu vốn đầu tư; mơ hồ về kỷ thuật chăm sóc nấm ở đất núi; về việc tạo ra nguồn giống; về thị trường tiêu thụ…Khi hỏi về việc trồng nấm từ “cơ duyên” nào, nông dân Khuynh nói thật : “Gia đình tôi vào nghề trồng nấm từ 20 triệu đồng vốn cho vay của Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đơn Dương.” Nói đầy đủ hơn thì lúc đó tài sản vợ chồng anh Khuynh còn có căn nhà 24 mét vuông vách đất, mái tôn dột nát. Nhưng bù lại ở bao quanh nhà là khoảnh vườn 700 mét vuông đất, làm “nền tảng” cho trại nấm “màu mỡ” cho gia đnh anh Khuynh sau này.  
Cơ nghiệp trồng nắm khởi sự là năm 1996. Cầm trên tay 20 triệu đồng vốn vay ấy, vợ chồng anh Khuynh phải tính đúng tính đủ mới dựng nên một trại nấm rộng 150 mét vuông. Bên trong nhà trại dựng lên những hàng cột gỗ để treo lên đó lủng lẳng 6.000 túi phôi giống nấm mộc nhĩ. Giống nấm được mua về từ vùng Long Khánh, Đồng Nai - nơi mà anh Khuynh đã từng cuốn hút bởi cách làm ăn khấm khá từ cây nấm của người nông dân. Học hỏi những kỷ thuật trồng nấm cơ bản ở đây, anh Khuynh về vận dụng trên khu vườn đất của mình ở làng Nghĩa Lập, Đơn Dương. Trong đó lưu ý nhất là đặc thù của đất núi mưa nhiều, độ ẩm cao. Khác với chất đất xứ nóng là bốn mùa khí hậu trong năm khác biệt rõ rệt. Đối chiếu thực địa với những tài liệu tìm mua được, anh Khuynh đã định hình phương pháp trồng nấm riêng mình. Đặc biệt nhất là phải giữ đủ độ ánh sáng, tránh được lượng mưa dai dẳng nhiều ngày; khi mở túi phôi phải đúng vào thời điểm đủ độ chín, độ nảy mầm sẽ đạt quy cách và chất lượng cao hơn. Tất cả cũng chỉ mày mò và tự đúc rút kinh nghiệm, nhưng cuối cùng kết quả thật khả quan cho anh Khuynh. Với lứa nấm mộc nhĩ đầu tiên chỉ sau một tháng rưỡi chăm trồng trên chính sân vườn nhà mình, anh Khuynh được mùa bội thu. Từ đây cứ kinh nghiệm nhân lên kinh nghiệm ở lứa phôi giống này đến lứa phôi giống khác theo hình thức cuốn chiếu, gia đình anh Khuynh đã liên tiếp “thắng” những mùa nấm  trong những năm đầu tiên ấy. Bao năm cảnh sống chật vật của gia đình nay đã nhờ nấm mà nhanh chóng cải thiện. Nợ ngân hàng 20 triệu đồng cũng được thanh toán hoàn tất chỉ sau một năm thu hoa lợi của nấm. 
          
Càng trồng nấm được mùa càng say sưa từng ngày với việc chăm chút từng mầm chồi của nấm. Vợ chồng anh Khuynh tiến thêm một bước sản xuất phôi giống nấm. Lại vừa thử nghiệm vừa hoàn thiện kỷ thuật riêng mình. Đến tháng 6/2003 một lò sản xuất phôi nấm giống cá thể vận hành với công suất 2.000 túi giống/ngày, vừa đủ cung cấp cho nông dân trong ngoài làng Nghĩa Lập theo đặt hàng trước. Đến nay với nhu cầu của thị trường, lò sản xuất phối nấm giống của gia đình anh Khuynh đã chuyển từ giống nấm mộc nhĩ sang giống nấm bào ngư thương phẩm. Hiện tại trên diện tích 4.000 mét vuông trang trại nuôi trồng nấm của gia đình anh Khuynh với tổng sản lượng nấm tươi hàng năm từ 100 tấn - 120 tấn, đạt lợi nhuận trên dưới 150 triệu đồng. Từ nhà vách đất, vợ chồng anh Khuynh đã xây nhà mới khang trang, hiện đại. Con cái học hành lên cao. Khoảng 10 -15 nhân công được duy trì việc làm khá đều đặn tại đây với thu nhập mỗi người từ hơn 1,2 triệu đồng đến 1,5 triệu đồng/tháng. 
Qua kỷ thuật trồng nấm đạt giá trị kinh tế của gia đình anh Phan Thúc Khuynh từ năm, bảy năm nay, phong trào trồng nấm ở Nghĩa Lập đã bổ sung, nhân rộng lên con số ước khoảng 30 hộ với 120 trại nấm. Như cạnh nhà anh Khuynh là trang trại nấm của ông An, ông Thành. Đi thêm nữa là trang trại nấm của ông Phúc. Và cứ thế hàng chục, hàng chục trại nuôi trồng nấm dưới lớp lớp mái tranh san sát mát rượi, nối dài ra xa hơn, mỗi ngày cho thu nhập no đủ cho cuộc sống nông dân làng Nghĩa Lập. Số hộ gia đình thu lợi nhuận trồng nấm mỗi năm hơn trăm triệu đồng đang “ghi danh” ngày một nhiều hơn. Quy trình trồng nấm đã từng bước hoàn chỉnh khép kín từ khâu sản xuất giống, trồng chuyên canh tập trung đến khâu tiêu thụ. Ngày ngày các xe hàng ra vào Nghĩa Lập thu mua sản phẩm nấm tươi nhộn nhịp hơn, tất bật hơn, cho thấy những triển vọng mới nơi làng quê này. /.
Tháng 8/2007