Chủ Nhật, 20 tháng 1, 2013

Bán sinh vật cảnh ở buôn

VĂN VIỆT
Bên cạnh công việc đồng áng, bà con dân tộc thiểu số thôn ( buôn) Suối Thông A1, xã Đạ Ròn, Đơn Dương đã và đang “sản xuất” ra nhiều mặt hàng sinh vật cảnh để bán hàng ngày, tăng thêm thu nhập cho gia đình.   

Vào thôn ( buôn) Suối Thông A1, xã Đạ Ròn, Đơn Dương rất dễ thấy những khúc cây gỗ lũa khô màu tự nhiên, những chậu cây xanh, si, đa, những chùm hoa đá…bày bán trước sân, sau vườn, bên hiên nhà của đồng bào thiều số. Gặp một chủ hộ gia đình, tuổi khoảng trên ba mươi đang chăm sóc sinh vật cảnh trước sân nhà, nói rằng các “mặt hàng” ở đây gồm nhiều loại, giá tiền bán không cao. Như chậu cây sung đang tạo dáng cao hơn một mét, cây phủ lớp da đậm màu rêu, lá to và xanh thẫm…rất thích hợp với việc trang trí trong hội trường, hoặc trang trí trong sân vườn của căn hộ bình thường hay trong khuôn viên những căn biệt thự sang trọng. Cây sung còn đặt trước cửa ra vào của căn nhà còn có ý nghĩa cầu mong cho cuộc sống gia chủ quanh năm sung túc, đủ đầy. Chủ nhân của “tác phẩm” cây sung cho biết, đây là khúc cây được “mót” đưa về từ vùng đất dưới chân đèo K’rông Pha, thuộc tỉnh Ninh Thuận cách đây hơn một năm. Sau vài tháng giâm dưới đất cho ra rễ, cây được bứng vào trong chậu xi măng được đúc sẵn với những hoa văn sinh động, rồi tạo dáng cây nghiêng nghiêng như dáng một con đường đi lên đỉnh đồi. Hỏi giá bán bao nhiêu, chủ nhân của cây bảo “không nói thách đâu. Chỉ hơn một triệu đồng là bán thôi…”
Ở căn nhà kế bên của chủ nhân có chậu cây sung nói trên là một sân vườn hoa đá, đường kính của “đóa hoa” từ 0,3 mét đến 0,4 m; “cuốn hoa đá” cao khỏang trên dưới 0,4m, giá bán chỉ trên dưới 200 ngàn đồng. Bà con còn cho biết, đây là những “tác phẩm đá” được bà con “nhặt” trên bề mặt những con sông, con suối, dưới chân những khu đồi đá…thuộc địa bàn tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Ninh Thuận. Thấy những “cội đá” có hình thù đẹp, lạ mắt, bà con “nhặt”, đưa lên chiếc xe máy chở về nhà “gội rửa” sạch, đẽo gọt chút đỉnh rồi bày bán. Hay ở nhà của chủ hộ Ha Sin có mấy khúc gỗ lũa xa xị đã sẫm màu vì lâu năm, mỗi khúc cao từ 1,5 mét đến 2m, đường kính khoảng 0,3m, chào bán 700 ngàn đồng. Đến gần khúc gỗ lũa xá xị vẫn còn cảm nhận mùi hương thơm tỏa ra, dù gỗ đã “chết” từ khá nhiều thời gian trong rừng xa, bà con phải bẩy đất đá phủ dày phía trên mới đưa được “tác phẩm” còn nguyên vẹn hình dáng tự nhiên về nhà bán. Nhưng cũng có gốc gỗ lũa xá xị của nhà bà con ở đầu buôn bên kia, đường kính trung bình đến 0,5m, được chào bán với giá 3 triệu đồng. Những người có “chuyên môn” về sinh vật cảnh ở Lâm Đồng cho rằng, gốc cây này có thể dùng làm mặt bàn uống trà khá nghệ thuật, nếu phủ thêm lên trên một lớp sơn mỏng cùng màu gỗ, nên giá thành bán như vậy là cũng khá “mềm”…
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hội Nông dân kiêm Chi hội trưởng Chi hội Sinh vật cảnh xã Đạ Ròn, Đơn Dương nói thêm rằng cũng có nhiều gia đình bà con thiểu số ở thôn Suối Thông A1 của xã này đã bán một gốc cây xanh kiểng tự tạo với giá lên đến chục triệu đồng. Ngoài ra bà con còn tự cắt ra thành những cành cây xanh, si, đa..nhỏ, giâm xuống đất tạo rễ, bán mỗi cành trên dưới năm chục ngàn đồng. Khách hàng mua cây cảnh ở buôn này chiếm phần lớn là người từ Đà Lạt xuống, họ mua về cho nhu cầu sử dụng làm các tiểu cảnh trong khuôn viên căn nhà riêng mình. Thống kê ban đầu hiện thôn Suối Thông A1 có gần 10 gia đình bà con dân thộc thiểu số được kết nạp vào hội viên Hội Sinh vật cảnh của xã Đạ Ròn, Đơn Dương. Tính ra cũng đã gần 10 năm, bà con vào “nghề” sinh vật cảnh, nhưng chính thức đưa “tác phầm” ra bán trên thị trường chỉ một vài năm trở lại. Cách đây khoảng 3 năm, bà con nơi đây đã chọn 4 “tác phẩm” cây kiểng, gỗ lũa tham gia triển lãm tại Hội Hoa xuân Đà Lạt, bước đầu được Ban Tổ chức ghi nhận những giá trị nghệ thuật của những “tác phẩm” đầu tay này.
Để khuyến khích phong trào “sản xuất” cây cảnh, đá cảnh ở thôn ( buôn) Suối Thông A1, Chi hội Sinh vật cảnh xã Đạ Ròn trước mắt tập hợp những tư liệu về sinh vật cảnh cấp phát cho bà con. Trong năm 2012 sẽ tổ chức những buổi trao đổi tập trung, nhân rộng kinh nghiệm “sản xuất” sinh vật cảnh giữa những hôi viên với nhau và giữa hội viên với những người mới vào “nghề”, tạo thêm triển vọng cho một nguồn thu nhập nông nhàn ổn định mới cho bà con dân tộc thiểu số địa phương.. 
Đơn Dương- Đà Lạt Tháng 3.2012