Thứ Bảy, 2 tháng 2, 2013

Xanh xanh bồ công anh

Bút ký VĂN VIỆT
Ở Lâm Đồng có hai loài bồ công anh “đặc hữu”: Hoa bồ công hoang dại quanh năm nở hai màu hoa vàng rực và trắng xám; rau bồ công anh xanh xanh quanh năm làm thực phẩm và làm trà thảo dược “canh giữ” sức khỏe cho con người. Hoa bồ công anh đã quen biết nhiều người phương xa vì hoa định cư ở phố núi Đà Lạt nổi tiếng; còn rau bồ công anh phải xuống đèo Prenn khoảng 35 cây số nữa mới gặp các thửa vườn xanh xanh giữa cánh đồng xanh, bên hồ thủy điện xanh ở thôn R’Chai 2, xã Phú Hội, Đức Trọng đã luân canh hơn bốn năm trời.

Sau bốn năm gặp lại anh Nguyễn Văn Nho, người đàn ông duy nhất của Việt Nam trồng rau bồ công anh thương phẩm với nhiều thay đổi. Trông anh có vẻ rắn chắc và đậm đà hơn ở tuổi “năm năm”. Là một người có tiền sử bệnh “ngả vàng” màu da vì chức năng gan “có vấn đề”, anh Nho gặp một lương y quen biết ở huyện Di Linh bốc thuốc đông y để sao vàng hạ thổ, sắc nước uống. Vài tháng sau, anh Nho thấy sức khỏe mình có chuyển biến tích cực thì được người lương y này trao vào tay một gói nhỏ hạt giống và nói : “Về nhà trồng lấy rau xanh ăn, lá và thân rễ khô nấu nước uống để tự phòng bệnh cho mình và cho gia đình. Rau bồ công anh đấy ! ”
Ở một nhà nông chuyên gieo ươm các loại giống rau để bán và để trồng, được “di thực” về nhà sản xuất và lưu giữ hạt giống rau mới là một việc quá quen thuộc với anh Nho. Các công đoạn gieo hạt bồ công anh vào khay rồi đưa ra đất ngoài trời trồng, chăm sóc trên vài trăm mét vuông, thu hoạch làm rau ăn tươi chỉ qua thời gian từ 80 - 90 ngày. Thưởng thức rau bồ công anh từ đó đến giờ, anh Nho vẫn luôn có cảm giác ngon miệng như những ngày đầu tiên:  “Đó là một loại rau đăng đắng, ngòn ngọt khá đặc trưng khi chế biến các món như trộn, xào, canh với tôm, thịt….Hoặc ăn rau tươi sống thì có thêm vị giòn giòn nữa….” Bà con láng giềng biết đến hỏi mua vài ba ký rau bồ công anh tươi, anh Nho bán bằng giá cộng- chia trung bình của các loại rau xanh khác. Người này “ăn được” giới thiệu đến người kia “ăn cho biết”, người từ trong tỉnh “lôi cuốn” người ngoài tỉnh cùng ăn rau bồ công anh, nên anh Nho dần dần mở rộng diện tích trồng từ diện tích 01 sào nhân thành 05 sào và lên đến 1,5 ha vào năm 2008, cũng là năm chính thức được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng tổ chức khảo sát, kiểm tra và cấp Chứng nhận đảm bảo quy trình sản xuất rau bồ công anh an toàn. Lúc này từ quy mô sản xuất hộ gia đình của anh Nho đã “nâng cấp” thành Công ty TNHH Bồ Công Anh, Đà Lạt.
3 năm sau - năm 2011, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng tiếp tục cấp mới Chứng nhận “bồ công anh an toàn” trên diện tích sản xuất “lưu động” của công ty anh Nho trên dưới 01 ha. “Để được công nhân quy trình sản xuất rau bồ công an an toàn, công ty gia đình chúng tôi phải thực hiện nghiêm ngặt quy trình bón phân hữu cơ, tưới nước sạch từ giếng khoan; không bón phân hóa học, không bơm phun thuốc trừ sâu hóa học, lựa chọn môi trường sản xuất xung quanh đảm bảo trong lành…”- anh Nho nói. Nhưng để đạt năng suất và chất lượng theo yêu cầu đặt ra, anh Nho phải tìm kiếm nhiều khu vực đất vừa “lạ”, vừa an toàn ở địa bàn xã Phú Hội để thuê trồng rau bồ công anh luân canh với giá từ 2- 4 triệu đồng/sào/năm. Cứ trồng theo nhu cầu đặt hàng và theo dự báo nhu cầu phát sinh, tuy số lượng chưa lớn nhưng địa bàn đã mở rộng từ thành phố Hồ Chí Minh xuống Vũng Tàu, ra các tỉnh Trung Nam Bộ và ra nhiều tỉnh phía Bắc, bồ công anh tiêu thụ “mở hàng” là sản phẩm rau lá tươi, sau đó là thân, rễ sấy khô và trà túi lọc…
Tính ra đã 4 năm kể từ khi thành lập, Công ty TNHH Bồ Công Anh, Đà Lạt đã duy trì 3 điểm “phân phối sản phẩm” tại thôn R’Chai 2, Quốc lộ 20, Đức Trọng; tại đường Dương Quảng Hàm, quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh và tại một quày thuốc tây ở trung tâm thành phố Đà Lạt. Trò chuyện trong năm 2012, công ty sản xuất và tiêu thụ số lượng bao nhiêu sản phẩm bồ công anh, anh Nho kể có nhiều lần khách hàng từ Hà Nội điện thoại đến đặt hàng chỉ vài tiềng đồng hồ sau đã bước xuống sân bay Liên Khương để mua 10 ký rau bồ công anh xanh với giá mỗi ký 8 ngàn đồng, rồi ngay tức khắc lên chuyến bay trở về lại Hà Nội. Còn trên đường bộ hàng tháng, công ty đóng thùng xốp lạnh gửi xe khách ra Hà Nội thêm hàng chục ký rau xanh bồ công anh nữa. Và sản phẩm thân, rễ sấy khô đóng gói ni lông thì cũng “bán đều đều” hàng trăm ký ở thị trường ngoài tỉnh. Đặc biệt sản phẩm trà túi lọc bồ công anh thì bán từng hộp 25 gói ( mỗi gói 2 gam) với giá 16 ngàn đồng ở thời điểm cuối năm 2012, bán chiếm số nhiều ở thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và bán cho khách du lịch đến Đà Lạt với vài ngàn hộp trở lên…Hỏi người tiêu dùng phản hồi ra sao, anh Nho chân tình: “ Có người điện thoại lên nói ăn rau bồ công anh xanh tươi hàng ngày đã giải nhiệt nóng trong người thấy rõ. Cũng có người nói uống nước trà túi lọc và nước nầu từ thân, rễ bồ công anh khô, hàng đêm đã ngủ ngon hơn, thậm chí như được lọc sạch những chất gây triệu chứng ung thư trong máu. Nhưng cũng có người không bày tỏ gì cả, cứ gọi điện thoại lên đặt mua thường xuyên cả bồ công tươi và bồ công khô…  ”
Với một giàn máy sấy, xắt, xay, đóng gói….của công ty anh Nho ước giá trị hiện tại trên dưới 300 triệu đồng, đủ năng lực chế biến sản phẩm bồ công anh sản xuất trên năm, bảy héc ta. Do bồ công anh là sản phẩm đầu tiên trong cả nước, chưa có điều kiện tham gia các cuộc hội chợ xúc tiến thương mại để quảng bá, nên chưa tạo dựng đủ thị trường để công ty anh Nho hợp tác với nông dân mở rộng sản xuất. Chia quân bình trong 4 năm qua, anh Nho vừa sản xuất vừa chế biến trên diện tích từ 05 sào đến 01 ha, mỗi năm kiếm lời trên mỗi sào đất khoảng 50 triệu đồng. Số tiền lãi này, anh Nho cũng có thể thu được khi trồng các loài cây rau khác trên cùng diện tích. Nhưng niềm vui của anh Nho và gia đình là được hàng ngày chăm chút cho màu xanh xanh bồ công anh trong ngàn xanh của vùng R’Chai, Phú Hội, Đức Trọng nhiều ưu đãi về nhiệt độ, thời tiết, thổ nhưỡng…trên độ cao gần ngàn mét; và trên thửa vườn của mình được sản xuất những hạt giống bồ công anh “chắc ruột”, có thể bảo quản trong nhiều năm trước khi gieo xuống đất cho một vụ mùa mới.
Nhớ hồi cuối năm 2008, Công ty TNHH Bồ Công Anh, Đà Lạt của anh Nho vừa khai trương, tôi có xuống tham quan viết bài giới thiệu với nhiều hy vọng phát triển. Nay trở lại vào những ngày cuối cùng của năm 2012, đón chào năm mới 2013, đi bên thửa vườn tỏa mát một màu xanh xanh của bồ công anh giữa cánh đồng trải dài dưới đường thung lũng xanh của đất R’Chai, Phú Hội, Đức Trọng, tôi lại có thêm niềm hy vọng mới về lợi thế so sánh của loài cây này, loài cây gần như trở thành “đặc hữu” của đất Lâm Đồng …
Đức Trọng- Đà Lạt đầu năm 2013