Thứ Tư, 13 tháng 3, 2013

Nữ chủ Haiyih

VĂN VIỆT

Mấy năm gần đây, trong làng trà Lâm Đồng tiếp tục ghi thêm một thương hiệu trà khá thành danh trong và ngoài nước - thương hiệu trà ô long Hai Yih, Xuân Trường, Đà Lạt. Giám đốc là người xứ Đài và bên cạnh có Phó giám đốc “phu nhân” người Việt năng động, trở thành “thủ lĩnh” bao tiêu sản phẩm trà ô long lâu dài cho hàng trăm hộ nông dân địa phương.

Lấy chồng Đài trên xứ mộng mơ

Nữ chủ HaiYih, Hà Thúy Linh hẹn tiếp tôi vào một ngày lập đông giữa Xuân Trường bận rộn. Cả ngày từ nhà máy ra đồng trà, triển khai hợp đồng, giải quyết hàng trà đang lưu thông qua…điện thoại. Hầu hết những cuộc giao dịch tiêu thụ sản phẩm trà HaiYih ra nước ngoài, Hà Thúy Linh đều phải nói chuyện bằng tiếng Trung Hoa khá lưu loát. Mới biết Linh đã giao tiếp tiếng Trung Hoa thông thạo từ những năm “chín mươi” khi làm hướng dẫn viên du lịch của một doanh nghiệp ở xứ sông nước Đồng Tháp, đưa khách du lịch thưởng ngoạn khắp các vùng miền trong và ngoài nước. Đi nhiều nơi như vậy, nhưng với Đà Lạt sau mỗi chuyến hướng dẫn viên cho du khách dù chỉ năm, ba ngày hay kéo dài hơn một tuần lễ, đều cho Linh những cảm nhận thật đặc biệt. 
Thúy Linh nhớ lại : “Hồi ấy mình mơ ước một ngày nào đó sẽ có được một mái nhà nho nhỏ bên triền dốc để hàng năm lên ngã lưng trút bỏ những lo toan vất vả; để được nghe trọn những đêm thông reo, thác chảy. Bởi với môi trường, khí hậu, cảnh quan của cao nguyên Đà Lạt rất thích hợp với nghề làm hướng dẫn viên du lịch của mình…” Và rồi ước mơ được sống hồn nhiên với thiên nhiên Đà Lạt cũng đã mỉm cười với Linh. Ấy là thời gian khoảng giữa năm “chín mươi”, qua các mối quan hệ nghề nghiệp hướng dẫn viên du lịch, một công ty du lịch “có hạng sao” ở Đà Lạt đã tiếp nhận Thúy Linh vào làm việc. Linh nói “Lương tháng không nhiều, chỉ đủ mua chiếc xe đạp. Nhưng bù lại đã được làm việc ở xứ sở mình yêu thích ! ” 
Công việc hàng ngày của Thúy Linh là đưa đón khách du lịch trong và ngoài nước đi tham quan, trong đó chuyên phụ trách về các đoàn khách Trung Hoa, Đài Loan, Singapore, Hồng Kông…Dáng người con gái nhỏ nhắn, thanh mảnh của miệt vườn Đồng Tháp của Thúy Linh đã dần vượt qua những khó khăn, bỡ ngỡ ban đầu, sớm làm quen với rừng núi Đà Lạt, với nghề hướng dẫn viên du lịch. Nhưng giữa lúc Linh đang ấp ủ nhiều dự định cho nghề du lịch thì bất ngờ bị gia đình gọi về Đồng Tháp để…gả lấy chồng. Thì ra không ai khác lại chính là anh chàng Đài Loan đã đeo đuổi Linh khá lâu ở Đà Lạt ! “Anh chàng này đã chinh phục gia đình mình lúc nào không hay… Và sau bao nhiêu đêm trằn trọc suy nghĩ, sau bao thời gian tìm hiểu sau đó, Thúy Linh đã nhận ra mình đã yêu…“anh chàng Đài Loan” đó rồi. …”- Linh tâm sự chân thành.
Bỏ nghề du lịch để theo nghề trà
Đám cưới của cô dâu Hà Thúy Linh với “anh chàng Đài Loan” diễn ra trên đất trà xã Xuân Trường thuộc thành phố Đà Lạt. Từ đây nghề hướng dẫn viên du lịch của cô gái đồng bằng sông Cửu Long đã rẽ ngang sang nghề trồng trà và chế biến trà xứ cao nguyên Đà Lạt. Đó là thời điểm những năm “chín mươi”cuối cùng của thế kỷ trước.
“Anh chàng Đài Loan”- chồng của Hà Thúy Linh tên là Lin Chin Chuang.  Vốn xuất thân là một kỹ sư xây dựng, nhưng Lin Chin Chuang đã nghe theo bạn bè, chuyển sang một nghề hoàn toàn mới lạ là góp vốn cùng nhóm bạn đồng hương thành lập một công ty sản xuất, chế biến trà ở xã Xuân Trường, Đà Lạt. Vùng đất Xuân Trường, Đà Lạt với độ cao hơn 1.600m, quanh năm sương mù. Những đồi chè từ thời thuộc địa Pháp giờ vẫn lên xanh ngát cùng với những đồi chè mới “định canh”. Những ngày đầu định cư, tính năng động của người hướng dẫn viên du lịch Hà Thúy Linh cũng đã nhanh chóng chuyển hướng vào tương lai của cây trà. Dòng suy nghĩ ám ảnh trong đầu của Hà Thúy Linh là “vì sao nông dân xã Xuân Trường không làm giàu với cây trà ? ”
Số phận lại thử thách Hà Thúy Linh khi vừa theo chồng thì gặp cảnh công ty làm trà của chồng ở Xuân Trường bị phân rã mỗi cổ đông mỗi nơi. Lin Chin Chuang, chồng Linh được chia lại diện tích khoảng 9 ha đồi trà èo uột và vài chục ngàn USD ít ỏi. Đương đầu với khó khăn phía trước, Hà Thúy Linh động viên chồng : “Rất nhiều tài liệu khoa học đã nói răng, đất Xuân Trường, Đà Lạt có độ cao lý tưởng; độ phì nhiêu của đất quanh năm rất lớn. Mình trồng trà thất bại không phải vì cây trà không sống được ở Xuân Trường; mà có lẽ vì mình chưa biết khai thác tiềm năng để làm giàu mà thôi !” Thấy vợ quyết đoán, anh Lin Chin Chuang lấy lại được niềm tin vào sự phát triển của cây trà Xuân Trường. Quyết chí làm lại từ đầu với cây trà, Linh cùng chồng bắt tay vào công việc nâng cấp vườn trà hiện có, ký kết hợp đồng mới với những đối tác truyền thống; mời những kỹ sư nông nghiệp về hợp tác; mở rộng sự liên kết với người nông dân…Kết quả “vạn sự khởi đầu nan”, năm đầu tiên của vụ trà, vợ chồng Lin Chin Chuang – Hà Thúy Linh vượt cả mong đợi -  với sản lượng 10 tấn chè búp tươi trên mỗi ha. Năm sau - năm 2002, sản lượng này tăng lên 12 tấn và cũng là năm Công ty Haiyih của vợ chồng Hà Thúy Linh và Lin Chin Chuang chính thức thành lập.    

Thương hiệu của nông dân

HaiYih ra đời và được “lớn lên” trong hành lang pháp lý với Quyết định 80 của Thủ tướng Chính phủ ban hành vào tháng 6/2002 về “khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng”. Nữ chủ Hà Thúy Linh nói: “Quyết định 80 CP đã tạo điều kiện, định hướng cho doanh nghiệp liên kết chặt chẽ với người nông dân, và cùng hưởng lợi !”  Linh chứng minh: Nhờ hợp tác với nông dân, HaiYih đã hình thành một vùng nguyên liệu trà ô long rộng lớn: Năm 2002 chỉ  vốn liếng quanh quẩn ban đầu 9 ha trà; năm sau mở rộng lên 15 ha và đến nay con số hợp tác với nông dân đã lên đến 170 ha.
Phương thức hợp đồng của HaiYih đối với nông dân dựa trên tiêu chí hai bên cùng đạt hiệu quả kinh tế. Theo đó, HaiYih cung cấp giống, phân bón, khoa học kỷ thuật, thu mua toàn bộ sản phẩm theo giá sàn ổn định hàng năm…Nông dân bỏ công sức trồng, chăm sóc, thu hoạch đúng quy trình trên diện tích đất của mình. Thực hiện đúng theo cam kết hợp đồng. Tính riêng năm 2008,  HaiYih đã liên kết làm ăn có hiệu quả với 260 hộ nông dân, thu mua gần 700tấn nguyên chè liệu chè tươi của nông dân, giá thu mua đạt từ 18- 20 ngàn đồng/kg ( đối với trà kim tuyên , tứ quý, thúy ngọc, thiết quan âm, hồng xác pháo…) và từ 18 – 35 ngàn đồng/kg (đối với trà ô long).  
Thị trường xuất khẩu truyền thống của HaiYih là Đài Loan và Trung Quốc đại lục, Nhật, Mỹ với hợp đồng tiêu thụ sản phẩm chế biến chè Ô long đã ký ổn định đến 20 năm sau nữa. Bởi vậy, nữ chủ Hà Thúy Linh vẫn thường nói rằng, doanh nghiệp đầu tư cho nông dân là đầu tư cho chính mình. Nông dân mà thất bại thì doanh nghiệp không có nguyên liệu để sản xuất theo hợp đồng, dễ đánh mất uy tín với đối tác trong và ngoài nước. Không chỉ tạo mọi cơ hội yên tâm sản xuất trên diện tích đất tự có mà từng hộ gia đình nông dân Xuân Trường còn được tạo việc làm thường xuyên trong công ty HaiYih khoảng 200 công nhân. Những ngày mùa rộ HaiYih thu hút thêm từ 150 - 200 công nhân vào làm việc. Quân bình mỗi tháng HaiYih trả lương mỗi công nhân trên dưới 3 triệu đồng. Thu nhập này, nữ chủ Thúy Linh nói rằng sẽ cố gắng tăng hơn nữa trong năm 2009.
Người nông dân xã Xuân Trường, Đà Lạt cho biết, mỗi ha trồng trà ô long liên kết với công ty HaiYih đạt lãi ròng mỗi năm từ 170 triệu đồng đến 220 triệu đồng. Hộ gia đình nào thực chất thiếu vốn, được HaiYih cho vay không cần thế chấp tài sản. Thời hạn cho vay trong vòng 2 năm, lãi suất dưới 10%/năm. Bên cạnh đó là việc đầu tư ứng trước vật tư, phân bón cho nông dân. Tính gộp hai khoản vay này đã lên đến số dư nợ hàng năm ở Công ty HaiYih từ 5 tỷ đồng đến 6 tỷ đồng. “HaiYih bao tiêu toàn bộ sản phẩm trà của nông dân. Không vì bất cứ lý do nào mà để nguyên liệu trà thu hoạch của nông dân bị ứ đọng hoặc mất giá. Nhờ nâng cao với nông dân nên nông dân làm ăn với HaiYih rất sòng phẳng. Nông dân vay tiền HaiYih đến hạn đều thanh toán đầy đủ rồi vay trở lại. Hàng năm HaiYih đều tổ chức hội nghị tuyên dương nông dân sản xuất giỏi của công ty, có kèm theo phần thưởng động viên.  ”- Nữ “thủ lĩnh” đất trà ô long Xuân Trường, Hà Thúy Linh nói.
Bây giờ nguồn vốn của HaiYih đã nâng lên hàng trăm tỷ đồng. Công ty HaiYih xứng đáng đạt được rất nhiều giải thưởng lớn từ khi thành lập đến nay. Tiêu biểu là Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ trao tặng về thành tích xây dựng phong trào thi đua nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi từ năm 2003 đến năm 2007; Giải thưởng “Sao Vàng Đất Việt” năm 2006 và năm 2008 do Uy ban Quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế và trung ương hội các nhà doanh nghiệp trẻ Việt Nam trao tăng…Bên cạnh diện tích liên kết xây dựng vùng nguyên liệu trà ô long với nông dân, Công ty HaiYih đã xây dựng nông trại riêng biệt, sản xuất trên 40 ha chè Ô long. Vào năm mới 2009, nữ chủ Hà Thúy Linh tiếp tục hoàn tất việc xây dựng thêm nhà xưởng rộng 6.500 mét vuông, nâng năng suất chế biến của HaiYih lên gấp đôi hiện nay- từ 4 tấn tươi lên 8 tấn tươi/ngày. Kế hoạch đến 2015, nữ chủ HaiYih, Hà Thúy Linh và chồng- Lin Chin Chuang cùng đồng thuận đưa ra chỉ tiêu phấn đấu: Công suất nhà máy 1.000 tấn trà thành phẩm  mỗi năm ( khoảng 4,5 tấn trà tươi sản xuất thành 01 tấn trà thành phẩm ), gắn kết với nông dân mở rộng vùng chuyên canh nguyên liệu chè ô long thuần loại lên đến gần 300ha. /.  Tháng 12/2008