Thứ Năm, 31 tháng 1, 2013

Kỹ sư cam đỏ

VĂN VIỆT
Kỹ sư nông nghiệp Mai Viết Phương, sinh năm 1943, một Việt kiều Úc đã đưa giống cam đỏ “độc nhất vô nhị” trên thế giới về trồng thử nghiệm thành công trên vùng đất đồi đá của huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng công nhận là giống cam đầu dòng.
Vừa từ Úc trở về Việt Nam, kỷ sư Mai Viết Phương giành thời gian cả một buổi chiều cuối đông để tiếp chuyện với tôi giữa trang trại cam đỏ ở huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Kỹ sư Phương tâm sự: “Mỗi năm phải về Úc 3 tháng để giải quyết các công việc riêng gia đình; còn lại 9 tháng ở Việt Nam để chăm lo cho cây cam đỏ đầu dòng…”


CAM ĐỎ TRÊN ĐẤT ĐÁ

Bây giờ cam đỏ đã trải dài thảm xanh trên những rặng đồi đá lên đến 60 ha thuộc xã Hiệp An và xã Hiệp Thạnh của huyện Đức Trọng, Lâm Đồng. Cùng ngắm nhìn “thành quả xanh”, kỷ sư Mai Viết Phương kể với tôi rằng ông đã định cư ở nước ngoài gần 40 năm qua. Ký ức của ông vẫn luôn hiện lên một miền tuổi thơ lên năm, lên bảy, định cư cùng ba mẹ trong một căn gác gỗ ẩn mình bên dòng thác Cam Ly, Đà Lạt. Rồi xuống Sài Gòn, ra nước ngoài đi  học và làm việc, ông luôn ấp ủ một giấc mơ được trở về lại Đà Lạt, Lâm Đồng để lập một trang trại trồng cây ăn trái, dù chỉ là những năm tháng cuối đời, ông vẫn toại nguyện.     
Sao bao nhiêu chuyến về nước khảo sát, tìm kiếm nguồn đất đầu tư trồng cây ăn trái, kỷ sư Mai Viết Phương được “dừng lại ” giữa một sườn Núi Voi toàn đá với đá lộ thiên trên đất thuộc địa bàn xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.  Lúc đó là năm 2000, ông quyết định xin chia 20 ha đất dự án trồng rừng ở đây với một doanh nghiệp chế biến giấy của tỉnh Đồng Nai. Và trong đầu óc hình dung về vùng trang trại sum suê cây trái, kỷ sư Phương bắt đầu nghĩ nhiều nhất đến giống cây cam đỏ đưa từ Úc về trồng trên đất này.
CÂY ĐẦU DÒNG
Năm 2001, kỹ sư Mai Viết Phương cùng với một đồng nghiệp giảng dạy tại Trường Đại học ở miền Tây Sydney, Úc, bác sĩ Graeme Richards đến khu Hiệp Thạnh, Đức Trọng, Lâm Đồng ( cách thành phố du lịch Đà Lạt chừng 20 cây số) để lấy các mẫu đất đồi đá, đo nhiệt độ, đo lượng nắng, lượng mưa… đưa qua phân tích tại các cơ quan nghiên cứu khoa học bên Úc đã khẳng định đất đai, khí hậu vùng này có thể phát triển đại trà giống cây cam đỏ với điều kiện phải thực hành các chế độ chăm sóc đặc biệt hơn so với trồng trên các vùng đất của nước Úc. Đến cuối năm 2003, sau khi trồng thực nghiệm trên phạm vi nhỏ đã dần dần đậu trái, kỹ sư Phương đã đồng loạt triển khai đưa cây giống cam đỏ về trồng trên 5 ha đất đồi đá nơi đây. Mật độ trồng bình quân 450 cây/ha. Trồng cây cách cây là 4m X 5m.  “Phải mất rất nhiều tháng trời thuê mướn cơ giới cày ủi, san gạt, lật từng thớ đá lên thu gom tập trung ở một góc đồi, giành phần đất hỗn hợp trộn với đá cục và đá dăm… để xuống giống trồng cam đỏ. Rồi xây dựng hồ thủy lợi bơm nước từ dưới thung lũng lên tưới với chiều dài đường ống dẫn nước hàng cây số…. ”- Kỹ sư Phương kể lại.
Thực hành nghiêm ngặt quy trình chăm sóc đặc biệt, đạt chuẩn an toàn, đến gần 3 năm sau, cam đỏ đã lần lượt đậu “trái bói” trên cả 5 ha ở đất đá xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng nói trên. Thành công như dự báo trước, kỷ sư Phương tiếp tục xuống giống mở rộng trồng cam đỏ thêm 5 ha rồi thêm 10 ha nữa. Và cũng sau 3 năm chăm sóc kỹ thuật đặc biệt, lần lượt những ha cam đỏ mới tiếp tục ra “trái bói”. Mỗi tuần thu hoạch một lần, sau 3 năm trồng thu đạt trên dưới 25tấn/ha/năm. Đến năm thứ 4, thứ 5 đạt năng suất trên dưới 30 tấn/ha.năm. Tính riêng số diện tích trồng cam đỏ đến năm thứ 10 trên đất đồi đá Hiệp Thạnh, Đức Trọng, đã thu hoạch đạt từ 35-40 tấn/ha/năm. Trước đó, vào tháng 9/2008, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đã ra Quyết định công nhận giống cam đỏ của kỷ sư Mai Viết Phương trồng tại Hiệp Thạnh, Đức Trọng này đạt tiêu chuẩn vườn cây đầu dòng để bảo tồn, khai thác và sử dụng hiệu quả nhất…     
NHỮNG CÁNH RỪNG CAM ĐỎ
Một ngày cuối đông Nhâm Thìn 2012, ông Nguyễn Công Cẩm, trợ lý của kỹ sư Mai Viết Phương dẫn tôi đi thăm đồi “cam đỏ” tại thôn K’Long, Hiệp An, Đức Trọng, Lâm Đồng. Đó là một dãy đồi chạy ven con suối K’Long để bơm nước lên tưới tiêu cho 40 ha cây “cam đỏ” trồng, chăm sóc từ năm 2009 đến nay, đang ra dày đặc “trái bói”. Nguồn giống ở đây cũng được kỷ sư Mai Viết Phương ươm trồng tại chỗ bằng kỹ thuật ghép gốc cây nhập về từ nước Úc với mầm chồi cây đầu dòng trồng trên 20 ha nói trên ở xã Hiệp Thạnh cùng thuộc huyện Đức Trọng của tỉnh Lâm Đồng. Đây là giống cam không hạt, ruột màu đỏ nên nông dân quanh vùng Đức Trọng, Lâm Đồng thường gọi cái tên nôm na cho dễ hiểu là “cam đỏ”.

Theo tài liệu của kỹ sư Mai Viết Phương, cam đỏ đang nhân rộng ở vùng đất Đức Trọng, Lâm Đồng có tên gọi cam Cara Cara, là một loại cam biến dị trồng ở Venezuela vào những năm đầu thập niên 70, sau đó “di thực” về Mỹ, Úc từ những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước. Tên khoa học là Cara Cara Navel – Citrus sinensis. Đồng nghiệp giảng dạy của kỷ sư Phương tại một Trường Đại học miền Tây Sydney, Úc, bác sĩ Graeme Richards là người duy nhất tại Úc đang trồng và sản xuất giống cam Cara Cara, còn gọi là giống cam “3 trong 1” vì trong trái có 3 thành phần hoạt chất của cam, cà rốt và cà chua. 
Trong hơn 3 năm gần đây, kỹ sư Mai Viết Phương còn xây dựng khu vườn ươm hàng ngàn mét vuông ở xã Hiệp An, Đức Trọng, Lâm Đồng đã sản xuất bán hàng ngàn cây giống cam Cara Cara và trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật trồng cho nông dân các huyện, thành khác từ trong tỉnh Lâm Đồng ra các tỉnh miền núi phía Bắc và miền Tây Nam Bộ, đạt những kết quả khả quan ban đầu như cây đủ chiều cao, cây lần lượt cho trái bói có chất lượng…Hiện giá bán mỗi cây giống cam Cara Cara là 150 ngàn đồng. Thời gian ghép cây giống đến chăm sóc và xuất bán từ vườn ươm ra trồng “ngoài đồng” trên dưới 2 năm. Cây chăm sóc theo quy trình an toàn, bón phân hữu cơ và áp dụng các biện pháp sinh học để phòng trừ dịch hại, khi thu hoạch lúc 3 tuổi, 4 tuổi và 5 tuổi đạt độ cao từ 2- 2,5 mét; từ 8 tuổi trở đi, cây cao cực đại khoảng 8 m. Tuổi thọ của cây có thể kéo dài từ 40 năm đến 50 năm. Cây cho trái quanh năm, trọng lượng mỗi trái từ 0,2 kg đến 0,33kg…
Ông trợ lý của kỹ sư Phương tính theo giá thị trường cuối năm 2012, để có 01 ha “cam đỏ” bắt đầu thu trái bói phải tốn trên dưới 200 triệu đồng đầu tư giống, vật tư phân bón, đưa cơ giới vào cày ủi đất tới xốp và ngày công chăm sóc… Trong 2 năm tiếp theo, chi phí công lao động và vật tư, phân bón thêm 300 triệu đồng nữa. Tổng cộng đầu tư từ đầu đến khi thu trái bói là 500 triệu đồng. Với năng suất thu hoạch 25 tấn/ha/năm đầu tiên, giá bán mổi ký khoảng 40 ngàn đồng, tổng doanh thu là 01 tỷ đồng. Trừ ra thực lãi là 500 triệu đồng. Con số lãi này tiếp tục tăng lên theo năng suất thu hoạch những năm tiếp theo ( thu hoạch năm thứ 4, thứ 5 tăng lên 30 tấn/ha; năm thứ 6, thứ 7 trở đi “lập đỉnh” từ 35-40 tấn/ha như đã kể trên).
“Các nước trong khu vực châu Á nói chung, Đông Nam Á nói riêng cứ liên tục đòi qua mua cam đỏ, nhưng có đâu mà bán. Trên 60 ha ở đất Đức Trọng, Lâm Đồng, mỗi tuần thu hái hàng trăm tấn, thương lái trong nước chen chân chờ sẵn tại vườn để mua hết ngay. Tôi đang lên dự án phát triển một vùng nguyên liệu cam đỏ của Lâm Đồng khoảng 5 ngàn ha, khi nào chính thức được phê duyệt thì mới công khai. Còn gốc cây giống cam đỏ thì chắc chắn khoảng 5 năm nữa, chúng tôi sẽ tự sản xuất rồi ghép với mầm chồi trồng tại Đức Trọng, Lâm Đồng, không còn phải nhập mua về từ Úc nữa…”- lão kỹ sư 70 tuổi, Mai Viết Phương sảng khoái tiết lộ.
Tháng 01.2013