Thứ Năm, 15 tháng 8, 2013

Đà Lạt đang…thừa nắng

VĂN VIỆT

“Ở Đà Lạt chỉ cần một ngày nắng là đủ năng lượng luân phiên nước nóng tắm giặt và sinh hoạt cho 30 khách nghỉ tại Khách sạn Châu Âu và đủ tích trữ “đốt nhiệt” cho hai ngày mưa kế tiếp ! ” – Ông Nguyễn Văn Phước, chủ nhân Khách sạn Châu Âu ( số 76, Nguyễn Chí Thanh, Đà Lạt) đã “xác tín” như vậy.

 Nói đến Đà Lạt lâu nay người ta thường liên tưởng đến những “đặc sản” suơng mù, không khí lạnh, những ngày mưa vây phủ…Cho dù những ngày nắng lên rực rỡ, óng vàng, người người vẫn choàng kín chiếc áo lạnh khi ra đường. Một văn nghệ sĩ Đà Lạt đã gọi nắng Đà Lạt là … “nắng lạnh”. Nắng Đà Lạt bao giờ cũng ắp đầy thi vị. Nhưng còn ở khía cạnh thực dụng, nắng Đà Lạt vẫn đang là dạng tiềm năng thiên nhiên chưa được tận dụng và khai thác tích cực để phục vụ cho nhu cầu con người, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đó là việc sử dụng năng lượng nắng mặt trời để chuyển hóa thành điện năng. Và từ điện năng biến thành nhiệt điện vận hành hệ thống nước nóng cung cấp cho khách sạn, nhà nghỉ và hộ gia đình sử dụng. Tuy nhiên hiện số người sử dụng năng lượng nắng mặt trời ở Đà Lạt chỉ rải rác những con số…hàng đơn vị.       

Theo kết quả khảo sát của cơ quan không gian quốc tế NASA, thành phố Đà Lạt có năng lượng mặt trời bức xạ khá dồi dào. Cường độ trung bình với đáp số là 5,02 kwh/mét vuông/ngày. Một Đà Lạt nổi tiếng xứ ôn đới của đất nước nhiệt đới Việt Nam. Nhưng với đồ thị lượng nắng bức xạ “giàu có” vừa được công bố, khẳng định về nguồn tiềm năng năng lượng mặt trời tương đương so với các tỉnh cận nhiệt đới phương Nam. Đây là lợi thế “trời cho” để các khách sạn, hộ gia đình khai thác nắng Đà Lạt thay thế năng lượng điện (vốn ngày càng cảnh báo nên tiết kiệm tối đa) để sản xuất nước nóng. Đầu năm 2007, Cơ quan năng lượng Pháp ( ADEME) điều tra khả năng khách du lịch và người dân hàng ngày dùng nước nóng rất lớn trong điều kiện nhiệt độ thấp ở Đà Lạt. Và cơ quan này đã chiết tính lượng điện hạ thế để sản xuất nước nóng chiếm hơn 50% tổng số điện năng tiêu thụ trong khu vực khách sạn đến từng hộ gia đình. Trong điều kiện “cầu” ngày càng vượt xa “cung”,  cấu thành giá điện ngoài “hạn mức” sử dụng phải tăng cao lên. Tình trạng không ít khách sạn, hộ gia đình ở Đà Lạt lại thay thế nhiệt điện sản xuất nước nóng bằng chất đốt gas và than củi. Nhưng như thế thật bất tiện và không thân thiện môi trường, nếu chưa muốn nói là góp phần phá vỡ  tính bền vững của sinh thái.
Cơ quan năng lượng của Pháp cũng phát hiện những khách sạn Đà Lạt đã vận hành trước đó chưa lâu hệ thống tắm nước nóng bằng năng lượng mặt trời. Nhưng đây là con số rất nhỏ trong tổng số 700 cơ sở lưu trú ở Đà Lạt. Họ lắp đặt tự phát, quy mô công suất sản xuất nước nóng mới đạt từ 100 – 150 lít/ ngày. Đến tháng 3/2007, Cơ quan năng lượng Pháp ( ADEME) bắt đầu phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về tiết kiệm năng lượng ( ENERTEAM, TPHCM) để triển khai việc hỗ trợ tư vấn kỷ thuật để lắp đặt hệ thống sản xuất nước nóng bằng năng lượng mặt trời với công suất trung bình 1.000 lít/ngày.  Khách sạn Châu Âu mạnh dạn “đi tiên phong”, đầu tư khoảng 100 triệu đồng để thiết kế hoàn chỉnh hệ thống này, đồng thời chấp nhận tháo gỡ, “tạm biệt” 03 bình đun nước nóng bằng điện hạ thế đã sử dụng gần 10 năm, công suất 600 lít/ngày.
Giữa tháng 9/2007, đến thăm “dây chuyền” sản xuất nước nóng bằng năng lượng mặt trời, đặt ở sân thượng tầng thứ 4, Khách sạn Châu Âu trông khá bề thế. Chủ nhân Nguyễn Văn Phước đã tiếp thu khá tường tận công nghệ, thiết bị mới được mua về từ nước Đan Mạch này. Ông Phước giới thiệu công đoạn “nhận nắng” đầu tiên bởi tấm panel. Tấm hấp thụ năng lượng mặt trời, rồi truyền nhiệt làm nóng bể nước được bơm tuần hoàn bằng van tự động. Bộ phận bù nhiệt bằng điện trở sẽ duy trì nhiệt độ nước nóng trong bồn theo nhiệt độ cài đặt ( thường là 45- 50 độ C). Bộ điều khiển sẽ giữ lượng nước nóng “thnh phẩm” luôn ổn định. Nói gọn là đây là hệ thống gồm 3 bộ phận chính: bộ phận thu nhiệt, bình chứa và các thiết bị phụ, đường ống dẫn nước phân phối xuống 15 phòng nghỉ ( mỗi phòng gồm 2 người, có đủ những tiện nghi hạng “trung lưu”). Không hạn chế khách tắm giặt bằng hệ thống nước nóng cả ngày lẫn đêm. Đến nay đã có kết quả tính toán hàng tháng, Khách sạn Châu Âu đã tiết kiệm hơn 1,3 triệu đồng tiền. Cụ thể 03 bình nước nóng nấu bằng điện trước đây tiêu thụ 1.575.000đồng/tháng; nay sử dụng bình nước nóng 1.000 lít/ ngày bằng “nắng” chỉ chi phí tiền điện hết…270 ngàn đồng/ tháng.
Ông chủ Khách sạn Châu Âu cũng khẳng định nhiều ưu điểm về thiết kế của bình “tắm nắng” 1.000 lít của mình. Bởi nguyên lý thông qua bộ lưu điện (tên bộ lưu điện là UPS), hệ thống sản xuất nước nóng bằng năng lượng mặt trời, dạng năng lượng “chuẩn sạch”, chỉ số tự động hóa khá cao, luôn tuyệt đối an toàn đối với người sử dụng. Vậy thiết nghĩ các cơ sở lưu trú khách du lịch ở Đà lạt còn chần chừ gì nữa, hãy nhân rộng việc khai thác “nắng” để sản xuất nước nóng vừa tiết kiệm được điện, vừa mang lại hiệu quả cao. Đà Lạt vẫn đang…thừa nắng mà thiên nhiên đã hào phóng ban tặng đấy !
Tháng 11/2007